Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc cần tập trung vào 'chất' hơn 'lượng'

Giao thương Việt nAM
08:03 - 23/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo các nhà nghiên cứu, kim ngạch song phương của Việt Nam - Hàn Quốc đang ở đỉnh, tuy nhiên, ngoài việc chú ý đến số lượng, Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị của mặt hàng.

Tính đến hết tháng 12/2021, Hàn Quốc là quốc gia có số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với 9.223 dự án còn hiệu lực với tổng vốn là 74,7 tỉ USD. Xuất khẩu sang Hàn Quốc luôn có mức tăng trưởng tương đối ổn định, từ 3,5 tỉ USD 7 tháng đầu năm 2013 lên 14,1 tỉ USD năm 2022. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Hàn Quốc.

Phát biểu tại tọa đàm "Giới thiệu sách nghiên cứu về 30 năm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc và triển vọng" chiều ngày 22/8, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) Kim Han Young khẳng định, thương mại song phương đang phát triển rất tốt và đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam hiện tăng lên nhờ sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

"Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại trong năm nay và nếu thực hiện tốt thì sẽ nâng mục tiêu lên 150 tỷ USD vào năm tới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như an ninh kinh tế, công nghệ cao, vấn đề môi trường, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt sẽ hỗ trợ Việt Nam thành nước phát triển vào năm 2025".

Chủ tịch Korcham Kim Han Young

Làm rõ hơn những kết quả mà hai nước đã đạt được trong quá trình hợp tác phát triển, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp Và Thương Mại (VITIC) đã đề cập đến những thành tựu trong những năm qua.

"Tốc độ phát triển thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua phát triển rất mạnh, trung bình tăng 27%. Hàn Quốc đang là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu thứ 5 và xuất khẩu thứ 3 của Hàn Quốc", ông Phương thông tin.

Trong bối cảnh đó, ông Phương cũng cho biết thêm rằng sau 2 hiệp định thương mại lớn là AKFTA (Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Hàn Quốc) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, càng giúp thương mại 2 nước phát triển mạnh hơn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính riêng 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 38,1 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Hàn Quốc, chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc đạt 14,1 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 12,1 tỷ USD). Tổng kim ngạch đạt 52,2 tỷ USD đã giúp 7 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn có kim ngạch song phương đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2013 – 2022.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; lần lượt đạt 3,1 tỉ USD, 2 tỉ USD, 1,68 tỉ USD và 1,65 tỉ USD.

Hạn chế trong hợp tác phát triển

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm qua vẫn còn tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến thương mại hai nước.

Theo ông KWAK Sungil, Nghiên cứu viên của KIEP (Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc), vấn đề đáng quan tâm trong đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ để hấp thụ các công nghệ cao được chuyển giao từ phía nhà đầu tư. Tỷ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn thấp".

Chuyên gia kinh tế Kawk Sung-il, Giám đốc Trung tâm Chiến lược an ninh kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc (KIEP).

Chuyên gia kinh tế Kawk Sung-il, Giám đốc Trung tâm Chiến lược an ninh kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc (KIEP).

Từ phía Việt Nam, ông Lê Quốc Phương cũng đánh giá phần lớn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn là quy mô nhỏ, mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc rất ít. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ rất hạn chế, giá trị gia tăng của các sản phẩm Hàn Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam còn thấp.

Theo Nguyên Phó tổng giám đốc Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp Và Thương Mại (VITIC), với những số liệu thống kê có thể Hàn Quốc đang đứng số một vào đầu tư tại Việt Nam. Như vậy về mặt "lượng" đang ở thời kỳ đỉnh cao và đến lúc phải thay đổi về "chất" giữa hợp tác hai nước.

"Hợp tác sắp tới sẽ không tập trung vào "lượng" mà chú trọng vào "chất", không chạy theo kim ngạch thương mại mà tập trung vào giá trị gia tăng của sản phẩm. Từ đó tăng giá trị hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng, tự khắc sẽ tăng kim ngạch thương mại".

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC).

Ông Phương cũng kiến nghị cần có chính sách hướng đến việc gia tăng chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, bằng cách tăng giá trị gia tăng, tăng hàm lượng công nghệ, tăng tỉ lệ nội địa hóa hơn nữa, đồng thời đề nghị phía Hàn Quốc hợp tác hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này.

"Ngoài ra để nâng cao chất lượng các dự án FDI, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào các dự án công nghệ cao, các dự án phục vụ cho cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào các lĩnh vực này", ông Phương đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: "Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành cho thấy, chúng ta đang hướng đến mục tiêu hợp tác đầu tư nước ngoài chứ không còn là giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài như trước, vì vậy cần đảm bảo về "chất" trong hợp tác kinh doanh".

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

"Hợp tác đầu tư là đảm bảo mối quan hệ cân bằng giữa 2 bên, đa phương hóa, đa dạng hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng các sản phẩm của Việt nam trong chuỗi giá trị toàn cầu còn quá thấp, không tương xứng với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta phải phát triển tốt công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó cân bằng sự giao lưu hợp tác trong thời gian tới", ông Phan Hữu Thắng gợi mở thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp