ILO: Tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ xấu đi đáng kể trong quý 4

việc làm ILO
21:09 - 02/11/2022
Trong quý III/2022, ILO ước tính thâm hụt 40 triệu việc làm toàn thời gian.
Trong quý III/2022, ILO ước tính thâm hụt 40 triệu việc làm toàn thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, thị trường việc làm toàn cầu sẽ giảm mạnh trong quý IV/2022 do các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chồng chéo, do các tác động của lạm phát, suy giảm tiền lương thực tế và sự bất bình đẳng.

Nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo

Đây là nhận định ILO đưa ra trong báo cáo về việc làm thế giới mới công bố. Theo đó, các dữ liệu kinh tế cho thấy thị trường lao động đang suy thoái mạnh, điều kiện thị trường lao động ngày càng xấu đi ảnh hưởng đến cả việc tạo việc làm mới và chất lượng việc làm.

Theo ILO, nguyên nhân của tình trạng này đến từ một loạt các khủng hoảng chồng chéo, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine và các tác động tiêu cực xuất hiện sau đó như lạm phát (đặc biệt là lương thực và năng lượng), suy giảm tiền lương thực tế. Những cuộc khủng hoảng này có khả năng gia tăng hơn nữa sự bất bình đẳng trên thị trường lao động do tác động không cân đối với một số nhóm người lao động và các công ty.

Trong khi đó, không gian chính sách thu hẹp và gánh nặng nợ cao hơn ở các nước đang phát triển cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại vào năm 2022 và 2023 (ở mức 3,2% và 2,7%) dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu về người lao động.

Trong báo cáo tháng 10/2022, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã tăng dự báo cho lạm phát toàn cầu, dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh 9,5% vào quý III/2022 trước khi giảm xuống 6,5% vào năm 2023. Lạm phát đang tạo ra áp lực rất lớn đối với lao động thu nhập thấp và người lao động đang phải vật lộn để duy trì sức mua, làm tăng nguy cơ nghèo đói và gia tăng bất bình đẳng.

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine còn lan tỏa tác động tiêu cực đến các nước láng giềng, kéo theo các rủi ro về chính trị và sự ổn định của thị trường lao động, đặc biệt khi xung đột trở nên dai dẳng hơn.

“Sự gia tăng các cuộc khủng hoảng làm tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái thị trường lao động toàn cầu. Đòi hỏi các chính sách toàn diện, tích hợp và cân bằng không chỉ giải quyết riêng biệt lạm phát mà còn những tác động rộng lớn hơn đối với việc làm, doanh nghiệp và nghèo nàn”, báo cáo ILO nêu rõ.

Thâm hụt việc làm ngày càng tăng

Cụ thể, ILO cho biết, các chính sách thích ứng khủng hoảng đang gây ra thiệt hại cho việc làm và thu nhập cả với các quốc gia phát triển.

Trong quý III/2022, ILO ước tính mức độ giờ làm việc thấp hơn 1,5% so với mức trước đại dịch là quý IV/2019, dẫn đến thâm hụt 40 triệu việc làm toàn thời gian. Ngoài ra, tiến trình thu hẹp khoảng cách giới trong số giờ làm việc có nguy cơ bị ảnh hưởng vì sự chậm lại trong quá trình phục hồi.

Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ việc làm trên dân số đã quay trở lại hoặc vượt quá thời kỳ trước khủng hoảng ở phần lớn các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi ở hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình, thâm hụt việc làm vẫn tồn tại ở mức cao.

Từ dữ liệu có sẵn về các nhóm việc làm, ILO cho biết, các việc làm ở cấp quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên và các chuyên gia liên kết đã có kinh nghiệm có sự phục hồi mạnh hơn vào quý II/2022. Ngược lại, tỷ lệ phục hồi của các công việc có kỹ năng trung bình như dịch vụ, nhân viên bán hàng đang ở mức thấp hơn.

Tăng trưởng việc làm phi chính thức vượt xa công việc chính thức tập trung ở các nước đang phát triển. Năm 2022, các công việc phi chính thức được ước tính sẽ tăng ở mức cùng tốc độ với việc làm chính thức.

“Triển vọng thị trường lao động hiện đang rất không chắc chắn với rủi ro ngày càng tăng, bao gồm tác động của lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ chính sách, gánh nặng nợ ngày càng tăng và nguy cơ giảm niềm tin tiêu dùng. Theo xu hướng hiện tại, tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ xấu đi đáng kể trong quý IV/2022”, báo cáo ILO nhận định.

Để giải quyết tình trạng đáng lo ngại này, Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh, các nước cần thực hiện một loạt các công cụ chính sách, bao gồm các biện pháp can thiệp vào giá hàng hóa công, thu hồi lợi nhuận, hỗ trợ tăng thu nhập và các biện pháp có mục tiêu để hỗ trợ những người và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp