Hải Phòng khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư

Deep C hải phòng
16:25 - 22/10/2022
Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng
Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng
0:00 / 0:00
0:00
Đồng hành cùng xu hướng phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính được Hải Phòng ưu tiên, khuyến khích phát triển.

Hải Phòng và câu chuyện bứt phá thu hút vốn đầu tư

Hải Phòng là thành phố cảng nằm ở vị trí đặc biệt, điều kiện thuận lợi phát triển cả 5 loại hình giao thông, đặc biệt với cảng biển nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi, hệ thống đường cao tốc kết nối Hải Phòng với tỉnh duyên hải Bắc Bộ và tam giác kinh tế Đông Bắc Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh…

Đây là những lợi thế thúc đẩy giao thương thuận tiện, phát triển logistics, cùng với ưu thế về lực lượng lao động chất lượng cao khiến địa phương này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Những năm gần đây, công tác xúc tiến đầu tư được thành phố chú trọng đổi mới, sáng tạo về phương thức thực hiện, cùng với đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời đối thoại, hướng dẫn và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần nâng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh/thành phố, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019.

Năm 2021, chỉ số PCI của Hải Phòng đạt 70,61 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ hai của cả nước.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng trưởng 11,22%, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao thứ hai toàn quốc.

Năm 2021, Hải Phòng vươn lên dẫn đầu với mức tăng trưởng 12,38%, cao gấp hơn 4 lần so với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Việt Nam. Kỳ vọng năm 2022, GRDP của thành phố này sẽ tăng trên 13% so với năm 2021, thu hút 2,5 - 3 tỷ USD vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Hải Phòng xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố với 58 dự án FDI cấp mới cùng số vốn đăng ký hơn 806 triệu USD, 28 dự án điều chỉnh với số vốn hơn 396 triệu USD, 17 lượt góp vốn mua cổ phần với hơn 8,5 triệu USD giá trị góp vốn, mua cổ phần, tổng cộng hơn 1 tỷ 211 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/9, Hải Phòng có 952 dự án FDI còn hiệu lực thi hành với tổng vốn đầu tư 24,5 tỷ USD. Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố nỗ lực thu hút được khoảng 11 tỷ USD.

Tại Hội thảo “Kiến tạo tương lai” do Khu công nghiệp DEEP C phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức ngày 20/10, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Hải phòng được biết như là một điểm đến thành công của các nhà đầu tư với 13 tỷ USD đầu tư trong nước và 950 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có các nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước như: Vingroup, Sungroup, Pegatron, Tesla, LG, Chinfon, Sojitz, Idemitsu...

Theo ông Kiên, địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, trong đó, hạ tầng cảng biển được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Các bến cảng nước sâu hiện đại đi vào vận hành khai thác sẽ góp phần hoàn thiện mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Đề cập đến chủ trương và định hướng thu hút đầu tư, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái, phát triển KCN bền vững và hiệu quả. Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố luôn khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường”.

Ngay tại buổi hội thảo này, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất màng bọc trong tấm pin quang điện có tổng vốn đầu tư 98 triệu USD do Công ty TNHH First Global Business làm chủ đầu tư tại KCN DEEP C.

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C, cũng cho biết, sau 25 năm có mặt tại Việt Nam, chỉ riêng tại các KCN thuộc Tổ hợp KCN DEEP C đã thu hút được khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư với hơn 140 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo ra hơn 10.000 việc làm cho người lao động.

Phát triển bền vững gắn với công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu của bất động sản công nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ chia sẻ, cục diện thế giới đang thay đổi theo hướng tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát tăng lên.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ

Kinh tế thế giới đang cấu trúc lại và xu hướng thắt chặt tiền tệ khiến việc thu hút dòng tiền quốc tế cũng trở nên khó khăn. Dòng tiền đầu tư sẽ dồn về những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Việt Nam là nền kinh tế mở nên sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ tình hình chung của kinh tế thế giới. Do đó, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thời cơ để bứt phá, trong đó, việc xây dựng cơ cấu ngành hiện đại, phát triển trên nền công nghệ cao, sinh thái, bền vững là hướng đi tất yếu.

