Hạt điều Việt Nam muốn giữ vững vị trí số 1 tại châu Âu phải chế biến sâu

Hạt điều Việt nAM
15:18 - 14/05/2022
Hạt điều Việt Nam muốn giữ vững vị trí số 1 tại châu Âu phải chế biến sâu
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam hiện là nguồn cung điều lớn nhất của châu Âu, tuy nhiên trước vấn đề định hình lại thị trường, nếu doanh nghiệp Việt không chú trọng đến việc gia tăng giá trị bằng chế biến sâu thì mặt hàng nông sản này có thể sẽ mất dần thị phần.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), Việt Nam đã xuất khẩu 156.179 tấn điều, đạt 904 triệu USD, giảm lần lượt 7% về lượng và 5% về trị giá. Trong đó, riêng với thị trường châu Âu, xuất khẩu điều đạt 104.148 tấn, tương đương trị giá 613 triệu USD, giảm lần lượt 7% và 1%.

Tại thị trường EU, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu điều sang thị trường này đạt 31.575 tấn, kim ngạch đạt 176,3 triệu USD. Nhìn chung, xuất khẩu điều sang thị trường lẻ tại EU có biến động không đồng nhất. Thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam là Hà Lan ghi nhận đà giảm về lượng trong 4 tháng đầu năm, trong khi đó Tây Ban Nha lại có mức tăng trưởng tốt nhất, khoảng 95% về lượng so với cùng kỳ năm 2021.

Tại khu vực Đông Âu, thị trường Nga và Na Uy có mức tăng trưởng dương, lần lượt là 18 và 48%; Ukraine ghi nhận tăng trưởng âm 62%.

Trong năm 2021, xuất khẩu điều của Việt Nam chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu điều của Hà Lan. Trong khi đó, Đức chiếm 47%, Anh chiếm 46%, Pháp chiếm 48%, Tây Ban Nha khoảng 40%. Đây cũng là 5 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của châu Âu.

Đánh giá ngành điều trong thời gian qua, phát biểu tại Phiên tư vấn “Xuất khẩu sản phẩm hạt điều sang thị trường khu vực Đông và Tây Âu” diễn ra chiều ngày 13/5 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức, ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp cho biết, mặc dù Việt Nam đứng số 1 thế giới về sản lượng xuất khẩu điều nhưng thực tế, giá trị thu lại của xuất khẩu điều Việt Nam đã giảm dần. So với năm 2019, giá điều xuất khẩu năm 2019 sang châu Âu đã giảm đi nhiều.

Giá hạt điều của Việt Nam so với các thị trường khác. Ảnh: trích xuất từ phiên tư vấn.

Giá hạt điều của Việt Nam so với các thị trường khác. Ảnh: trích xuất từ phiên tư vấn.

Người châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại hạt khô

Đánh giá về thị hiếu của người châu Âu, Tổng thư ký VIANCAS ông Đặng Hoàng Giang nhận định, người châu Âu đặc biệt ưa chuộng hạt điều. Riêng trong năm 2021, khối EU và thị trường Anh đã tiêu thụ khoảng 24% nhân điều xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 867 triệu USD.

Điều này xuất phát từ việc người châu Âu ngày càng chú trọng đến sức khoẻ, đặc biệt, khi trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid - 19. Điều được đánh giá là một trong những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khoẻ, có nhiều hương vị và rất phù hợp với sở thích của người châu Âu.

Bên cạnh đó, Châu Âu cũng ngày này cũng quan tâm đến việc tìm nguồn protein thay thế cho các sản phẩm từ động vật. Hạt điều có thể thay thế các món ăn nhẹ khác như khoai tây chiên… Sản phẩm từ điều cũng ngày càng đa dạng (sữa từ nhân điều, điều phủ socola…)

Theo ông Sơn, có tới 90% điều nhập khẩu vào châu Âu dưới dạng đồ ăn nhẹ như rang muối, 10% còn lại sẽ được dùng làm nguyên liệu cho ngành nghề chế biến thực phẩm. Ngoài ra, loại hạt này được người châu Âu ưa chuộng bởi có hương vị mới lạ so với các loại hạt truyền thống của châu lục này, kích thích sự tìm kiếm trải nghiệm mới của người tiêu dùng.

Thuận lợi từ việc có sản lượng điều xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Theo thông tin từ Ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu điều lớn số 1 của thế giới, với kim ngạch ước gần 4 tỷ USD trong năm 2021.

Còn theo Tổng thư ký VINACAS Đặng Hoàng Giang, mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 500 tấn điều nhân (tương đương trên 2 triệu tấn điều thô). Như vậy, với sản lượng này, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của châu Âu.

Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay UKVFTA, hàng rào thuế quan đối với điều Việt đã được dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu điều Việt.

