HSBC: Chiến lược tài khoá của mỗi nước ASEAN năm 2023

NGÂN SÁCH asean
18:57 - 18/10/2022
Nghiên cứu HSBC chỉ ra rằng hoạt động kinh tế giảm 1% có thể dẫn đến thu ngân sách giảm 1%
Nghiên cứu HSBC chỉ ra rằng hoạt động kinh tế giảm 1% có thể dẫn đến thu ngân sách giảm 1%
0:00 / 0:00
0:00
Phần lớn các dự báo tăng trưởng về thu ngân sách tại các nước ASEAN trong năm 2023 sẽ thấp hơn xu hướng trước đây, tuy nhiên tác động đối với mỗi nước sẽ khác nhau.

Trong bối cảnh chính phủ các nước ASEAN đang tiến hành hoàn thiện kế hoạch ngân sách năm 2023, HSBC ngày 18/10 công bố một báo cáo có tiêu đề "Triển vọng ASEAN - Củng cố tài khóa: Một chặng đường dài", nghiên cứu các chiến lược tài khóa khác nhau của mỗi quốc gia trong khối.

Báo cáo chỉ ra rằng, sau hai năm tung ra những gói hỗ trợ tài khóa "không hề nhỏ", thâm hụt được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022, phần lớn nguyên nhân là do những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp sẽ còn tăng nhằm giảm tác động của tình trạng lạm phát gia tăng.

Các chính phủ sẽ lựa chọn chính sách tài khóa nào?

Bước vào năm 2023, khu vực ASEAN có vẻ trở lại giai đoạn củng cố tài khóa nhưng tốc độ triển khai mỗi nước một khác.

Singapore, Indonesia và Việt Nam nhiều khả năng sẽ dẫn đầu khi chính phủ các nước này có kế hoạch/dự định đưa mức thâm hụt về mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, Malaysia, Thái Lan và Philippines nhiều khả năng sẽ duy trì thâm hụt tài khóa lớn, cần nhiều thời gian hơn để củng cố, báo cáo nhận định.

Theo các chuyên gia HSBC đánh giá, một lần nữa Singapore lại dẫn đầu ASEAN với các kế hoạch củng cố tài khóa tiến bộ. Mặc dù ngân sách năm tài khóa 2023 phải tới đầu năm 2023 mới công bố và có hiệu lực từ tháng 4/2023, Singapore đã có động thái quay lại giai đoạn tài khóa thận trọng từ năm tài khóa 2022.

Cụ thể, sau khi triển khai hỗ trợ mạnh mẽ trong đại dịch, Singapore đã giảm thâm hụt tài khóa từ 51,6 tỷ SGD (10,8% GDP) trong năm tài khóa 2020 xuống 3 tỷ SGD (0,5% GDP) trong năm 2022. Phần lớn sự cải thiện đó đến từ quyết định ngưng các hỗ trợ liên quan đến đại dịch.

Singapore duy trì các biện pháp nhằm hỗ trợ các lĩnh vực và hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng trong năm nay. Đáng chú ý, ngân sách hỗ trợ đến từ nguồn thu cao hơn kỳ vọng trong năm tài khóa 2021, nghĩa là không ảnh hưởng gì đến thâm hụt trong mức dự kiến.

Ở Indonesia, sau khi trình kế hoạch ngân sách 2023 vào ngày 16/8, chính phủ Indonesia kỳ vọng thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 2,9% GDP, nghĩa là dưới mức trần 3% thâm hụt tài khóa theo luật định sau ba năm vượt hạn mức. Tuy nhiên, củng cố tài chính sẽ chủ yếu đến từ các khoản trợ giá cho các doanh nghiệp năng lượng Nhà nước, tương đương khoảng 1% GDP trong năm 2023.

Tại Philippines, các cơ quan chức năng đang xem xét quy định về Chương trình kế hoạch Tài khóa Trung hạn, trong đó mọi kế hoạch dự chi trong vòng 6 năm tới của chính phủ sẽ phải tuân thủ mục tiêu giảm thâm hụt 1 điểm phần trăm mỗi năm.

Nếu thành công, chính phủ Philippines dự kiến tỷ trọng nợ trên GDP sẽ giảm xuống dưới 60% vào khoảng năm 2025. "Trên thực tế, ngay cả không có quy định mới này, mức chi ngân sách đề nghị trong năm 2023 chỉ cao hơn năm 2022 khoảng 4%, trong khi đó, thu ngân sách được dự báo sẽ tăng 10%", HSBC chỉ ra điểm tích cực.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Thái Lan dự định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng tài khóa hiện tại. Ngân sách đệ trình cho năm tài khóa 2023 cao hơn năm trước 2,7%, tăng phần lớn do những kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi cho những biện pháp nhằm xoa dịu tình hình giá dầu gia tăng. Thu ngân sách dự kiến lại chỉ tăng 3,8%, dẫn đến liên tục thâm hụt tài khóa xét tỷ trọng trên GDP.

Thu ngân sách trong bối cảnh vĩ mô năng động

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, các chuyên gia HSBC nhấn mạnh, củng cố tài khóa không chỉ đơn giản là giảm chi ngân sách.

Vấn đề còn nằm ở hiệu suất thu ngân sách của các chính phủ cao thấp ra sao thông qua các khoản thu từ thuế và các khoản thu khác. Củng cố tài khóa vẫn có thể diễn ra ngay cả khi chính phủ quyết định chi ngân sách nhiều hơn.

Một điểm cần lưu ý, theo HSBC, không giống như chi ngân sách khi chính phủ có thể chủ động kiểm soát các khoản chi thông qua quy trình phê duyệt ngân sách, thu ngân sách phụ thuộc vào những thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Biến động, khó lường, phức tạp và mơ hồ của môi trường kinh tế vĩ mô ngày nay luôn là vấn đề được quan tâm nhiều do những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị, lạm phát tăng và giá dầu cao lên.

Sự không chắc chắn của môi trường kinh tế vĩ mô ngày nay đồng nghĩa với sự không chắc chắn về nguồn thu ngân sách cơ bản của một quốc gia, HSBC nhận định.

HSBC đã chạy thử một bài đánh giá khả năng chống chịu để xem những thay đổi về tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá ngoại tệ có thể tác động đến thu ngân sách chính phủ như thế nào. Kết quả chỉ ra rằng:

Với tăng trưởng, GDP thực tế thấp đi sẽ đồng nghĩa với thu ngân sách từ thuế giảm vì có ít hoạt động kinh tế để đánh thuế, người dân giảm mua hàng và thu nhập ít đi. Nếu không có gì thay đổi, mối tương quan giữa GDP và tăng trưởng thu ngân sách thường rất lớn. Nói một cách đơn giản, sự tương quan gần như đạt mức tương ứng hoàn toàn (một đổi một) – hoạt động kinh tế giảm 1% có thể dẫn đến thu ngân sách giảm 1%.

Với lạm phát, thu ngân sách có thể biến động theo hai hướng khi nói đến lạm phát. Ví dụ, lạm phát có thể dẫn tới thu ngân sách chính phủ tăng vì giá hàng hóa cao hơn đồng nghĩa với cơ sở thuế lớn hơn với thuế giá trị gia tăng hoặc thuế bán hàng. Tuy nhiên, nếu người dân bắt đầu mua ít hàng hóa đi thì thu ngân sách lại thay đổi theo hướng ngược lại.

Với ngoại tệ, nghiên cứu cho thấy, quan hệ tương quan như vậy lại không xảy ra với trường hợp tỷ giá đồng nội tệ với USD. Dẫn chứng là Philippines và Việt Nam, hai nền kinh tế có thu ngân sách hải quan chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách, đồng nội tệ giảm giá có thể tạo ra một nguồn thu ngân sách đáng kể.

