HDBank sẽ hưởng lợi từ việc chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:53 - 18/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Khác với MBB và VCB, HDBank sẽ góp 9.000 vốn điều lệ vào ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc. Các chuyên gia SSI cho rằng, cần có ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu và giữ quan điểm tích cực.

CTCP Chứng khoán SSI vừa có cập nhật liên quan đến việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát Triển TP HCM - HDBank (HoSE: HDB) sẽ tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém vào ngân hàng.

Theo đó, ngày 12/8, HDBank đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với nội dung trọng tâm là sự tham gia của ngân hàng vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) với tổng giá trị phát hành dự kiến là 900 triệu USD.

HDBank có hướng đi khác với MB và Vietcombank

Khác với đề xuất gần đây của Vietcombank và MBBank đã trình tại Đại hội Cổ đông và không có việc góp vốn vào các ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.

Ngoài ra, HDBank sẽ tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Các chuyên gia SSI cho rằng, HDBank đang cho thấy định hướng khá rõ ràng trong việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của NHNN.

Mặc dù thông tin về ngân hàng mục tiêu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc HDB dự kiến góp trước 9.000 tỷ đồng và tích cực huy động vốn trên thị trường vốn trong vài năm qua do HDBank có thể đang đàm phán các điều khoản (lợi ích) tốt hơn của thương vụ này, hoặc ngân hàng mục tiêu, trong trường hợp này, thực sự có tình hình tài chính và/hoặc mạng lưới chi nhánh/tiền gửi khách hàng tốt hơn so với ba ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại, chuyên gia SSI nhận định.

Các lợi ích giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao bao gồm: Không hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng mục tiêu với HDBank, trừ khi kế hoạch tái cơ cấu thành công; Khoản góp vốn/đầu tư cổ phần/các khoản vay đối với ngân hàng mục tiêu sẽ được loại ra khi tính hệ số CAR và trích lập dự phòng.

Ngoài ra, chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc bị ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện Phương án nhận chuyển giao bắt buộc.

Việc nhận chuyển giao cũng sẽ giúp HDBank được NHNN ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp từ NHNN cho ngân hàng mục tiêu.

Quan sát các đề xuất gần đây liên quan đến việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, SSI tiếp tục cho rằng cần phải có những ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu.

Do đó, chuyên gia SSI giữ quan điểm khá tích cực đối với những giao dịch tiềm năng này. Tuy nhiên, với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ việc HDB tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có thể sẽ đến chậm hơn so với trường hợp của VCB và MBB.

Kết quả kinh doanh cho thấy năng lực vững chắc tại HDB

Trái ngược với việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động trong thời điểm hiện tại, HDBank không cần điều chỉnh tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn đủ hấp dẫn để thu hút tiền gửi của khách hàng.

Chênh lệch giữa lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức của HDBank và các ngân hàng khác đã tăng lên từ cuối năm 2020. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngân hàng chỉ tăng lãi suất huy động 0,1% cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí hạ lãi suất huy động 0,05-0,1% cho kỳ hạn dưới 12 tháng cho những khoản tiền gửi quy mô nhỏ. Số dư tiền gửi đã tăng 16% so với đầu năm (tăng 29 nghìn tỷ đồng), bù đắp cho 3.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi đến hạn.

Qua đó giúp dư nợ tín dụng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 14,8% so với đầu năm) và giữ tỷ lệ LDR ở mức hợp lý là 75% (so với mức trần quy định là 85%).

Ngoài ra, NIM tại HDBank cũng có nhiều dư địa cải thiện. Mặc dù ngân hàng chủ yếu giải ngân các khoản vay ngắn hạn trong quý II/2022, nhưng lợi suất tài sản bình quân đã cải thiện 0,61% so với cùng kỳ lên 9,16%.

Điều này được giải thích do thời gian cho vay ưu đãi kết thúc ở cả ngân hàng mẹ & HD Saison; và lãi suất tăng do nguồn cung tín dụng hạn chế.

Trong khi đó, chi phí huy động bình quân ở mức 4,15% (giảm 0,11% so với cùng kỳ), do xu hướng lãi suất huy động tại HDB trái ngược với các ngân hàng khác. Theo đó, NIM tăng 0,66% so với cùng kỳ lên 5,16%.

Việc mở rộng NIM diễn ra ở cả ngân hàng mẹ (tăng 81 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên 4,06%) và HDSaison (tăng 52 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên 30,4%).

Do chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDB tương đối thấp (tín dụng tăng 14,8% và huy động tăng 11,8% so với đầu năm), tỷ lệ LDR (75%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (15%) đều thấp hơn mức trần quy định, các chuyên gia tin rằng ngân hàng vẫn còn dư địa cải thiện NIM trong nửa cuối năm 2022.

Dự phóng kết quả kinh doanh

Với sự cải thiện NIM ở cả ngân hàng mẹ và HDSaison đều tốt hơn kỳ vọng, do lợi suất tài sản bình quân tăng. Do ngân hàng vẫn còn dư địa mở rộng NIM trong thời gian tới, SSI tăng giả định NIM cho cả năm 2022 thêm 0,2% lên 4,54%. Do đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến đạt 10.200 tỷ đồng (tăng 26,8% so với cùng kỳ).

Đến năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng HDB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 12.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, dựa trên các giả định liên quan đến việc hỗ trợ ngân hàng yếu kém chưa được đưa vào mô hình định giá.

Trên cơ sở riêng lẻ, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ trong năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 9.5000 tỷ đồng (tăng 26,9% so với cùng kỳ) và 11.400 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Còn tại HDSaison sẽ lần lượt đạt 1.100 tỷ đồng (tăng 12,3% so với cùng kỳ) và 1.500 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) trong năm 2022 - 2023.

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cũng báo cáo, với những diễn biến gần đây trong việc nhận chuyển giao bắt buộc một số tổ chức tín dụng và kỳ vọng của các cơ quan chức năng về một hệ thống ngân hàng cô đặc hơn, VDSC cũng kì vọng ngân hàng có thể phát triển thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ trong tương lai.

Về hoạt động kinh doanh của HDBank, VDSC dự báo năm 2022 lợi nhuận trước thuế ngân hàng có thể đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng tăng 24% gồm khoảng 8.000 tỷ đồng từ hạn mức năm 2021.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng, NIM và chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, các chuyên gia nhận định. Thu nhập phí thuần cũng được kỳ vọng sẽ là một động lực khác của lợi nhuận nhờ thu nhập từ bancassurance đang tăng nhanh và nền so sánh thấp của nó. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng nhẹ 7% theo quý lên 5.500 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 28% theo năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.