Hải Phòng, với sứ mệnh trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia, rất cần nhận được sự tiếp sức và chia sẻ của những nhà đầu tư lớn trên thế giới. Và thông qua DEEP C, Hải Phòng có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn và các nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Đồng tình với ý kiến của TS. Trần Đình Thiên, Phó Giám đốc Bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Kajima Development, chủ đầu tư Core5 Việt Nam Paul Tonkers nhận định câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất mạnh mẽ. Ông cho rằng: "Kể từ khi bùng phát Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam chủ yếu dựa vào các nhà sản xuất hiện có tại Việt Nam vì các công ty không thể tự do đi lại để đánh giá địa điểm đầu tư. Giờ đây, khi hầu hết các nước đã mở cửa biên giới và gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, những nhu cầu bị dồn nén này đang được giải phóng”.

Nhận xét về xu hướng lựa chọn "nơi làm tổ" của các nhà đầu tư, ông Vadym Sheronov, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của Royal Haskoning DHV lại cho rằng: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp coi biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ”.

Vì vậy, nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp sinh thái như DEEP C trong hoạt động thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ảnh tác giả

"Deep C chỉ có một tương lai mà thôi – tương lai phát triển bền vững. Hiện nay, DEEP C đang là nhà phân phối năng lượng và sẽ trở thành nhà cung cấp trong thời gian tới nhằm giảm gánh nặng cho EVN. Công ty cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 25% năng lượng tái tạo trong KCN, năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo, song song đó nghiên cứu công nghệ mới để thực hiện tham vọng tự chủ 100%".

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C.

Sẵn sàng đón dòng dịch chuyển này, hiện DEEP C đã có khoảng 1.840 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê. “Tuy nhiên theo đánh giá của của tôi, nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư đã tăng lên tới 2000 ha. Điều đó có nghĩa chúng tôi phải mở rộng nhanh chóng để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn đóng góp lớn hơn cho sự phát triển bền vững của Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung bằng cách xây dựng KCN sinh thái được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Việt Nam. Và chúng tôi rất mong muốn các nhà đầu tư thứ cấp sẽ cùng kiến tạo tương lai này với chúng tôi”, ông Jaspaert chia sẻ.

Đầu năm 2020, những tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên được lắp đặt trên mái nhà xưởng diện tích 20.000m2 tại KCN DEEP C Hải Phòng I có công suất 2,15MWp. Sau khi hệ thống điện mặt trời áp mái này đi vào vận hành đã khích lệ các công ty khác cho thuê lại mái nhà xưởng. Dự kiến đến năm 2023, công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái đạt hơn 20MWp.

Cuối năm 2021, trụ điện gió với chiều cao 100m và cánh quạt thiết kế dài hơn 70m cấp 2,3MW điện trực tiếp vào lưới điện nội bộ DEEP C Hải Phòng II. Ngoài điện gió và điện mặt trời, Deep C còn có kế hoạch sử dụng điện rác, biến rác thành năng lượng và sử dụng điện bằng khí tự nhiên.

Giai đoạn tiếp theo, DEEP C tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, chú trọng các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong KCN cũng như các giải pháp tái chế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, DEEP C từng bước thực hiện các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và áp dụng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cho chiến lược phát triển bền vững.

DEEP C là một trong 5 KCN đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) chọn thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tổ hợp KCN DEEP C là mô hình kết hợp khu công nghiệp chất lượng cao với hạ tầng cảng nội khu và các tiện ích xanh và bền vững, DEEP C được coi là một dự án đầu tư thành công điển hình của châu Âu và Việt Nam.

Tổ hợp KCN DEEP C bao gồm 5 khu công nghiệp với diện tích 3400 ha tại Hải Phòng và Quảng Ninh, hai trung tâm công nghiệp và cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc. DEEP C có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, nằm gần cảng nước sâu Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, và kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc đã làm nên xương sống cho hạ tầng miền Bắc.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, DEEP C đã thu hút được gần 140 dự án với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp