Hơn 100 doanh nghiệp dự giao thương trực tuyến Việt Nam - Algeria

Giao thương Algeria
13:41 - 28/09/2022
Hơn 100 doanh nghiệp dự giao thương trực tuyến Việt Nam - Algeria
0:00 / 0:00
0:00
Quyền Cục trưởng Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria nhận định, để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam - Algeria, hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động cụ thể như tăng cường giao thương doanh nghiệp, ký kết biên bản ghi nhớ xuất khẩu...

Trong hai ngày 26 – 27/9, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria (Bộ Công Thương) phối hợp với phía Algeria tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Algeria 2022”. Sự kiện có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp của hai nước trên nhiều lĩnh vực đang có nhu cầu tìm kiếm bạn hàng, đối tác.

Hội nghị diễn ra nhằm tạo cầu nối cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, nhu cầu hợp tác, đầu tư. Từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhận định, Algeria được coi là một trong những thị trường tiềm năng về xuất nhập khẩu với Việt Nam, đặc biệt với một số mặt hàng thế mạnh như cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt.

Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, thương mại song phương Việt Nam - Algeria thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh đang có.

Trong vòng gần 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria không có sự tăng trưởng, thậm chí còn đi xuống. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nếu như năm 2013 kim ngạch xuất khẩu sang Algeria đạt 176 triệu USD thì sang năm 2021, con số lại giảm xuống còn 153 triệu USD.

Bước sang năm 2022, kim ngạch có sự tăng trưởng nhẹ 1,2%, đạt 96,2 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Các sản phẩm chính xuất sang Algeria là gạo và cà phê. Sau một năm vắng bóng, gạo Việt chính thức trở lại thị trường Algeria. Đối với mặt hàng cà phê, thị phần cà phê thô của Việt Nam chiếm trung bình tới 50% cà phê tại thị trường này.

Tại hội nghị, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đánh giá, mặc dù xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam – Algeria còn hạn chế nhưng đang mở ra không ít cơ hội để hợp tác đầu tư. Đặc biệt, Algeria có rất nhiều ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư như luật đầu tư mới, cho phép miễn thuế, miễn thuế đất, miễn thuế trong những năm đầu hoạt động…

Về phía Algeria, Quyền Cục trưởng Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria Abdelatif El-Houari nhấn mạnh, để tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương, Algeria và Việt Nam cần tăng cường thương mại song phương thông qua các hoạt động cụ thể. Bao gồm việc ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu phi hydrocacbon, tăng cường giao lưu doanh nghiệp giữa hai nước cũng như tham gia các sự kiện kinh tế do hai nước tổ chức.

“Ngày 28/10/2022 tới đây Việt Nam và Algeria sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do đó, chúng ta phải hành động để đưa mối quan hệ kinh tế và quan hệ đối tác của chúng ta tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế của cả hai nước”, ông Abdelatif El-Houari khẳng định.

Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria (ALGEX) tham gia hội nghị thông qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại
Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria (ALGEX) tham gia hội nghị thông qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại

Chia sẻ rõ hơn về những lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận thị trường Algeria, tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi, Tham tán Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh, khi chào bán sản phẩm, doanh nghiệp nên đưa ra mức giá hợp lý do thuế nhập khẩu cà phê vào Algeria tương đối cao, khách hàng Algeria cũng thường xuyên khảo giá của nhà nhập khẩu từ nhiều nước.

Đặc biệt, theo quy định của Algeria, nhà nhập khẩu phải ký quỹ 110% giá trị lô hàng 1 tháng trước khi rời cảng của nhà xuất khẩu. Sau 45 ngày hàng rời cảng, ngân hàng người mua mới làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng người bán. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên sử dụng phương thức L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ, hoặc nhờ chứng từ qua ngân hàng (DP at sight) để thanh toán. Trong đó, đề nghị khách đặt cọc ít nhất 25% giá trị tiền hàng.

Khi xảy ra vấn đề tranh chấp, doanh nghiệp trước tiên nên dàn xếp với khách và liên hệ ngay với Thương vụ tại Algeria cũng như Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) để được tư vấn, hỗ trợ, tránh để tình trạng kéo dài, nhất là khi hàng bị tắc tại cảng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi tăng và hư hỏng hàng hóa.

Nếu hàng ở cảng quá 81 ngày nếu không có thông báo của cơ quan chức năng như tòa án hoặc văn phòng luật sư thì có thể bị hải quan Algeria cho bán đấu giá. Nếu tranh chấp do lỗi của đối tác thì việc can thiệp, tác động của Thương vụ, Đại sứ quán và Bộ Công Thương Việt Nam có thể đem lại kết quả tích cực trong một số trường hợp.

Đọc tiếp