Hơn 700 con lợn chết sau tiêm vaccine tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT nói gì?

VACCINE Thú y
08:56 - 06/09/2022
Rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ quy định sử dụng vaccine tả lợn châu Phi.
Rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ quy định sử dụng vaccine tả lợn châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Theo quyền Cục trưởng Cục Thú y, phản ứng lợn chết sau khi tiêm vaccine là do tiêm không đúng đối tượng, không thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Liên quan đến sự việc hơn 700 con lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty Navetco, tại họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 5/9, ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, việc giám sát khảo nghiệm thực nghiệm cấp phép lưu hành vaccine đã diễn ra rất chặt chẽ, đầy đủ quy trình đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT chỉ cho phép sử dụng 600.000 liều dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Tất cả các lô vaccine trước khi đưa ra sử dụng phải tiến hành kiểm tra chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu quan trọng là vô trùng, an toàn.

Từ đầu tháng 7/2022 đến ngày 26/8, công ty Navetco cung ứng tổng cộng 23.344 liều vaccine tới 20 tỉnh, thành phố, gồm 4.494 liều vaccine để địa phương sử dụng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; 17.750 liều cung ứng nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, không đúng với hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và 1.100 liều chưa sử dụng.

Đến nay, những đàn lợn tiêm theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đều phát triển tốt, chỉ có 27 con lợn phản ứng sau tiêm và chết với tỉ lệ 0,6%, tức là ở mức bình thường, tương tự các vaccine dịch bệnh khác.

Tuy nhiên, riêng ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi do địa phương đã không thực hiện đầy đủ theo quy định phân phối của Bộ NN&PTNT, tiêm không đúng đối tượng nên có tổng cộng 743 con chết sau tiêm. Số liệu này được ông Long đánh giá là chưa chính xác do khi Cục Thú ý xuống khảo sát thì phát hiện nhiều người dân khai báo không trung thực.

Ảnh tác giả

"Sự việc đáng tiếc vừa rồi xảy ra là do việc tiêm vaccine đã không theo đúng chỉ đạo của Cục Thú y, không tuân thủ việc hướng dẫn sử dụng dẫn đến người chăn nuôi thú y cơ sở mang về tiêm cho tất cả các loại heo, cả heo nái, heo giống, trong khi đối tượng tiêm vaccine là lợn thịt từ 8 - 10 tuần tuổi".

Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y

Bên cạnh đó, việc bán trực tiếp cho người dân, bán cho thú y cơ sở, cũng không kiểm soát được, dẫn đến khi xảy ra tình huống đó thì cơ quan thú y địa phương cũng không nắm được.

Nguyên nhân khách quan khác theo ông Long có thể các đàn lợn đang bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi thực địa hoặc mầm bệnh nguy hiểm khác trước khi được tiêm phòng, nên khi tiêm vaccine dẫn đến phản ứng mạnh hơn, gây chết, đặc biệt là đối với lợn có thể trạng ốm yếu, lợn không thuộc đối tượng sử dụng vaccine.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương cùng Cục Thú y xử lý khắc phục tình hình. Đồng thời, yêu cầu toàn bộ 20 tỉnh/thành phố rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ quy định sử dụng vaccine trong thời gian tới.

Trước bài học vừa xảy ra, kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, không có chuyện phải mang lợn của dân làm thử nghiệm. Hội đồng khoa học, chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế đã nghiên cứu, khảo nghiệm, giám sát đầy đủ.

Công ty cung ứng cũng đã có hành động thực tiễn bước đầu khắc phục sai sót, hỗ trợ chia sẻ rủi ro đối với bà con nông dân. Cụ thể, công ty Navetco sẽ hỗ trợ lợn nái là 2 triệu đồng và lợn thịt là 1 triệu đồng.

“Nếu vaccine kém thì đã chết nhiều hơn số hiện tại rất nhiều. Vụ việc vừa qua là tiêm cho lợn không đúng đối tượng. Phải rút kinh nghiệm sâu sắc, tiêm đúng đối tượng và phải khảo sát đánh giá thực trạng tự nhiên xem có virus đang tồn tại hay không để tránh những rủi ro đáng tiếc đã xảy ra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp