Hãng bay vận tải của đại gia Hạnh Nguyễn đã đủ điều kiện để cấp phép

Hàng KHông IPP Air Cargo
08:59 - 03/03/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều khâu thẩm định, Cục Hàng không Việt Nam vừa kết luận hồ sơ của IPP Air Cargo thuộc tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn phù hợp với quy định hiện hành và kiến nghị Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng bay này.

Trước đó, theo yêu cầu của Cục Hàng không, IPP Air Cargo đã phải bổ sung nhiều tài liệu, báo cáo về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không, bao gồm: Đề án hoạt động; Hồ sơ của Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương để chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam; Tài liệu xác nhận quốc tịch Việt Nam của toàn bộ vị trí quản lý chủ chốt (không có nhân sự chủ chốt là người nước ngoài).

Ngoài ra, IPP Air Cargo phải có phương án tăng vốn để bù đắp vốn thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do ghi nhận lợi nhuận âm. Công ty cổ phần IPP Air Cargo có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp 210 tỷ đồng (70%), còn Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu - vợ và con ông Johnathan Hạnh Nguyễn - mỗi bên góp 10%.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng khẳng định về năng lực giám sát an toàn (đảm bảo được về số lượng giám sát viên an toàn, giám sát viên bay). Cụ thể, đối với khả năng giám sát an toàn đối với máy bay B737BCF và B777F mà IPP Air Cargo dự kiến khai thác tại Việt Nam, phòng chuyên môn về an toàn của Cục Hàng không đã xác nhận làm việc với Boeing thời gian tới để hoàn toàn đủ năng lực giám sát 2 loại máy bay này theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Văn bản xác nhận việc đảm bảo cung ứng dịch vụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông báo "cơ sở hạ tầng của ACV có thể đáp ứng 5 vị trí đỗ qua đêm cho các máy bay chở hàng của IPP Air Cargo trong năm đầu tiên (mỗi sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ dành 1 vị trí đỗ qua đêm)".

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã nhất trí cung cấp dịch vụ cho đội máy bay của IPP Air Cargo tại Vân Đồn. Như vậy, thông báo của ACV và sân bay Vân Đồn phù hợp với kế hoạch khai thác đội máy bay, mạng đường bay giai đoạn từ năm đầu tiên đến năm thứ 5 tham gia thị trường, tăng đội máy bay từ 5 chiếc (năm thứ nhất) lên thành 10 chiếc (năm thứ 3) như IPP Air Cargo xây dựng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng đã thông báo "bảo đảm việc cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay cho các chuyến bay của IPP Air Cargo khai thác trong khu vực đường hàng không, trong khu vực kiểm soát của các cơ sở điều hành bay thuộc VATM".

Như vậy, sau khi đánh giá IPP Air Cargo đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về phương án đảm bảo có máy bay khai thác, về tổ chức bộ máy và về vốn theo quy định, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kết quả thẩm định hồ sơ, trình Chính phủ việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng bay này.

Thời điểm nào là thích hợp để ra đời một hãng bay vận tải hàng hóa chuyên biệt

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thị trường hàng không Việt Nam đang từng bước phục hồi, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong khi vận chuyển hành khách quốc tế trong năm 2021 ước đạt 500.000 khách, giảm 93% thì vận chuyển hàng hóa tăng đột biến, đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,3% so với năm 2020.

Vận chuyển hàng hóa tăng đột biến, đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa trong năm 2021

Vận chuyển hàng hóa tăng đột biến, đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa trong năm 2021

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn ấp ủ dự án thành lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa đã lâu. Tháng 3/2021, Công ty IPP Air Cargo được thành lập với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.

Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo "việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)".

Ngày 12/10/2021, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa IPP Air Cargo. Sau đó, Bộ đã giao Cục Hàng không hướng dẫn cụ thể để Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn thành hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên tại thời điểm đó, Cục Hàng không chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa trong lúc ngành hàng không Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, các chặng bay nội địa đã dần nhộn nhịp trở lại và giữa tháng Ba tới, khi các đường bay quốc tế được chính thức mở cửa, có thể coi đây là thời cơ chín muồi cho IPP Air Cargo được phép cất cánh.

Tham vọng trở thành hãng hàng không vận tải lớn bậc nhất Đông Nam Á

IPP Air Cargo cho biết, hãng đã ký thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD và đang cố gắng xúc tiến để nhận máy bay Boeing chở hàng đầu tiên vào tháng 6.

Trong năm đầu tiên khai thác, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Bên cạnh đó, IPP Air Cargo cũng cho biết sẽ triển khai công tác đào tạo để đảm bảo có một đội bay đủ sức triển khai hoạt động kinh doanh với tham vọng trở thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo AeroTime, trên thế giới hiện có 5 hãng vận chuyển hàng hóa hàng không lớn nhất về quy mô đội bay, đó là FedEx với 684 máy bay (đang đặt thêm 135 chiếc), UPS có 284 máy bay, DHL 191 chiếc, Atlas Air với 94 máy bay chở hàng chuyên dụng và Amazon Air (chỉ chuyên chở hàng hóa của hãng mình) có 73 chiếc.

Việt Nam hiện chưa có máy bay chuyên dụng và cũng chưa có hãng bay chuyên vận chuyển hàng hóa. Việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời, không hiệu quả.

Hiệp định hàng không quy định 1 - 1, nghĩa là cứ một chuyến bay từ nước khác vào Việt Nam thì Việt Nam được quyền bay ngược lại một chuyến. Nhưng do chưa có hãng hàng không vận tải hàng hoá chuyên biệt nên Việt Nam bị thua thiệt. Trong khi đó, các hãng hàng không vận tải nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm 88% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu.

Khi IPP Air Cargo ra đời thì tỷ lệ này sẽ là 50/50, cân bằng lại thương quyền bay cho ngành hàng không Việt Nam. Số lượng chuyến bay cũng sẽ tăng lên và các hãng nước ngoài cũng nhờ thế được tăng gấp đôi số chuyến bay và lượng hàng hoá.

“Các hãng bay vận tải hàng hoá, chuyển phát nhanh nước ngoài vốn đã là các đối tác có mối quan hệ mấy chục năm qua với tập đoàn IPP. Vì vậy, chúng tôi có nhiều thuận lợi, họ rất ủng hộ IPP Air Cargo”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group

IPP Air Cargo ra đời với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh vận tải hàng hoá của Việt Nam trên các đường bay quốc tế. Đồng thời góp phần bình ổn giá cước vận chuyển, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp