Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát

Đình công Pháp
14:28 - 19/10/2022
Sau vài tuần đình công tại các nhà máy, một cuộc đình công liên ngành trên toàn nước Pháp đã nổ ra khi hàng nghìn người dân xuống đường tuần hành và yêu cầu tăng lương cao hơn để đối phó với lạm phát gia tăng. 

Reuters dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết, trong ngày 18/10, có 107.000 người đã xuống đường nhằm hưởng ứng lời kêu gọi đình công trên toàn nước Pháp của các công đoàn và một số đảng cánh tả.

Cơ quan này cho biết, riêng tại thủ đô Paris có 13.000 người tham gia cuộc tuần hành. Trong khi đó, CGT, một trong những công đoàn lớn nhất Pháp, nói rằng 70.000 người đã tham gia biểu tình tại Paris.

Hàng nghìn người Pháp xuống đường biểu tình, ngày 18/10. Video: Twitter @davenewworld_2

Tuy nhiên, cuộc biểu tình trở nên căng thẳng hơn khi hàng chục người mặc áo đen đã đụng độ với cảnh sát và phá hoại một số cửa hàng trên đường phố Paris, 11 người quá khích đã bị bắt giữ.

Giới quan sát cho biết, các cuộc biểu tình toàn quốc ngày 18/10 vẫn có quy mô nhỏ hơn so với phong trào áo vàng hồi cuối năm 2018 - nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuy nhiên, cuộc biểu tình hiện nay xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trên toàn châu Âu - đặt ra thách thức lớn hơn cho ông Macron.

Cảnh sát chống bạo động Pháp đụng độ với dòng người biểu tình. Video: Twitter @ NationalInter19

"Vấn đề tiền lương là ưu tiên số một của người dân Pháp. Đây là vấn đề khẩn cấp", lãnh đạo công đoàn CGT Philippe Martinez cho biết. Công đoàn này kêu gọi cần tăng thêm 10% lương, vì người lao động đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lạm phát, trong khi các công ty đang thu lợi nhuận khổng lồ.

"Sẽ đến một thời điểm nào đó, lạm phát không thể kiểm soát được nữa. Tôi chỉ là một bà mẹ đơn thân đang nuôi 2 đứa con nhỏ. Chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng vì không còn sự lựa chọn nào khác. Nhưng điều này là không hề dễ dàng", cô Laetitia Berthault, một người tham gia biểu tình nói với Reuters. Cô cũng nói thêm rằng lương của cô chỉ tăng thêm 10 USD/tháng - "không đủ để đối phó với lạm phát".

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 1

Cờ và biểu ngữ tại cuộc biểu tình ở Lyon, miền Trung nước Pháp, ngày 18/10. Ảnh: AP

Trước đó, Chính phủ Pháp hôm 17/10 đề nghị người lao động quay trở lại làm việc sau khi các công ty đạt được thỏa thuận tăng 7% lương và tiền thưởng kèm theo. Tuy nhiên, một số công đoàn vẫn kêu gọi tiếp tục đình công.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố thời gian đàm phán giữa chính phủ và các công đoàn đã kết thúc. Giới chức nước này buộc phải sử dụng quyền hạn khẩn cấp để yêu cầu công nhân tại kho dầu ở khu vực Đông Nam trở lại làm việc.

“Không biết sẽ có thêm bao nhiêu yêu cầu được cho là cần thiết. Việc tiếp tục phong tỏa các nhà máy lọc dầu ngay cả khi đã đạt được thỏa thuận về tiền lương - đây không phải là một tình huống bình thường”, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết.

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 2

Cảnh sát chống bạo động đứng dàn hàng tại một con phố ở Paris. Ảnh: AP

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 3

Người biểu tình cầm biển hiệu, loa tay ở Nantes, miền Tây nước Pháp. Ảnh: AP

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 4

Học sinh Pháp chặn lối vào trường trung học Lycee Montaigne để biểu tình trong khuôn khổ ngày đình công toàn quốc ở Paris, ngày 18/10. Ảnh: Reuters

Các cuộc đình công trong lĩnh vực năng lượng Pháp bắt đầu vào tháng 9 tại các nhà máy lọc dầu và đã gây ra khó khăn tại các trạm nhiên liệu trên toàn quốc. Đến đầu tháng 10, đình công đã lan sang các nhà máy điện hạt nhân.

Theo đại diện liên minh công đoàn FNME-CGT, 20 trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân của tập đoàn năng lượng quốc doanh Pháp EDF đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công.

Trong khi đó, nhà cung cấp điện RTE thuộc chính phủ Pháp cảnh báo rằng, đình công kéo dài tại các nhà máy điện hạt nhân "sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng" đối với việc cung cấp điện vào mùa đông. Năng lượng hạt nhân đóng góp vào 67% tổng sản lượng điện của Pháp tại thời điểm ngày 18/10, theo dữ liệu từ RTE.

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 5

Một thành viên công đoàn CGT tại cuộc biểu tình ở Nice, Pháp. Khẩu hiệu dán trên ô tô có nội dung "Hãy tăng lương ngay bây giờ". Ảnh: Reuters

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 6

Một người biểu tình bị thương. Ảnh: Reuters

Hơn 100.000 người Pháp tham gia làn sóng đình công vì lạm phát ảnh 7

Cảnh sát khống chế người biểu tình quá khích. Ảnh: Reuters

Công đoàn CGT tuyên bố có thể đình công tại các cơ sở lọc dầu của TotalEnergies cho đến giữa trưa ngày 19/10. "Xung đột sẽ tiếp tục ít nhất cho đến hôm sau và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong các cuộc thỏa thuận", CGT cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.