Hoàn thiện thể chế phát triển, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới

QUỐC HỘI Việt nAM
17:10 - 09/01/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nhiều thách thức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới.

Chiều 9/1, Quốc hội đã họp phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, sau 4 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, với gần 317 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ, 2 phiên thảo luận Đoàn và 7 phiên họp toàn thể.

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 Nghị quyết, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường; công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá.

Quốc hội đã họp 2 kỳ thường lệ, 1 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Quốc hội làm Lễ chào cờ bế mạc kỳ họp bất thường lần 2.
Quốc hội làm Lễ chào cờ bế mạc kỳ họp bất thường lần 2.

Cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong Quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của Quý III/2022.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới; vừa hóa giải khó khăn, thách thức vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn.

Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại…

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, người đứng đầu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước… tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp