Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel dự kiến sẽ được ký kết vào quý I/2022.

Thương Mại ISRAEL
20:05 - 24/11/2021
Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho Israel
Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho Israel
0:00 / 0:00
0:00
"Dư địa của thị trường này còn nhiều đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, thậm chí nhiều doanh nghiệp Israel sẵn sàng chấp nhận cách ly để sang làm việc với các đối tác Việt Nam trong thời gian COVID-19"

Quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại Trung Đông.

Trao đổi những thông tin mới nhất về thị trường này trong phiên tư vấn "Xuất khẩu sang thị trường Israel" chiều 24/11, ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel nhận định, đây là một thị trường quy củ trong làm ăn, ít có hành vi gian lận thương mại và quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Israel không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

Việt Nam là đối tác thương mại trọng điểm của Israel

Ông Hòa cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2021 của Israel đạt 117,8 tỷ USD, nhập siêu là 27,6 tỷ USD. Trong đó, Israel chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến (hơn 40 tỷ USD/năm) và nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (khoảng 30 tỷ USD/năm), nhóm hàng tiêu dùng bao gồm hàng gia dụng, lương thực, thực phẩm (15 – 16 tỷ USD/năm).

Hàng năm có trên 70 chủng loại mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Việt Nam cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và ngược lại.

Mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yêu của Israel

Mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yêu của Israel

Cụ thể, thủy sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, giày dép, điện thoại… là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong thời gian qua cũng là những mặt hàng có chỗ đứng tại thị trường Israel.

Ngược lại, những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Israel là máy tính, linh kiện, máy móc, thiết bị và phân bón các loại.

Thời gian gần đây, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel lớn hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Ông Hòa giải thích, sở dĩ cán cân xuất, nhập khẩu thay đổi như vậy là do Việt Nam nhập khẩu những nhóm hàng điện tử, máy tính, linh kiện. Đây là những nhóm hàng do doanh nghiệp FDI đầu tư trong các khu công nghiêp của Việt Nam do đó họ sẽ nhập khẩu trong các chuỗi sản xuất của họ đưa từ Israel về Việt Nam sản xuất thành phẩm và sau đó xuất khẩu sang các nước khác.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng khẳng định Israel là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng và có hiệu quả kinh tế lớn của Việt Nam bởi sức mua của thị trường này khá lớn. Hằng năm có nhu cầu nhập khẩu lớn, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ổn định. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Israel khoảng trên 800 triệu USD/năm.

Ảnh tác giả

Dư địa của thị trường Israel còn nhiều đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi các doanh nghiệp nước này coi Việt Nam là một trong những đối tác nhập khẩu hàng tiêu dùng cố định ở châu Á. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp Israel sẵn sàng chấp nhận cách ly để sang làm việc với các đối tác Việt Nam.

Ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel

Trong số những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel, thủy sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này.

Đối với các mặt hàng thủy sản, thị trường này không yêu cầu cấp chứng thư nhưng những yêu cầu về an toàn thực phẩm của Israel rất nghiêm ngặt, cần tuân thủ theo tiêu chuẩn của EU và Mỹ.

Đưa ra những lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam về cách tiếp cận thị trường Israel, Tham tán thương mại Lê Thái Hòa cho biết, các doanh nghiệp nên thông qua các đối tác nhập khẩu lớn của Israel hoặc thông qua các hệ thống siêu thị, nhà phân phối trực tiếp của nước này.

Đặc điểm lớn trong làm ăn của Israel là thường yêu cầu mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất mà không muốn làm việc qua trung gian.

Các doanh nghiệp cũng có thể thông qua các hiệp hội, phòng thương mại để được kết nối hợp tác hoặc thông qua cổng thông tin thị trường nước ngoài của Israel cũng như nên tăng cường tham gia các hội trợ….

FTA Việt Nam – Israel dự kiến sẽ được ký kết vào quý I năm 2022

Để thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước, Việt Nam và Israel đang đàm phán nhiều thỏa thuận thương mại và sớm có hiệu lực trong thời gian tới. Đây là thông tin được ông Đỗ Minh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel chia sẻ trong phiên tư vấn.

Ông Hùng cho biết, Việt Nam – Israel xác định kinh tế và khoa học công nghệ là trọng tâm trong quan hệ thương mại hai nước. Tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2020 đạt 1,6 tỷ USD, con số này cũng chính là giá trị giao thương của hai nước vào 9 tháng năm 2021.

Dự kiến tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2021 sẽ đạt xấp xỉ trên 1,9 tỷ USD.

Với những tiềm năng thương mại đó, cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel Naftali Bennet vào 12/07/2021 đã đặt việc ưu tiên thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương lên hàng đầu.

Ảnh tác giả

Trong tháng 9 và tháng 10 hai bên đã trải qua 10 phiên đàm phán và đi đến những kết luận cuối cùng. Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Israel sẽ được kí vào quý I/2022.

Ông Đỗ Minh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam

Bên cạnh đó, Quốc hội Israel cũng đang dự thảo cải cách cắt giảm thuế quan, cải thiện những điều kiện mở cửa cho nhập khẩu nông sản nước ngoài. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Israel.

Động lực thứ hai thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước là việc tiến tới thỏa thuận, ký Hiệp định lao động với nội dung đưa lao động Việt Nam sang Israel trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với đà tăng trưởng giao thương tích cực và những động lực mới từ các hiệp định sắp ký kết, tiềm năng giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Israel được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc tiếp