Hàng không cất cánh sau đại dịch, SSI nêu thời điểm ngành phục hồi

Vietjet Air VIETNAM AIRLINES
12:58 - 02/08/2022
Sân bay đông đúc trở lại giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi kinh doanh.
Sân bay đông đúc trở lại giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, mở cửa du lịch, các sân bay cũng dần trở về trạng thái đông đúc. Nhờ vậy, tình hình kinh doanh của các công ty liên quan đến dịch vụ hàng không cũng đã sáng sủa hơn.

Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) và Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều tín hiệu lạc quan. Trong khi Vietjet duy trì quý lãi thứ 2 liên tiếp thì Vietnam Airlines đã giảm lỗ.

Cụ thể, trong quý vừa qua, Vietjet thu về 11.590 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch. Lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2021.

Còn Vietnam Airlines ghi nhận công ty mẹ lỗ 2.200 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm 44% lỗ so với cùng kỳ năm 2021; lỗ hợp nhất 2.500 tỷ đồng, giảm 43%. Lũy kế nửa đầu năm nay, mức lỗ tương ứng của công ty mẹ Vietnam Airlines là 4.600 tỷ đồng, lỗ hợp nhất hơn 5.200 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch. Đa số khách tới từ bay nội địa. Đáng chú ý là trong tháng 7, hãng đã ghi nhận có lãi từ vận tải khách nhờ lượng khách nội địa “bùng nổ”, dự báo kết quả kinh doanh tháng 8 tiếp tục khả quan khi cao điểm hè vẫn chưa kết thúc.

Hai hãng hàng không “non trẻ” hơn là Bamboo Airways và Vietravel Airlines mặc dù vẫn ghi nhận thua lỗ nhưng tình hình cũng sáng sủa hơn rất nhiều. Theo Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, từ tháng 4/2022 khi chớm hè, lần đầu tiên Bamboo Airways xác nhận con số doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Tháng 5, tháng 6, tháng 7 và dự báo cả tháng 8, hãng chạm ngưỡng doanh thu gần 2.000 tỷ đồng mỗi tháng.

Còn theo báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố của Vietravel (mã VTR, đang sở hữu 43,9% vốn của Vietravel Airlines) thì công ty này vẫn ghi nhận lỗ gần 57 tỷ từ mảng hàng không. Tuy nhiên từ tháng 4, thị trường nội địa đã bắt đầu hồi phục đáng kể và tăng trưởng mạnh trong những tháng tiếp theo do rơi vào giai đoạn hè. Tận dụng đà hồi phục trên, Vietravel Airlines đã tăng cường các đường bay trong nước, số chuyến bay của hãng trong tháng 6/2022 theo đó tăng 10-15% so với tháng trước đó và tăng 40% so cùng kỳ.

So với các hãng hàng không, các công ty kinh doanh dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này còn phục hồi mạnh hơn. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2022 tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, lên hơn 3.430 tỷ đồng. Đồng thời, lãi gộp tăng lên 1.622 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức bình thường 47%, trong khi cùng kỳ chỉ 2%.

Cộng thêm doanh thu tài chính cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, ACV báo lãi ròng quý 2/2022 lên gần 2.600 tỷ đồng, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.500 tỷ và lãi sau thuế gần 3.500 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp vận hành 22 sân bay tại Việt Nam đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) - nhà quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2022. So với quý đầu tiên trong năm, mức doanh thu này của Sasco đã tăng 126%, còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lên tới 216%.

Nhờ mức doanh thu trên, Sasco đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế gần 84 tỷ đồng trong quý 2, cải thiện mạnh so với mức lỗ 14,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là quý kinh doanh hiệu quả nhất kể từ năm 2019, đồng thời đưa lợi nhuận công ty trở về giai đoạn trước dịch Covid-19.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành sẽ mạnh mẽ hơn trong 2023

Trong báo cáo ngành hàng không mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 của các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không đang niêm yết trên sàn sẽ cao hơn nửa đầu năm, dựa trên những yếu tố sau:

Đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh. Trong tháng 6, sản lượng hành khách nội địa đạt 120-130% mức năm 2019, so với chỉ 16% trong tháng 12/2021, nhờ nhu cầu dồn nén trong 2 năm qua. Năm 2022, khách trong nước ước tính đạt 89 triệu lượt khách (+200% so với cùng kỳ và +20% so với 2019).

Khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm đạt 5 triệu lượt khách trong năm nay (15% của mức 2019). Trong tháng 6, khách quốc tế chỉ bằng 10% mức trước Covid-19, tăng từ 5% tại thời điểm cuối năm 2021 do không còn kiểm soát biên giới hay cách ly/xét nghiệm Covid. Việt Nam cũng là một trong những nước nới lỏng các quy định nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận chưa mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không), và việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau.

Do đó, SSI ước tính lợi nhuận của cả ngành tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi. Các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động đến lãi/lỗ có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm. Cơ cấu vốn với nợ vay/chi phí thuê cao cũng là vấn đề lớn cần giải quyết để ngành phục hồi bền vững hơn.

SSI kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận ngành này sẽ mạnh mẽ hơn trong 2023, nhưng chưa thể quay về mức trước Covid, dựa trên các giả định sau:

Sản lượng khách trong nước tiếp tục đà tăng đạt 98 triệu lượt khách, +10% so với cùng kỳ.

Khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh đạt 29 triệu lượt khách, thấp hơn 19% so với mức trước Covid, với kịch bản cơ sở giả định rằng Trung Quốc sẽ dần thực hiện chính sách không Covid-19 linh hoạt để mở cửa trở lại hoàn toàn vào 2023. Đến cuối 2023, SSI ước tính khách quốc tế sẽ hồi phục hoàn toàn về mức 2019 (3 triệu lượt khách/ tháng).

Năm 2023, các hãng hàng không cần tái khởi động các tuyến bay trước Covid đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu. Mặc dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận có thể tích cực do mức so sánh thấp trong năm nay và một số nhu cầu dồn nén về du lịch quốc tế sau 3 năm. Giá dầu bình thường hóa có thể giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận của các hãng hàng không.

Quá trình tái cấp vốn của các hãng hàng không sẽ gây ra rủi ro pha loãng đáng kể và nhà đầu tư nên chờ đợi quá trình này hoàn tất, ước tính diễn ra vào năm 2023. Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn, trong đó sản lượng khách trong nước đã vượt mức trước Covid và cảng hàng không nội địa chính tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế, trong khi các dự án mở rộng chưa bắt đầu.

Theo quan điểm đầu tư của SSI, các công ty điều hành sân bay và dịch vụ sân bay (ACV, AST) cũng cho lợi nhuận tăng so với mức trước Covid vào cuối năm 2023, khi khách quốc tế là nguồn đóng góp lợi nhuận chính của các công ty này. Do đó nửa đầu năm 2023 có thể là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu các công ty này trong bối cảnh hồi phục mạnh mẽ. “Chúng tôi ước tính tăng trưởng lợi nhuận 2023 là 115% và 486% so với cùng kỳ tương ứng đối với ACV và AST”, SSI nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp