HSC tiết lộ lý do các công ty chứng khoán phải đua tăng vốn

HSC CHỨNG KHOÁN
11:19 - 09/08/2022
HSC từng muốn tăng vốn điều lệ để gia tăng sức cạnh tranh.
HSC từng muốn tăng vốn điều lệ để gia tăng sức cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức ngày 8/8, Chứng khoán TP HCM (HSC, mã HCM) trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.581 tỷ đồng lên 7.712,3 tỷ đồng thông qua nhiều hình thức. Lãnh đạo công ty nhận định, nếu không tăng vốn, khả năng mất thị phần rất lớn.

HSC tổ chức ĐHĐCĐ thành công sau 2 lần hoãn họp. Lần đầu hoãn với lý do khá chung chung là nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội được chu đáo. Còn lần 2, theo giải trình của lãnh đạo HSC, nguyên nhân xuất phát từ việc chưa rõ số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) - tổ chức trực thuộc UBND TP HCM.

Cụ thể, trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021, HFIC đã chuyển tiền mua vào tài khoản phong toả. Nhưng việc góp vốn của HFIC thời điểm 6/6 (dự định tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 – PV) vẫn đang chờ ý kiến chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. HFIC cũng chưa quyết định rút lại số tiền đã góp mà chưa được công nhận. Do đó, số cổ phần trên chưa thể xác định bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong cuộc họp hôm qua (8/8), ông Johan Nyvene - Chủ tịch HĐQT cho biết, phần vốn góp của HFIC vẫn bị treo, doanh nghiệp đã phải 2 lần hủy họp ĐHĐCĐ thường niên. HĐQT và Ban Tổng giám đốc đã làm tất cả giải pháp để tổ chức cuộc họp lần này.

"Đau khổ" vì không được tăng vốn

Năm 2022, HSC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.593 tỷ đồng, tăng 7%; lãi sau thuế 1.202 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2021. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 12%. Công ty dự kiến phí môi giới năm nay đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 24%; lãi từ cho vay 1.540 tỷ đồng, tăng 31%; hoạt động tự doanh 884 tỷ đồng, tăng 22%; tư vấn tài chính 87 tỷ đồng, tăng 87%.

Kế hoạch dựa trên dự báo giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 22.217 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước, trong đó, giao dịch khối ngoại giảm 8% và nhà đầu tư trong nước giảm 18%.

Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ qua nhiều hình thức. Một là phát hành cho cổ đông hiện hữu 228,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 50% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn huy động được dự kiến 2.286 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ là 1.786 tỷ đồng, tự doanh 500 tỷ đồng.

Hai là phát hành 16 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ quản lý công ty, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ được chuyển nhượng tối đa 40% sau 1 năm; tối đa 30% sau 2 năm, và 30% sau 3 năm. Như vậy, thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4.581 tỷ đồng lên 7.712,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, HSC cho biết sẽ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vay trong và ngoài nước với chi phí hợp lý. Tổng khoản vay nước ngoài dự kiến 250 triệu USD. Đồng thời lên kế hoạch phát hành trái phiếu để tăng tính chủ động trong sử dụng vốn và đa dạng hoá cơ cấu nguồn vốn.

Trước các nội dung trên, đại diện HFIC cho biết do phải tiến hành thoái vốn tại HSC nên không đồng ý phương án tăng vốn, đồng thời, muốn dùng các nguồn để chia cổ tức toàn bộ bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ông Johan Nyvene cho biết, phần vốn góp của HFIC vẫn bị treo. Nếu dùng tất cả nguồn để trả cổ tức tiền mặt và không triển khai tăng vốn thì HSC sẽ trở thành công ty chứng khoán nhỏ, tiếp tục bị mất thị phần.

Ông Johan Nyvene cũng dẫn chứng thêm, nhiều công ty chứng khoán khác đã tăng vốn rất mạnh, thậm chí có đơn vị tăng vốn 3 lần. Với phương án tăng vốn trình tại cuộc họp, vốn của HSC mới đạt hơn 7.700 tỷ đồng, vẫn rất nhỏ so với nhiều công ty khác trên thị trường hiện nay.

Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc – Trưởng Ban kiểm soát HSC, tất cả các công ty chứng khoán đều tăng vốn lớn, vốn đó bắt buộc phải có để cạnh tranh. Đơn giản, margin được quyết định bởi quy mô vốn công ty, không tăng vốn sẽ không có khả năng cạnh tranh. Hai năm qua, một số công ty chứng khoán đã bứt phá mạnh mẽ như VPS, VND, SSI thì HSC cũng phải có kế hoạch để không tụt hậu.

Nói về việc triển khai sử dụng nguồn vốn hiệu quả, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc HSC cho biết, công ty sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và căn cứ vào phân bổ nhu cầu này để tối đa hoá lợi ích, đảm bảo an toàn cho hoạt động thường xuyên. Nhu cầu lớn nhất vẫn là cho vay ký quỹ, đi kèm với giao dịch cổ phiếu. HSC có đủ cơ sở khách hàng và quan hệ khách hàng tốt để tự tin có thể tăng gấp đôi nhu cầu margin kể cả thị trường giảm sút.

Bên cạnh đó, tự doanh và bảo lãnh phát hành cũng là những hoạt động được kỳ vọng mang lại lợi nhuận tốt nếu đầu tư mạnh hơn.

Tăng vốn là sống còn đối với HSC, không phải là số lượng là con số mấy nghìn tỷ mà còn là cơ hội. Chúng tôi thực sự đau khổ trong 2 năm qua khi không thể nào tăng vốn kịp với cơ hội mở ra trên thị trường. HSC mất rất nhiều khách hàng, có những khách hàng truyền thống đã đi qua công ty chứng khoán khác vì đơn giản họ tăng vốn nhanh hơn. Tổng giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang

Cuộc đua "bơm tiền" vẫn gay cấn

Trong khi đó, tăng vốn với các công ty chứng khoán là điều kiện tiên quyết để gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bởi đây là ngành thâm dụng vốn lớn, nếu tiềm lực tài chính mỏng sẽ bị bỏ lại phía sau. Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.

Thực tế, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán mặc dù đã sôi động từ năm 2021 với ít nhất 21 công ty chứng khoán tìm kiếm cơ hội huy động vốn nhằm củng cố hoạt động cho vay ký quỹ; nhưng đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt công ty chứng khoán lớn phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu.

Điển hình như SSI được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ hồi đầu tháng 6. Với tổng khối lượng chào bán là 497,4 triệu cổ phiếu, nếu hoàn thành, SSI sẽ nâng vốn điều lệ từ 9.948 tỷ đồng lên 14.921 tỷ đồng.

Trước đó, VNDirect đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng, qua việc phát hành thêm 782,9 triệu cổ phiếu; trong đó 434,9 triệu đơn vị là chào bán ra công chúng, tỷ lệ 1:1 và 348 triệu đơn vị là thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 80%.

Còn Chứng khoán VPBank (VPBank Securities, tiền thân là Chứng khoán ASC) đã được VPBank đầu tư hàng nghìn tỷ đồng góp thêm vốn, qua đó nâng vốn điều lệ từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 2/2022. Theo kế hoạch, vốn điều lệ của VPBank Securities sẽ được nâng lên 20.000 tỷ đồng.

Khi thị trường phục hồi sau nguyên quý 2 đi xuống, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn để chuẩn bị cho chu kỳ mới. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phát hành tổng cộng 104,9 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 2.100 tỷ đồng. Chứng khoán MB (MBS) phát hành 53,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 20% và phát hành 59,4 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 22%.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) sẽ phát hành 100,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30%, qua đó vốn điều lệ tăng từ 3.350 tỷ đồng lên 4.355 tỷ đồng. Công ty cổ phần chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam (VISC, mã VIG) triển khai kế hoạch chào bán 34,1 triệu cổ phiếu cho 11 nhà đầu tư gồm 1 tổ chức và 10 cá nhân với giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Thăng Long mua 8 triệu đơn vị, các cá nhân còn lại mua từ 1 - 3,1 triệu đơn vị.

Công ty chứng khoán SHS dự kiến phát hành hơn 117 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 18% và phát hành thêm 45,54 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 7%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của SHS sẽ tăng lên hơn 8.130 tỷ đồng.

Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI) cũng khởi động lại kế hoạch phát hành riêng lẻ 65,7 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Chứng khoán Hana - Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) với giá 41.000 đồng/cp, dự thu về 2.694 tỷ đồng. Vào tháng 3, cả hai đã ký thỏa thuận đặt mua cổ phiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp