Hàn Quốc mở nhiều đợt thầu mua hơn 50.000 tấn gạo Việt Nam

Gạo XUẤT KHẨU
08:55 - 02/03/2022
55.112 tấn gạo Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 5% xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2022. Ảnh: Hanoimoi
55.112 tấn gạo Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 5% xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2022. Ảnh: Hanoimoi
Bộ Công Thương cho biết, TCT Thương mại nông, thủy sản và lương thực Hàn Quốc vừa thông báo hạn ngạch nhập khẩu gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Trong nửa đầu năm 2022, các đợt đấu thầu dự kiến sẽ được thông báo vào tháng 1, tháng 2, tháng 4 và tháng 6 (tổng cộng bốn đợt). Nửa cuối năm 2022, dự kiến sẽ tổ chức thêm hai hoặc ba đợt đấu thầu tùy thuộc vào tình hình trong nước.

Nếu trong đợt đấu thầu vào tháng 1/2022, Hàn Quốc không triển khai nhập khẩu gạo có xuất xứ từ Việt Nam, thì trong 3 đợt tiếp theo sẽ có cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trước mắt trong đợt thứ hai, Hàn Quốc thông báo mở thầu mua 27.791 tấn gạo từ Việt Nam (gồm cả gạo lứt hạt dài và gạo tẻ hạt dài). Cụ thể, Hàn Quốc mời thầu 9.000 tấn gạo lứt hạt dài đến cảng Icheon, 9.000 tấn cùng loại đến cảng Mokpo, 8.791 tấn đến cảng Ulsan và 1.000 tấn đến cảng Busan.

Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu, thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.

Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 5 nước gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam, Thái Lan và Úc. Cụ thể, Việt Nam được nhận mức hạn ngạch 55.112 tấn, Trung Quốc 157.195 tấn, Hoa Kỳ 132.304 tấn, Thái Lan 28.494 tấn, Australia 15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn gạo nhập khẩu còn lại được áp dụng theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi.

Trước đó, ngày 21/2, lễ khởi động dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng” do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Phát triển Nông thôn Hàn Quốc tài trợ đã được tiến hành tại xã Liên Hoa (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Dự án nằm trong khuôn khổ mới về hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Hàn Quốc và Việt Nam thông qua các cuộc thảo luận về chuỗi giá trị lúa gạo. Với mục tiêu xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Hồng, dự án nhằm nâng cao năng lực canh tác lúa hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu tới người nông dân, nhằm nâng cao thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tiếp tục đi theo hướng không chạy theo khối lượng mà tập trung nhiều hơn cho việc nâng cao giá trị gạo xuất khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 6,24 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,29 tỷ USD, giá trung bình đạt 526,8 USD/tấn. So với năm 2020, xuất khẩu gạo trong năm qua giảm nhẹ 0,2% về khối lượng nhưng tăng 5,3% kim ngạch nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,5%.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo xu hướng ổn định về lượng và nâng cao giá trị. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến vẫn chỉ ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn, tức là tương đương hoặc tăng không đáng kể so với năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp