Hợp lực các ngành để xây dựng kịch bản xanh cho kinh tế biển

kinh tế biển THẾ GIỚI
20:31 - 13/05/2022
Mở rộng kinh tế biển cần đi kèm với các biện pháp thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường.
Mở rộng kinh tế biển cần đi kèm với các biện pháp thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Các ngành kinh tế biển mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia nhưng đây cũng là những yếu tố có mối liên hệ tiêu cực tới môi trường. Trong bối cảnh đó, Covid-19 đã mang lại cho các quốc gia cơ hội 'khởi động lại' cách tiếp cận đối với nền kinh tế xanh.

Tái thiết lập mạnh mẽ quản trị đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế cấp cao về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” diễn ra trong 2 ngày 12 – 13/5, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đã có những chia sẻ về kinh nghiệm phục hồi và xây dựng kinh tế biển tốt hơn sau Covid-19.

Liên quan đến vấn đề các quốc gia trên toàn cầu đang tìm cách tham gia vào việc tái thiết mạnh mẽ công tác quản trị đại dương, ông Achim Steiner cho rằng xác định các giải pháp mới để thúc đẩy một nền kinh tế xanh bền vững và có khả năng chống chịu với biển đổi khí hậu là công việc mang tính quyết định.

Nhằm thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu, UNDP đang hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới, thông qua danh mục đầu tư đại dương trị giá 200 triệu USD được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của các đối tác chính như Quỹ Môi trường toàn cầu và Quỹ Khí hậu xanh. Trong quá trình thực hiện nỗ lực hỗ trợ các quốc gia này, ông Achim Steiner đã rút ra 4 kinh nghiệm từ các hoạt động của UNDP trên toàn thế giới để khuyến nghị các quốc gia thực hiện phục hồi và xây dựng kinh tế biển bền vững.

Trong đó, khuyến nghị đầu tiên được Tổng giám đốc UNDP phân tích là việc khôi phục sau đại dịch Covid-19 mang lại cho các quốc gia cơ hội 'khởi động lại' cách tiếp cận đối với nền kinh tế xanh.

Điều đó bao gồm giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng, trong đó có việc cải thiện công tác quản trị đại dương toàn cầu, giải quyết việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của đại dương.

Ảnh tác giả

"Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số có khả năng mở rộng phạm vi bảo vệ biển và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm. Công nghệ mới đang cho phép ngư dân quy mô nhỏ ở Philippines có được hiểu biết nhất định về dòng chảy thương mại và mở ra thị trường mới đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững".

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner

Kinh nghiệm thứ hai được đại diện UNDP đưa ra là đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa. Những cộng đồng này gồm các quốc gia kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, những quốc gia đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của tình trạng khẩn cấp về khí hậu bao gồm cả mực nước biển dâng cao.

Thông tin về Chương trình Rising Up dành cho các quốc đảo nhỏ đang được UNDP phát triển theo hệ số nhân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ông Achim Steiner cho biết, sự hỗ trợ của UNDP cũng mở rộng đến các quốc gia như Việt Nam nhằm xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên như tái tạo rừng ngập mặn.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc UNDP nêu lên kinh nghiệm thứ ba là tầm quan trọng của việc xử lý vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ nguồn nước. Chương trình này cũng được UNDP và Na Uy hỗ trợ cộng đồng địa phương nắm vai trò chủ đạo trong việc xử lý rác thải và ô nhiễm rác thải nhựa ở 5 thành phố tại Việt Nam.

Để nhân rộng các mô hình này, ông Achim Steiner nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở ra các nguồn tài chính bền vững mới để phát triển kinh tế đại dương.

Xác định biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến hàng triệu người, bao gồm cả người dân sống ở các khu vực châu thổ sông như Đồng bằng Sông Cửu Long và những người sống ở các thành phố được xây dựng trên nền phù sa thấp, UNDP đưa ra khuyến nghị thứ tư với hàm ý thúc đẩy bình đẳng giới là vấn đề trọng tâm để bảo vệ hiệu quả và quản lý bền vững các tài nguyên biển và đại dương.

“Phụ nữ thường không được tham gia vào các quá trình ra quyết định bao gồm các cuộc thảo luận về quản lý tài nguyên đây là điều mà UNDP đang cùng với các quốc gia tích cực giải quyết”, ông Achim Steiner cho biết thêm.

Tương quan giữa các ngành kinh tế trong phát triển kinh tế biển theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam – Hướng đến Kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”.

Tương quan giữa các ngành kinh tế trong phát triển kinh tế biển theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam – Hướng đến Kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển bền vững hậu covid-19

Tại phiên thảo luận của hội nghị, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tăng cường hơn nữa sức khỏe của biển và chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội phát triển kinh tế biển xanh sau đại dịch về thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo.

Đưa ra ý kiến về một trong những tiềm năng quan trọng của mà kinh tế biển đem lại, GS. Manuel Barange, Ban Chính sách - Nguồn lực ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản (FAO) cho biết, nhân loại đang gặp thách thức ngày càng tăng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, cùng với đó, nguy cơ suy dinh dưỡng cũng ngày càng tăng theo.

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đang ở mức lặp lại giai đoạn kỷ lục 2014 – 2016. “Không phải ai cũng có thể đảm bảo dinh dưỡng trong đó hải sản biển chiếm một lượng phần trăm lớn. Trong khi đó, vai trò của thực phẩm thủy sản trong chế độ ăn lành mạnh bền vững là rất quan trọng”, GS. Manuel Barange nhấn mạnh.

Theo thống kê của FAO, tỷ lệ thủy sản đánh bắt gần đây vẫn giữ mức tăng đều từ năm 1990 đến nay. Các biện pháp chống covid-19 đã gây hạn chế biên giới, đóng cửa thị trường, giảm khách du lịch, giảm lợi nhuận từ thủy sản.

“Vậy bài học từ đại dịch là gì với các quốc gia? Chúng ta cần giảm thất thoát và lãng phí của người tiêu dùng; tăng cường khâu chế biến thủy hải sản, tăng cường đảm bảo công bằng xã hội”.

Dẫn nội dung từ một hội nghị của FAO gần đây, GS. Manuel Barange cho biết, 79% số cá được đem ra chợ xuất phát từ nguồn lực không bền vững, tỷ lệ đánh bắt thái quá vẫn còn tăng trên toàn thế giới. “Đo lường về trữ lượng cá là khó khăn nhưng cần phải nỗ lực quản lý được 100% trữ lượng thủy sản để có kế hoạch chuyển đổi”, chuyên gia của FAO nhận định.

Mô hình nhà chống lũ theo khuyến nghị của UNDP. Ảnh: Phương Thảo
Mô hình nhà chống lũ theo khuyến nghị của UNDP. Ảnh: Phương Thảo

Trong khi đó, ở một khía cạnh tiềm năng du lịch biển, bà Christina Leala Gale, đại diện Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương của Fiji chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế xanh dương không thể thoát khỏi kinh tế du lịch biển.

“Chúng tôi nhận thấy cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng áp dụng cho ngành du lịch. Là những quốc đảo nhỏ khu vực Thái Bình Dương, chúng tôi hiểu cần áp dụng công nghệ như công cụ mạnh hữu ích giới thiệu các nội dung, các phát triển bao trùm địa phương về kinh tế biển bền vững”, bà Christina Leala Gale cho biết.

Đại diện Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương cũng đưa ra đề xuất xây dựng hội đồng Bộ trưởng du lịch của các quốc gia, qua đó, các nước sẽ thể hiện cam kết về định hướng xây dựng kịch bản kinh tế biển xanh và hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. “Cùng với đó, các quốc gia có thể cùng xây dựng 1 bộ tiêu chí về phát triển du lịch xanh để có hành động thống nhất và thể hiện quyết tâm cao”, bà Christina Leala Gale đề xuất.

Một tiềm năng khác từ biển không thể không nhắc đến là phát triển năng lượng biển, năng lượng tái tạo được Phó Tổng Giám đốc, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) Tiến sĩ Roland Roeschchia, chia sẻ về kế hoạch sắp tới trong việc tích cực chuyển đổi năng lượng.

Nghiên cứu của cơ quan này chỉ ra, năng lượng gió, mặt trời là các công nghệ mấu chốt và có tiềm năng cao với các nước có đường bờ biển có thể tiến hành thương mại hóa. Mục tiêu cho năm 2050, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, chuyển đổi năng lượng đại dương sẽ được định hình trong tương lai.

“Những mô hình kinh doanh mang tính chất đổi mới sáng tạo về các nguồn năng lượng ngoài khơi sẽ mang đến cho các quốc gia nguồn thu đáng kể. Đặc biệt để sử dụng công nghệ mới, lồng ghép ngành vận tải biển ngoài khơi”, Tiến sĩ Roland Roesch tin tưởng.

Tin liên quan

Đọc tiếp