Hai kịch bản xấu có thể khiến VN-Index kiểm tra lại mốc 850 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
13:48 - 07/01/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chứng khoán Maybank (MSVN), VN-Index có thể sẽ chịu áp lực và kiểm tra lại mốc 850 điểm - 950 điểm trong nửa đầu năm 2023 bởi mối lo ngại về lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan, sau đó có thể phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm.

MSVN mới phát hành Báo cáo chiến lược thị trường năm 2023 với chủ đề: “Trời luôn tối nhất trước bình minh”, trong đó đưa ra các thuận lợi, thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay cũng như các kịch bản của VN-Index.

Theo MSVN, tâm điểm cho triển vọng của thị trường chứng khoán 2023 sẽ xoay quanh lạm phát và sự suy yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về lạm phát, áp lực tỷ giá trong quý 3/2022 đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản chỉ trong một tháng. Bước sang năm 2023, lạm phát sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của NHNN và có thể khiến lãi suất có thể tiếp tục tăng trong suốt cả năm.

MSVN không loại trừ khả năng lãi suất điều hành của NHNN sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản (bps) trong những tháng tới vì lãi suất của FED có thể tăng thêm 50-75 bps vào năm 2023, sau khi tăng 425 bps vào năm 2022. Bên cạnh đó là dự trữ ngoại hối của NHNN hiện là 85 tỷ USD, tương đương với 3 tháng nhập khẩu, điều này hạn chế khả năng NHNN bán thêm USD trực tiếp ra thị trường; Đồng Việt Nam mất giá khoảng 4% vào năm 2022, có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong năm nay.

Quan trọng hơn, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây thêm áp lực tăng giá lương thực và thực phẩm do mối tương quan cao giữa giá tiêu dùng của Trung Quốc và Việt Nam. Do đó, tăng lãi suất có thể được coi là một biện pháp phòng ngự. Chính phủ đã nâng ngưỡng lạm phát lên 4,5% cho năm 2023, từ mức 4% trong 5 năm qua.

Sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ 200 bps từ tháng 9 và tháng 10, lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất thế chấp đang tiến đến mức không lành mạnh (10,5%-12,5%). Nếu lãi suất vẫn ở mức hiện tại, các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng (bao gồm cả tiền gốc và lãi suất) sẽ chiếm hơn 65% thu nhập hàng tháng của hộ gia đình trung bình. Nếu kéo dài, nhu cầu thế chấp, nhà ở và hàng tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Đồng Việt Nam giữ giá tốt trong 8 tháng đầu năm 2022.
Đồng Việt Nam giữ giá tốt trong 8 tháng đầu năm 2022.

Nhóm chuyên gia kinh tế của MSVN dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 4,3% vào năm 2023. Cân nhắc điều này, công ty chứng khoán dự báo trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ, NHNN có thể duy trì quan điểm thận trọng trong khi theo dõi diễn biến CPI.

Đến giữa năm, khi lạm phát dự kiến sẽ được duy trì ở mức vừa phải, Chính phủ sẽ chuyển sang các chính sách nới lỏng hơn, bao gồm hạ lãi suất và dành thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Trong trường hợp lạm phát tăng trên 5% và kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8/2023, có thể sẽ làm giảm dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Như vậy, lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Về trái phiếu, theo MSVN, Nghị định 65 có hiệu lực từ ngày 16/09/2022 đã đủ toàn diện để thị trường trái phiếu phát triển bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên các vụ án liên quan đến lĩnh vực này vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường.

Nhiều tổ chức phát hành đang gấp rút mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư và các quỹ trái phiếu trong nước, cũng đang phải đối mặt với những khoản mua lại lớn từ các khách hàng cá nhân. Lợi suất trái phiếu của một số công ty lớn có thời điểm tăng vọt lên 30-40% so với mức chỉ 10-11% trước đó. Giá trị phát hành trái phiếu phi ngân hàng trong năm 2022 cũng giảm đáng kể so với 2021.

Thanh khoản thị trường trái phiếu tắc nghẽn đã tác động đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư. Trong quý 3/2022, người mua nhà trì hoãn việc mua nhà và tỷ lệ hấp thụ giảm xuống chỉ còn 55% so với mức 80-90% cùng kỳ các năm trước. Thép là nguyên liệu đầu vào chính cho xây dựng chứng kiến nhu cầu đi chệch hướng. Chỉ khoảng 12 triệu tấn thép cây, cuộn cán nóng và phôi thép được bán vào tháng 10 và tháng 11/2022, giảm lần lượt 33% và 20% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đây là mùa xây dựng cao điểm.