Các doanh nghiệp sản xuất điều cũng ngày càng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía châu Âu như đáp ứng tiêu chuẩn Oganic…

Tiếp cận thị trường châu Âu mang lại lợi ích hai chiều cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận từ việc xuất khẩu điều, doanh nghiệp còn có thể tận dụng, nhập khẩu các máy móc tiên tiến về Việt Nam nhằm phục vụ chế biến sâu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của điều xuất khẩu.

Đồng thời, thông qua hợp tác, doanh nghiệp Việt có thể nhận được các kinh nghiệm của bạn hàng liên quan đến phát triển sản phẩm mới, bao bì, nhãn mác hay trong vấn đề phân phối, xúc tiến thương mại.

Thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu điều tới châu Âu

Bên cạnh thuận lợi, ngành điều Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên, năng lực chế biến và sản xuất của Việt Nam còn yếu. Trước thị hiếu đa dạng về gia vị của châu Âu về sản phẩm điều, chế biến sâu sản phẩm điều của Việt Nam vẫn chưa thể đảm bảo nguồn cung cho thị trường này.

Trong khi đó, năng lực sản xuất điều của Việt Nam còn phụ thuộc vào điều nhập khẩu, chưa đáp ứng được nguồn cung nguyên liệu tại chỗ. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất được 12.800 tấn điều. So với 300.000 tấn xuất khẩu điều, con số này vẫn còn rất nhỏ. Do vậy, Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu điều thô từ các thị trường khác. Nguồn cung điều thô phụ thuộc nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững và luôn luôn của sản lượng xuất khẩu.

Vấn đề truyền thông, năng lực quảng bá thương hiệu truyền thống, thương mại điện tử chưa mạnh trở thành một trong những rào cản lớn để xây dựng thương hiệu điều Việt tại châu Âu.

Ảnh tác giả

“Cạnh tranh điều Việt Nam không mạnh. Đi dạo một vòng quanh siêu thị tại Pháp, không thể tìm được sản phẩm điều của Việt Nam. Mặc dù chiếm gần 50% thị phần điều tại Pháp nhưng điều Việt Nam gần như chưa có thương hiệu”.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn

Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp hiện chỉ mới chú trọng đến bán sỉ, chưa thực sự quan tâm đến giá trị gia tăng của sản phẩm điều.

Ngoài ra, việc hình thành chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến thị phần điều của Việt Nam. Thực tế, giai đoạn 2019 – 2020, thị phần điều của Việt Nam tại Pháp đã giảm từ 61% xuống còn 46%. “Tuy nhiên, đây chỉ mới là điểm khởi đầu định hình chuỗi cung ứng”, ông Sơn nói.

Nếu như doanh nghiệp Việt không thay đổi, trong tương lai có thể bị các đối thủ thay thế, đơn cử như thị trường Campuchia. Dù chỉ chiếm thị phần rất nhỏ nhưng trước bài học về xuất khẩu gạo, điều Campuchia vẫn là “mối nguy cạnh tranh” đối với thị phần điều Việt.

Năm 2015, gạo Campuchia lần đầu xuất sang Pháp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm, từ 2015 – 2019, Campuchia đã nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 vào Pháp, đồng thời số 1 tại EU. Mặc dù chịu sự áp thuế của EU từ 2019 đến nay, sau 3 năm Campuchia vẫn giữ vị trí số 2.

Trước điều này, ông Sơn khuyến cáo doanh nghiệp cần quan tâm và đầu tư mang tính chất bền vững hơn.

Hiện nay, châu Âu đang tìm cách đa dạng hoá nguồn cung. Châu Âu cho rằng, để giữ vững ổn định chuỗi cung ứng, cần tìm kiếm thêm các nhà cung ứng. Điều này sẽ là bất lợi đối với doanh nghiệp điều Việt Nam khi hiện tại dù điều Việt đang thống trị về số lượng cũng như giá trị trên thị trường, nhưng điều Việt xuất khẩu sang châu Âu chưa chạm đến phân khúc cuối cùng.

Ông Sơn cho biết, Hà Lan hiện là thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này. Tuy nhiên, Hà Lan lại chủ yếu nhập khẩu rồi chế biến, xuất khẩu sang các thị trường bên cạnh như Đức….

Đặc biệt, doanh nghiệp hiện còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về đối tác. Thời gian trước, vụ lừa đảo 100 container điều xuất khẩu sang Italia đã làm dấy lên lo ngại về việc tìm hiểu thông tin bạn hàng. Thực tế, đây không phải vụ lừa đảo đầu tiên. Qua đó, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu sang thị trường này cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ đối tác.

Ở châu Âu hiện nay có 2 hội chợ tiêu biểu, đó là hội chợ ANUGA (được tổ chức 2 năm 1 lần) và SIAL (được tổ chức hàng năm). Ngoài ra còn có hội chợ World Food Moscow được diễn ra vào tháng 9 tại Liên bang Nga. Tháng 5 hàng năm cũng sẽ có hội chợ INC – triển lãm hạt trái cây khô quốc tế. Hiện hội chợ này đang được diễn ra tại Dubai.

Tin liên quan

Đọc tiếp