HSBC đẩy nhanh vai trò khai mở dòng đầu tư xanh hóa cho Việt Nam

HSBC đẩy nhanh vai trò khai mở dòng đầu tư xanh hóa cho Việt Nam

HSBC Vốn xanh
09:23 - 04/09/2022
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, năng lượng là ngành quyết định thành bại cho mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam, do đó HSBC có thể đóng vai trò khai mở dòng đầu tư vốn quốc tế, góp phần phát triển thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC Việt Nam đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững và các doanh nghiệp tại Việt Nam, đến năm 2030.

Đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC toàn cầu, nhằm cung cấp từ 750 tỷ USD tới 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp trên thế giới khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải carbon.

Tính tới tháng 8/2022, HSBC Việt Nam đã tham gia thu xếp được hơn 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam, đạt được 10% mục tiêu đề ra, đồng thời tham gia hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải carbon.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về những chương trình cụ thể thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong thời gian tới, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng này đang bám sát chiến lược chuyển dịch của Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050. Trong đó chú trọng chuyển dịch năng lượng hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch như than đá.

‘Năng lượng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam, bởi đây là lĩnh vực có lượng phát thải lớn nhất. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện 65% lượng phát thải của Việt Nam đến từ ngành năng lượng. Theo kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường, đến năm 2050, lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng chiếm tới 81% tổng phát thải. Có thể thấy, năng lượng chính là ngành mang tính quyết định thành bại cho mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam”, ông Tim Evans phân tích.

Đại diện HSBC Việt Nam cho biết, trong quá trình phát triển ngành năng lượng để đạt được mục tiêu kép, vừa nhiều vừa “xanh sạch”, Việt Nam sẽ cần đầu tư hạ tầng lưới điện đảm bảo công suất truyền tải, phát triển để bắt kịp công nghệ năng lượng mới. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 12 - 14 tỷ USD mỗi năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng này.

Ngoài việc tập trung đầu tư và tài trợ cho những lĩnh vực xanh hoặc rộng hơn là việc chuyển dịch giảm phát thải trong các ngành của Việt Nam, HSBC cũng triển khai đa dạng nhiều kênh sản phẩm cho chiến lược này. Cụ thể, hiện HSBC đã đưa vào triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng liên kết bền vững, tài trợ chuỗi xanh và liên kết bền vững, trái phiếu xanh, tài trợ hợp vốn xanh.

“Chúng tôi cũng triển khai thành công sản phẩm tiền gửi xanh, nhằm huy động những nguồn vốn nhàn rỗi của những doanh nghiệp có cùng mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi xanh và đưa những nguồn vốn này vào tài trợ những dự án xanh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm bền vững để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia trong lộ trình chuyển đổi xanh”, ông Tim Evans cho biết thêm.

HSBC hiện thực hóa cam kết 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030.
HSBC hiện thực hóa cam kết 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030.

Trong khi đó, Tổ chức Climate Bonds Initiative và Ngân hàng HSBC mới đây công bố báo cáo ASEAN Sustainable Finance – State of the Market 2021, trong đó cho cho thấy thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN đang tăng trưởng mạnh mẽ, lập kỷ lục về khối lượng phát hành trong năm 2021.

Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị vốn nợ xanh, phục vụ mục tiêu xã hội và bền vững (GSS) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt 3 năm liền.

Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Thị trường tài chính bền vững của Việt Nam đang tăng trưởng và còn rất nhiều tiềm năng để khai phá.

Từ kết quả báo cáo, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm dồn nỗ lực vào “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu thông qua một loạt quyết sách, chiến lược thể hiện nỗ lực ngăn chặn suy thoái môi trường và xây dựng thể chế vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà tiếp và làm việc với ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam về kế hoạch huy động gói tín dụng xanh trị giá 12 tỷ USD trong vòng 9 năm tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà tiếp và làm việc với ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam về kế hoạch huy động gói tín dụng xanh trị giá 12 tỷ USD trong vòng 9 năm tới.

Đặc biệt thông qua một loạt hướng dẫn và phương pháp đầu tư nhằm ưu tiên các cơ hội đầu tư, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân cho những dự án phục hồi kinh tế xanh. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã tạo nền tảng cho tài chính xanh phát triển.

Cùng với đó, ông Tim Evans cũng đánh giá khối ngân hàng trong nước đã có nhiều nỗ lực “xanh hóa”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Để khai phóng hết tiềm năng cho ngành này, ông Tim Evans cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng, đảm bảo một thể chế hiệu quả để định hướng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

Tính đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia phát hành trái phiếu xanh, do thiếu vắng một khung pháp lý phù hợp hỗ trợ quy trình phát hành. Trước đây, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu dựa vào khung chính sách xây dựng từ Luật Chứng khoán 2019 ban hành tháng 11/2019 và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ban hành tháng 12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Tim Evans, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực thêm nữa nhằm tạo điều kiện có thêm các sản phẩm đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp được đưa ra để đóng góp cho hành trình xanh hóa của ngành tài chính.

Để có bước tiến mới cho thị trường tài chính Việt Nam bền vững, lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và chủ động lên kế hoạch. Ngân hàng Nhà nước có thể hướng dẫn các ngân hàng xây dựng và kiện toàn hệ thống kiểm soát rủi ro từ biến đổi khí hậu và các rủi ro trong quá trình chuyển dịch.

Đi cùng với đó là một khung pháp lý rõ ràng cho công cụ thị trường vốn. Nhất là khi Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức.