Trong khi đó, với Singapore, Indonesia và Malaysia, mối quan hệ thật ra lại không tích cực, thu ngân sách hải quan chiếm một phần rất nhỏ trong nguồn thu ngân sách cơ bản của các nước này.

"Đó là lý do vì sao phần lớn chính phủ các nước ASEAN đang dự toán tăng trưởng thu ngân sách trong năm 2023 thấp hơn xu hướng trước đây. Tuy nhiên, tác động đối với mỗi nước một khác và 3 nước có tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP cao nhất, Philippines, Việt Nam và Singapore, nhiều khả năng sẽ trụ vững", báo cáo nhận định.

Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ cấu hiện tại có tiếp tục vững mạnh?

Đi sâu vào việc phân tích cơ cấu thu ngân sách các quốc gia ASEAN, nhóm nghiên cứu HSBC nhận thấy, rõ ràng, cơ sở thuế ở mỗi nước một khác, chiếm từ 8% đến 15% GDP.

Với Philippines, từ năm 2017 tới 2021, các nhà chức trách đã tiến hành những cải tổ mang tính căn bản nhằm củng cố đáng kể cơ sở tài khóa. Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng đối với nhiên liệu và các mặt hàng đặc biệt bị áp thuế khác.

Ngoài ra, cơ sở thuế của nước này đã được mở rộng thêm sau khi loại bỏ các chính sách miễn thuế dư thừa và ưu đãi tài khóa hoặc tự động hết hiệu lực khi đến hạn. Kết quả là tỷ trọng thu thuế trên GDP đã tăng lên đáng kể dù biểu thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân đều giảm đối với mọi đối tượng chịu thuế. Lợi ích của những cải tổ gần đây nhiều khả năng sẽ giúp cơ sở tài khóa của Philippines trụ vững trước những khó khăn sắp tới.

Singapore một lần nữa lại tỏ ra vượt trội. Trong khi ngân sách năm tài khóa 2023 tới đầu năm sau mới được công bố, trọng tâm nay đã được đưa ra: triển khai kế hoạch tăng thuế hàng hóa và dịch vụ GST vốn rất được trông đợi.

Trong khi đó, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang gặp một số thách thức về mở rộng nguồn thu thuế.

Tỷ trọng thu thuế trên GDP của Thái Lan và Việt Nam gần đây đã giảm một phần là do những biện pháp tạm thời nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Ví dụ, Việt Nam giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% và đồng thời cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại nhiên liệu. Tuy nhiên những điều chỉnh này chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2022 và tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP của Việt Nam giảm phần nào cũng do việc đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021.

Tương tự, tại các nước như Indonesia và Malaysia, thu ngân sách từ thuế sụt giảm là một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại, xu hướng giảm thu ngân sách từ thuế đã xuất hiện từ trước đại dịch. Ở Indonesia, đây là vấn đề dai dẳng đối với các nhà làm chính sách khi thu ngân sách từ thuế liên tục ở dưới mức 10% GDP từ năm 2016.

Trong trường hợp của Malaysia, cơ sở thuế đã suy giảm từ giữa năm 2018 khi chính phủ nước này thay thuế hàng hóa và dịch vụ GST bằng thuế bán hàng và dịch vụ SST trong khi những thay đổi lớn về thuế dường như không đi vào ngân sách. Tuy vậy, thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân được dự toán tăng thêm 10% trong năm 2023 khi chính phủ Malaysia hướng tới mở rộng cơ sở thuế thông qua hai sáng kiến: hóa đơn điện tử và triển khai Mã định danh người đóng thuế.

Hai quốc gia này cũng đang "bội thu bất ngờ" năm nay do giá năng lượng thế giới tăng cao. Tuy nhiên, HSBC cảnh báo, xu hướng này cũng chưa có gì chắc chắn và cần quan sát thêm nếu duy trì được mức tăng này qua năm 2023 khi giá năng lượng thế giới nhiều khả năng trở nên ổn định hơn.

Đọc tiếp