Hòa Phát (HPG), nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và ASEAN với sản lượng 8,5 triệu tấn thép thô/năm, đã phải đóng cửa 4 trong số 5 lò luyện phôi do nhu cầu yếu và mới công bố hoạt động trở lại 1 lò.

Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ thị trường trái phiếu và bất động sản kể từ giữa tháng 11/2022. Tuy nhiên MSVN nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xấu đi trong 2 năm tới cho đến khi thị trường trái phiếu ổn định vào năm 2025.

Mức định giá hiện tại đã phản ánh đầy đủ nguy cơ

Từ những phân tích trên, MSVN đưa ra 2 kịch bản xấu có thể tác động đến thị trường chứng khoán. Ở kịch bản “Xấu 1”, MSVN giả định rằng lạm phát sẽ vượt nhẹ trên mức 4,5% nhưng có thể được kiểm soát trong 6 tháng đầu năm và giảm dần áp lực trong nửa cuối năm 2023; thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ suy yếu dần trong suốt năm 2023 nhưng các nhà phát triển chất lượng vẫn có khả năng phát hành trái phiếu từ giữa năm 2023.

kịch bản “Xấu 2”, lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2023 và thắt chặt tiền tệ.

Theo MSVN, mức P/E thấp lịch sử hiện tại (10x) đã phản ánh gần như đầy đủ nguy cơ lạm phát sắp tới và sự suy thoái ở mức độ vừa phải của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong hai kịch bản xấu trên.

Định giá VN-Index hấp dẫn hơn hầu hết các thị trường trong khu vực, độ biến động cũng thấp hơn.
Định giá VN-Index hấp dẫn hơn hầu hết các thị trường trong khu vực, độ biến động cũng thấp hơn.

Trên quan điểm thận trọng, MSVN kỳ vọng khiêm tốn đối với P/E mục tiêu cho VN-Index là 13,8x (tức là 1SD dưới mức trung bình 5 năm) cho kịch bản “Xấu 1” và 11,2x (tức là 2SD dưới mức trung bình 5 năm) cho kịch bản “Xấu 2”.

VN-Index có thể sẽ chịu áp lực và có thể kiểm tra lại mốc 850 điểm - 950 điểm trong nửa đầu năm 2023 bởi mối lo ngại về lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan (do mức so sánh cao của 6 tháng đầu năm 2022), nhưng có thể phục hồi đáng kể lên mốc 1.150 điểm – 1.400 điểm trong nửa cuối năm với dự đoán rằng Chính phủ sẽ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Định giá còn có thể hấp dẫn hơn nếu tình trạng bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên tồi tệ hơn, nhưng xác suất xảy ra kịch bản này đã giảm đáng kể (khoảng 10% tại thời điểm hiện tại) vì Chính phủ đang thực hiện các bước để tái cấu trúc lại thị trường trái phiếu.

Về chiến lược đầu tư cụ thể, MSVN khuyến nghị các ngành có tăng trưởng lợi nhuận ổn định và định giá hấp dẫn. Cụ thể, các cổ phiếu trọng tâm của MSVN là CNTT (FPT), đồ uống (VNM, SAB), năng lượng (GAS, PVS và PVD), khu công nghiệp (BCM) và ngân hàng (STB, LPB, MBB, VCB và TCB).

Theo MSVN, VN-Index đang ở mức định giá hấp dẫn chưa từng có trong thập kỷ. So sánh trong quá khứ, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E là 10 lần, thấp hơn 2SD so với mức trung bình 3 năm. Hiếm khi thấy điều này ngoại trừ trong đợt bùng phát Covid vào tháng 3/2020.

So sánh với các chỉ số trong khu vực, VN-Index đang ở mức hấp dẫn, thấp hơn hầu hết các chỉ số trong khu vực. Đối với một quốc gia có thể mang lại mức tăng trưởng GDP 6-7% trong tương lai gần, việc định giá như vậy là một cơ hội hưởng lợi chênh lệch lớn.

Ngoài ra, bên cạnh những thách thức, vẫn có những yếu tố tích cực có thể thay đổi cục diện trong năm nay. Đó là hành động nhanh chóng và tích cực của Chính phủ để giảm thiểu tác động của các “cơn gió ngược”, Trung Quốc mở cửa trở lại, sự trở lại của dòng vốn ngoại, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ được FTSE nâng hạng lên trạng thái mới nổi thứ cấp...

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.