Ông Tim Evans cũng khuyến nghị có thêm ưu đãi để khuyến khích các ngân hàng trên hành trình xanh như nâng trần tăng trưởng tín dụng chung cao hơn cho những ngân hàng đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Giảm trần tăng trưởng tín dụng cho những đơn vị không đạt cũng là một biện pháp có thể cân nhắc áp dụng.

Ngoài ra, không áp dụng hoặc giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với số dư xanh chưa kết cũng là một động lực thúc đẩy tăng trưởng thị trường vốn xanh.

Một khuyến nghị quan trọng nữa mà HSBC đưa ra là Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc gỡ bỏ những rào cản pháp lý để khai thông dòng vốn quốc tế vào tái tài trợ những dự án năng lượng tái tạo đã vận hành ổn định, vì đây là một bước quan trọng giúp các tổ chức cho vay và nhà đầu tư quốc tế làm quen với thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Một gợi ý khá mới mẻ đến từ người đứng đầu HSBC Việt Nam khi cho rằng, doanh nghiệp có thể chia sẻ ý tưởng đầu tư xanh từ sớm với ngân hàng, để nhận được những tư vấn từ góc độ nhà tài trợ và các tiêu chuẩn mà ngân hàng có thể chấp nhận được.

“Ngân hàng trong nhiều trường hợp, cũng có thể đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với các bên tư vấn hoặc bên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để giúp doanh nghiệp khởi đầu quá trình chuyển dịch xanh được suôn sẻ, dễ dàng hơn”, Tổng Giám đốc HSBC phân tích.

Bày tỏ quan điểm về kỳ vọng của doanh nghiệp vào tín dụng xanh là tín dụng "rẻ" và coi đây là một trong những mục tiêu cần đạt được khi chuyển đổi xanh, ông Tim Evans nhìn nhận, cách hiểu này chưa đúng.

“Những lợi ích của chuyển đổi xanh mang lại cho doanh nghiệp có tính lâu dài và bền vững. Ví dụ như giảm bớt rủi ro, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên và chi phí vận hành, qua đó gia tăng giá trị tài sản trong dài hạn. Mặt khác, tín dụng xanh nhắm tới việc khuyến khích chuyển đổi xanh, nhưng cũng dựa trên các kênh huy động vốn thông thường của ngân hàng, do đó kỳ vọng tín dụng xanh ‘rẻ’ hơn các nguồn tín dụng khác là không hợp lý”, ông Tim Evans phân tích.

HSBC sẽ xem xét và cấp tín dụng xanh cho đa dạng các lĩnh vực.
HSBC sẽ xem xét và cấp tín dụng xanh cho đa dạng các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo quan điểm của đại diện HSBC, ngày nay tín dụng xanh có thể được coi là một điểm mấu chốt để khai mở khẩu vị tín dụng của ngân hàng hoặc nhà đầu tư, hoặc là một điểm quan trọng để ngân hàng và nhà đầu tư ưu tiên trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

HSBC sẽ xem xét và cấp tín dụng xanh cho đa dạng các lĩnh vực, gồm năng lượng tái tạo, bao gồm hệ thống lưu trữ và điện lưới thông minh; tòa nhà xanh; dự án ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm khí thải nhà kính; các sản phẩm đáp ứng hiệu quả sinh thái và kinh tế tuần hoàn; vận tải sạch; quản lý tài nguyên tự nhiên và sinh hoạt cũng một cách bền vững; sử dụng năng lượng hiệu quả; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn chặn, giảm và tái chế rác thải; chăn nuôi bền vững, nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp thông minh.

“Nỗ lực để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là một hành trình dài hơi ngay cả đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được những bước tiến tích cực và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp cùng Việt Nam nhằm giúp quốc gia đạt được những tham vọng xanh”, Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans nhấn mạnh.

Những hỗ trợ nổi bật của HSBC đối với chương trình tín dụng xanh ở

Việt Nam

(1) Cung cấp tín dụng xanh và tư vấn chuyên môn về tài chính xanh cho Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân nhằm tài trợ dự án xây dựng nhà máy nhựa tái chế của Duy Tân.

(2) Cung cấp tín dụng xanh khoảng 660 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt trời REE (REE SE) và Công ty TNHH Sản Xuất và Dịch Vụ REEPRO (REEPRO), các công ty thành viên 100% vốn của Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) để đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

(3) Hỗ trợ Công ty Cổ phần Vinpearl chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup. Đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới và ghi nhận lượng đăng ký từ nhà đầu tư gần gấp đôi quy mô trái phiếu phát hành. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm.

(4) Cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1). Đây là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện gió trong nước và cũng là khoản tín dụng xanh thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

(5) Cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Công ty Cổ phần Vingroup và Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast, công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup trong lĩnh sản xuất ô tô. HSBC đóng vai trò là đồng tư vấn tài chính bền vững và đồng bảo lãnh, thu xếp vốn và dựng sổ, tư vấn cấu trúc và cung cấp giải pháp tài chính cạnh tranh cho cả Vingroup và VinFast.

(6) HSBC tài trợ tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng cho dự án bất động sản của Tập đoàn REE, dùng để phát triển dự án E-Town 6, tòa nhà văn phòng cao cấp của REE. Đây là lần đầu tiên HSBC cấp tín dụng xanh tài trợ dự án bất động sản cho một doanh nghiệp Việt Nam.

Đọc tiếp