HSBC: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất về số người kiếm 20 USD/ngày

Tiêu dùng CHÂU Á
07:59 - 14/09/2022
HSBC: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất về số người kiếm 20 USD/ngày
0:00 / 0:00
0:00
Theo nghiên cứu mới của HSBC, Việt Nam sẽ có 48 triệu người thu nhập trên 20 USD mỗi ngày vào năm 2030, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011) và vượt qua Thái Lan, nền kinh tế có 38 triệu người kiếm trên 20 USD mỗi ngày vào cuối thập kỷ.

Thay đổi lớn sắp diễn ra trên thị trường tiêu dùng

Theo báo cáo mới nhất của HSBC với tiêu đề "Thị trường mua sắm Châu Á năm 2030", chuyên gia nhận định, trong vài thập kỷ tới, thế giới, đặc biệt là châu Á, sẽ trải qua những thay đổi lớn về nhân khẩu học. Khu vực châu Á sẽ già hơn đáng kể, thịnh vượng hơn và quy mô hộ gia đình sẽ tiếp tục thu hẹp hơn.

Những thay đổi này dẫn đến sự dịch chuyển lớn trong cách người dân chi tiêu trên toàn châu Á. Nhưng đối với các "ông chủ", điều quan trọng là phải hiểu điều này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp của họ. Trong đó thực chất là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi người châu Á sẽ mua gì? Người tiêu dùng mới ở đâu?

Nhà kinh tế học của HSBC, ông James Pomeroy, đã xây dựng một cơ sở dữ liệu nhân khẩu học độc quyền. Dựa trên cơ sở này, giờ đây chúng ta có thể trả lời những câu hỏi nêu trên một cách chi tiết. Cơ sở cho phép chúng ta liên hệ những thay đổi về nhân khẩu học, chẳng hạn như sự già hóa dân số, đến chi tiêu.

Số liệu thu thập của HSBC đã chỉ ra rằng, tại Ấn Độ, số người chi tiêu 2-20 USD/ngày đang giảm mạnh và số người chi tiêu 21-50 USD/ngày đang tăng lên nhanh chóng.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, nhiều người đang chuyển sang nhóm thu nhập cao, tức là những người chi tiêu trên 111 USD/ngày. Ước tính đến năm 2050, nhóm người tiêu dùng cao cấp này sẽ chiếm hơn 35% tổng dân số.

Tóm lại, theo các chuyên gia HSBC, không phải "tầng lớp trung lưu đang gia tăng" mà chính "tầng lớp trung lưu cao" của châu Á sẽ làm thay đổi các thị trường tiêu dùng.

48 triệu người Việt sẽ kiếm hơn 20 USD mỗi ngày vào 2030

Theo nghiên cứu mới của HSBC, Việt Nam sẽ có 48 triệu người thu nhập trên 20 USD mỗi ngày vào năm 2030, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011).

Tại Đông Nam Á, quy mô dân số có thu nhập trên 20 USD (khoảng 480.000 đồng) mỗi ngày của Việt Nam hiện đứng sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, vào 2030, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, nền kinh tế có 38 triệu người kiếm trên 20 USD mỗi ngày vào cuối thập kỷ. Trong khi, con số này ở Philippines và Malaysia lần lượt là 43 và 20 triệu người.

So sánh tại châu Á, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số kiếm được hơn 20 USD một ngày tính theo PPP không đổi. Nhóm này còn gồm các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.

Cũng theo nghiên cứu này, tầng lớp trung lưu cao ở Việt Nam (nhóm có thu nhập từ 50-110 USD mỗi ngày) dự kiến tăng trung bình 17% mỗi năm cho đến 2030. Nhờ tăng trưởng nhanh của dân số thu nhập trên 20 USD mỗi ngày lẫn tầng lớp trung lưu cao, mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường Việt Nam là gần 8% mỗi năm trong thập kỷ hiện tại. Tỷ lệ này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, cùng với Bangladesh và Ấn Độ.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cao là động lực thúc đẩy thị trường tiêu dùng

Ở châu Á, dân số thuộc tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 2,1% cho đến năm 2040 (ước tính). Tầng lớp thượng trung lưu vốn được định nghĩa là nhóm chi tiêu 51-110 USD/người/ngày, cũng sẽ tăng gần gấp ba tốc độ đó ở mức 5,9%.

Số người trong nhóm cao nhất, chi tiêu hơn 110 USD mỗi ngày, dự kiến sẽ tăng từ 27 triệu vào năm 2021 lên 50 triệu vào năm 2030 (ước tính) và tăng vọt lên 164 triệu vào năm 2040 (ước tính). Khi đó, châu Á sẽ có nhiều dân thuộc nhóm thu nhập cao hơn so với châu Âu hoặc Mỹ.

Nhóm dân số này sẽ mua sắm gì?

Thực tế, khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ có nhu cầu mua sắm các mặt hàng khác nhau. Một cách điển hình, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo (nhu yếu phẩm) giảm trong khi chi tiêu cho y tế, nghỉ ngơi và giải trí tăng lên. Câu hỏi được đặt ra là mức thay đổi này là bao nhiêu?

Báo cáo của HSBC chỉ ra rằng, chi tiêu cho giải trí và vận tải dự kiến sẽ tăng nhanh nhất, ở mức hơn 7%/năm trong thập kỷ hiện tại. Ngược lại, chi tiêu cho thực phẩm dự kiến sẽ tăng trưởng thấp nhất, chỉ 5%/năm trong cùng giai đoạn.

Đi sâu vào các ngành hàng, chuyên gia HSBC nhận thấy rằng:

Thứ nhất, các ngành hàng như sản phẩm tài chính, giải trí, ô tô, thiết bị máy tính và dịch vụ gia dụng sẽ phát triển nhanh nhất trên toàn châu Á.

Thứ hai, dịch vụ tài chính là hạng mục sẽ phát triển nhanh tại hầu hết các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, Ấn Độ cũng như Trung Quốc.

Thứ ba, ngược lại, tăng trưởng chi tiêu cho dịch vụ bưu chính, thực phẩm và nhu cầu năng lượng có thể chậm lại.

Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục thống kê công bố cho thấy, chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam liên tục tăng. Tháng 8/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 50,2% so với cùng kỳ 2021, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này xác lập đáy vào mùa dịch là -28,4% (hồi tháng 9/2021). Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 giữ đà tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện.

Đáng chú ý, thích ứng với bối cảnh Covid-19, hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam diễn ra sôi động, ghi nhận nhiều kỷ lục.

Cụ thể, theo ước tính năm 2022, lần đầu tiên số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 57 triệu người và có thể chạm mốc 60 triệu người. Số lượng mua sắm trực tuyến lần đầu đạt 260 – 285 USD/người. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C sẽ vượt mốc 7%, đạt từ 7,2% - 7,8% thị phần trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt mức 13 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ online lớn nhất trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Đọc tiếp