Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi gấp hơn 60 lần trong nửa đầu năm

HAGL Việt nAM
09:57 - 01/08/2022
Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi gấp hơn 60 lần trong nửa đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) ghi nhận lãi hơn 500 tỷ đồng. Đáng chú, con số này đã gấp 63 lần so với 8,3 tỷ đồng tiền lãi HAG thu về trong 2 quý đầu năm 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai, trong quý II/2022, Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.233 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu trái cây của công ty đạt 643 tỷ đồng, tăng 223% lần so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt 199 tỷ đồng): doanh thu bán heo của công ty đạt 260 tỷ đồng, tăng 36%.

Cùng với doanh thu, giá vốn hàng bán của Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng 97% so với quý II/2021, đạt mức 962 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn trái cây tăng 123%, đạt 962 tỷ đồng; giá vốn bán heo tăng 19%, đạt 193 tỷ đồng.

Về chi phí bán hàng, trong quý II/2022 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng bán trái cây và hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng.

Chi phí hoạt động tài chính trong kỳ của doanh nghiệp gấp gần 5 lần so với quý II/2021, đạt 834 tỷ đồng. Chủ yếu do Hoàng Anh Gia Lai đã trích dự phòng khoản đầu tư vào Nhóm công ty HNG. Đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Các chi phí khác trong kỳ lại ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước, từ 160 tỷ đồng xuống 8 tỷ đồng do doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá lại một số tài sản không hiệu quả.

Từ các yếu tố trên, đã kéo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức 273 tỷ đồng. Như vậy, so với quý II/2021, lãi năm nay của Hoàng Anh Gia Lai đã gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt 2.035 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế đạt 531 tỷ đồng, như vậy so với 6 tháng đầu năm 2021, lãi của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng gấp 63 lần.

Các ngành kinh doanh chính của Hoàng Anh Gia Lai trong 6 tháng đầu năm đều đem lại lợi nhuận lạc quan. Cụ thể, ngành cây ăn trái (chuối) chiếm thị phần lớn nhất khi đạt 1.034 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ ở mức 109.807 tấn, riêng đối với chuối xuất khẩu đã đạt 81.569 tấn (tương ứng chiếm 74% tổng lượng chuối tiêu thụ), còn lại được dùng cho sản xuất thức ăn gia súc.

Ngoài ra ngành chăn nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi đạt 453 tỷ đồng với sản lượng tiêu thụ là 82.529 con heo thịt. Chỉ tính riêng tháng 6, công ty đã tiêu thụ 34.000 tấn trái cây và 20.000 con heo.

Ngành phụ trợ cũng đóng góp quan trọng để nâng tổng doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai trong 6 tháng đầu năm, đạt mức 334 tỷ đồng.

Trong tâm thư gửi các cổ đông ngày 12/7, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tình hình hình kinh doanh trên của Hoàng Anh Gia Lai diễn ra trong bối cảnh giá chuối xuất khẩu rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm và kéo dài liên tục trong 2 tháng qua với mức giá bình quân từ 6,5 USD/thùng đến 8,5 USD/thùng. Giá bán heo bình quân cũng chỉ dao động từ 53.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg quanh mức giá lập kế hoạch tại thời điểm đầu năm của công ty.

Trong quý I/2022, sau hai năm liên tiếp ghi nhận lỗ sau thuế, công ty lần đầu ghi nhận có lợi nhuận trong quý. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL, lợi nhuận sau thuế của công ty là 257 tỷ đồng. Trước đó, HAGL cũng đã từng ghi nhận 8 kỳ lỗ sau thuế liên tiếp, giai đoạn từ quý II/2019 đến quý II/2021

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản Hoàng Anh Gia Lai sở hữu là 19.254 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với ngày cuối năm (31/12/2021 đạt 18.439 tỷ đồng). Hàng tồn kho của doanh nghiệp đã tăng từ 410 tỷ đồng lên 829 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (chăn nuôi, hoạt động sản xuất, xây dựng) tăng từ 260 tỷ đồng lên 625 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 2 quý đầu năm, doanh nghiệp cũng có thêm khoản thu tiền lãi từ các vay của các tổ chức, cá nhân, từ 489 tỷ đồng lên 651 tỷ đồng.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là chỉ tiêu phải thu ngắn hạn là 5.874 tỷ, trong đó khoản phải thu về cho vay là 4.454 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có gần 2.462 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.

Các khoản cho vay trên đều là khoản vay tín chấp cho các bên liên quan có thời hạn hoàn trả từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2025.

Trong khi đó, nợ của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2022 đã đạt mức 14.614 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng. Nợ đi vay của doanh nghiệp đạt mức 9.021 tỷ đồng, chiếm 47% nguồn vốn và gấp 1,94 lần vốn chủ sở hữu. Bao gồm vay ngắn hạn tại các ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Thịnh Vượng, đạt 1.216 tỷ đồng.

Vay dài hạn từ các ngân hàng đạt 1.244 tỷ đồng, từ các ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam; Thương mại Cổ phần Tiên Phong; Liên doanh Lào Việt và Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

Tại ngày 30/6, dư nợ trái phiếu là 6.440 tỷ đồng, trong đó khoản trái phiếu dài hạn là 5.146 tỷ còn 1.294 tỷ đồng là đến hạn trả trong vòng một năm.

Trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Nếu thực hiện được, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay. Sau 5 tháng, HAG đã hoàn thành 38% kế hoạch này.

Theo ông Đức, từ nay đến cuối năm, giá bán chuối sẽ đi vào chu kỳ cao nhất trong năm từ tháng 9 trở đi. Trong khi đó, giá bán heo sẽ tiếp tăng cao như hiện nay sẽ giúp tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch. Sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm.

Từ giai đoạn 2013 - 2014, HAGL đã gặp khó khăn trong kinh doanh, bắt đầu từ ảnh hưởng của biến động giá cao su (sản phẩm chính của HAGL thời điểm đó) và biến động bất động sản.

Năm 2017, HAGL chuyển qua tập trung sản xuất trái cây. Tuy nhiên, sau thời gian đầu đạt kết quả khả quan, HAGL tiếp tục gặp khó khăn trong mảng kinh doanh mới này. Đầu năm 2021, ông Đức đã quyết định bán HAGL Agrico – tức mảng nông nghiệp của HAGL cho THACO. Nhờ vậy nợ của công ty đã giảm đi một nửa.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.