Hàng chục tỉnh thành còn chậm tiêm vaccine COVID-19

COVID-19 Việt nAM
16:13 - 07/07/2022
Hàng chục tỉnh thành còn chậm tiêm vaccine COVID-19
0:00 / 0:00
0:00
Trước sự xuất hiện của biến chủng BA.4 và BA.5 xâm nhập, theo Bộ Y tế, nhiều tỉnh thành trong nước vẫn còn triển khai chậm tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện Việt Nam mới chỉ tiêm được khoảng 51 triệu liều vaccine mũi nhắc lại thứ 3 và 4.

Bộ Y tế cho biết thời gian qua đã liên tục nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên vẫn có hàng chục tỉnh, thành nằm trong danh sách tiêm chậm các mũi nhắc lại, trong đó mũi 3 và mũi 4 cho cả đối tượng 18 tuổi và trẻ từ 12 – 17 tuổi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) hiện đạt tổng số là 46.158.580 mũi tiêm, đạt tỷ lệ là 68,8%. Trong ngày 7/7, có 27 tỉnh triển khai với 57.365 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 (mũi 3) thấp nhất lần lượt là Quảng Nam (45,4%), Đồng Nai (43,7%), Hải Phòng (43,1%), Cà Mau (42,9%), Hậu Giang (35,1%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao lần lượt là Bắc Giang (95,8%), Nghệ An (95%), Thanh Hóa (93,8%).

Về kết quả tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), tính đến sáng ngày 7/7, Việt Nam có tổng 4.851.371 mũi tiêm (34%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 60.628 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu (83,9%), Cà Mau (79,1%), Quảng Ninh (77,1%).

Đối với nhóm từ 12 – 17 tuổi, tính đến sáng ngày 8.653.309 trẻ em tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; tiêm nhắc đạt 999.345 trẻ (11,4%).

Về tiêm mũi nhắc thấp dưới 5%, miền Bắc có 14 tỉnh, miền Trung có 2 tỉnh, miền Nam có 9 tỉnh. Cụ thể, miền Bắc bao gồm Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên.

Miền Trung gồm Quảng Nam và Bình Thuận. Miền Nam gồm Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Các tỉnh có kết quả tiêm nhắc ở mức cao bao gồm: Ninh Bình (47,9%), Thanh Hóa (47,3%), Tây Ninh (47%).

Trước đó, ngày 1/7, tại buổi họp báo do UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Hà Nội hiện đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 thuộc Omicron tại bệnh viện Bạch Mai.

Bước sang ngày 4/7, TP HCM cũng ghi nhận 3 ca mắc biến thể phụ của chủng này, trong đó 1 ca tại huyện Củ Chi và 2 tại TP Thủ Đức.

Theo Cục Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết qua nghiên cứu, biến thể phụ BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay) và có nguy cơ sẽ lấn lướt biến thể BA.2.

Số ca mắc tăng nhẹ khoảng 200 ca/ngày

Theo Bộ Y tế, ngày 6/7 Việt Nam có 913 ca mắc COVID-19 mới. Kể từ đầu dịch đến nay, tổng số ca mắc của Việt Nam là 10.751.227 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ 1/1 triệu dân. Tính đến sáng ngày 7/7, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi của Việt Nam đạt mức 9.732.548 ca.

Theo Bộ Y tế, trong 2 ngày qua, số ca mắc COVID-19 của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 200 ca/ngày so với các ngày trước đó. Số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập vào nước ta thì vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là khi có sự xuất hiện của biến chủng mới. Bộ Y tế cũng sẽ chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn và kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 – 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp