IFC và Thụy Sỹ hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các thị trường mới nổi

Hợp Tác thụy sỹ
13:19 - 17/10/2022
Thoả thuận hỗ trợ kiến tạo thị trường, việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện ở các thị trường mới nổi - Ảnh minh họa.
Thoả thuận hỗ trợ kiến tạo thị trường, việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện ở các thị trường mới nổi - Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, vừa ký hai thoả thuận với chính phủ Thụy Sỹ để hỗ trợ kiến tạo thị trường, việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện ở các thị trường mới nổi.

Tiếp nối những đóng góp từ trước, Thụy Sỹ bổ sung thêm 30 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của IFC giúp cải thiện tiếp cận tài chính và giảm thiểu trở ngại trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu, thúc đẩy đầu tư bền vững và tăng trưởng việc làm toàn diện ở các nền kinh tế mới nổi, các nước có thu nhập thấp và chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột.

Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) sẽ cung cấp 20 triệu USD cho IFC trong vòng 6 năm tới để hỗ trợ thiết lập các hành lang pháp lý cho các giao dịch đảm bảo, thông tin tín dụng, tình trạng mất khả năng thanh toán và các hệ thống điện tử liên quan.

Chương trình Hạ tầng Tài chính Toàn cầu này được phát triển trên cơ sở các tiến bộ và kết quả đã đạt được từ quan hệ đối tác giữa IFC và Thụy Sỹ trong giai đoạn 2016 - 2021. Chương trình này đã giúp bổ sung thông tin của thêm 40,8 triệu cá nhân và doanh nghiệp vào hệ thống thông tin tín dụng và tạo điều kiện để 1,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận tài chính với tài sản đảm bảo là động sản.

Sáng kiến mới này sẽ hỗ trợ thiết lập và mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu và cá nhân đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

SECO và IFC cũng đã ký một thoả thuận về khoản đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Dịch vụ Tư vấn Môi trường Đầu tư do IFC quản lý. FIAS là quỹ hợp tác giữa IFC, Ngân hàng Thế giới và 12 đối tác phát triển để hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển – nhất là các nước có thu nhập thấp và bị tác động của các cuộc xung đột – nhằm kiến tạo thị trường, thu hút đầu tư bền vững và thúc đẩy tăng trưởng việc làm toàn diện.

Ảnh tác giả

Đầu tư của khu vực tư nhân có ý nghĩa quyết định vì các thị trường mới nổi cần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, từ các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng Giám đốc Điều hành IFC Makhtar Diop

Việc SECO hỗ trợ kiến tạo thị trường và mở rộng tài chính toàn diện cho thấy cam kết của Chính phủ Thụy Sỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân toàn diện tại một số các thị trường có nhiều thách thức nhất, ông Makhtar Diop, Tổng Giám đốc Điều hành IFC nhấn mạnh.

Về phía Thụy Sỹ, Ủy viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thuy Sĩ, ông Guy Parmelin, cũng nhấn mạnh rằng, đại dịch toàn cầu và khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – khu vực tạo việc làm chính của hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn này, những người làm chính sách cần nỗ lực tạo cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chính.

"Chúng tôi tin tưởng rằng môi trường kinh doanh thân thiện đóng vai trò thiết yếu để giúp khu vực tư nhân có thể cạnh tranh, sáng tạo và tạo việc làm", ông Guy Parmelin nhìn nhận.

Trước đó, ngày 8/8, IFC đã cam kết đầu tư hơn 5 tỷ USD từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022 - mức cao nhất từ ​​trước đến nay ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Khoản đầu tư trên bao gồm 3 tỷ USD đầu tư dài hạn và khoảng hơn 2 tỷ USD huy động vốn để giúp duy trì và tạo thêm việc làm, cải thiện dịch vụ và bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với Việt Nam, ngay trong chuyến thăm hồi đầu tháng 4/2022, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Phụ trách Khu vực Châu Á - TBD, ông Alfonso Garcia Mora đã cam kết hỗ trợ Việt Nam tận dụng tiềm lực đầu tư của khu vực tư nhân để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu thông qua tài trợ trực tiếp và thúc đẩy đầu tư dài hạn hơn của khu vực tư nhân vào các dự án xanh.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) ngày 14/10 thông báo về việc tiếp nhận khoản đầu tư dưới dạng khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông trong vòng 5 năm của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC.

Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ các chiến lược phát triển của SeABank và nâng khả năng tiếp cận tài chính, vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Cam kết này góp phần thực hiện các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, bao gồm việc loại bỏ hoạt động phát điện bằng nhiên liệu than vào năm 2040 và đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Đây sẽ là một điều kiện để IFC xem xét chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông trong vòng năm năm tới.

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.