IMF cập nhật dự báo kinh tế toàn cầu 2023 theo hướng tích cực

KINH TẾ THẾ GIỚI
12:07 - 31/01/2023
Trong triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình, IMF nâng cấp dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 cho cả thế giới cũng như nhiều nền kinh tế lớn. Ảnh: AFP
Trong triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình, IMF nâng cấp dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 cho cả thế giới cũng như nhiều nền kinh tế lớn. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Do Trung Quốc nới lỏng các chính sách phòng dịch Covid-19 và thế giới phản ứng tốt hơn kỳ vọng đối với lạm phát gia tăng, lãi suất cao và chiến sự tại Ukraine, IMF trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2023 đã cải thiện các dự báo của mình.

Trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 30/1, IMF đang kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay – một con số cao hơn so với dự báo 2,7% hồi tháng 10/2022.

Một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cấp dự báo của IMF chính là quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt và kết thúc chính sách zero Covid của Trung Quốc. Theo tổ chức này, “việc Trung Quốc tái mở cửa đã mở đường cho sự phục hồi nhanh hơn dự kiến” của kinh tế thế giới.

Khi đưa ra các dự đoán về lạm phát, IMF cho biết tỷ lệ này sẽ giảm trong năm 2023. Cụ thể, tổ chức này dự kiến lạm phát tiêu dùng sẽ giảm từ ngưỡng 8,8% trong năm 2022 xuống 6,6% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2024. Đây là kết quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất mạnh mẽ, khiến nhu cầu của người tiêu dùng – yếu tố thúc đẩy giá cả lên cao hơn – chậm lại.

Theo các dự đoán mới nhất được AP trích dẫn, IMF kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% - cao hơn dự báo hồi tháng 10/2022 là 4,4%. Kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022 do mở cửa chậm hơn so với thế giới. Tuy nhiên, việc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt sẽ giúp sức cho quá trình phục hồi các hoạt động kinh tế trong năm 2023.

Về phía Mỹ cũng như 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung Euro, IMF đưa ra triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 được cải thiện lần lượt ở ngưỡng 1,4% và 0,7%. Tuy châu Âu đang phải chịu tình trạng thiếu năng lượng và giá cả cao hơn xuất phát từ chiến sự giữa Nga - Ukraine, nền kinh tế đã vận hành tương đối kiên cường trong khi được hưởng lợi từ một mùa đông ấm hơn bình thường, khiến nhu cầu khí đốt giảm.

Kể cả Nga – một nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt kinh tế - cũng hoạt động tốt hơn dự kiến. Trong năm 2023, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,3% và cải thiện đáng kể so với ngưỡng suy giảm 2,2% của năm 2022 trước đó. Đồng thời, dự báo mới này cũng cao hơn nhiều so với con số suy giảm 2.3% trong năm 2023 được IMF dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.

Vương quốc Anh là một ngoại lệ khi IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho nước này xuống âm 0,6% trong năm 2023. Ảnh: Getty Images

Vương quốc Anh là một ngoại lệ khi IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho nước này xuống âm 0,6% trong năm 2023. Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế ghi nhận các dự báo được cải thiện tích cực, Vương quốc Anh là một ngoại lệ. So với dự đoán tăng trưởng 0,3% trước đó, IMF hiện dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 0,6% trong năm 2023 khi lãi suất cao hơn và ngân sách chính phủ thắt chặt trở thành bước cản.

Ở một diễn biến khác, dù dự báo được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, IMF nhận định kinh tế toàn cầu vẫn còn tồn tại những rủi ro nghiêm trọng. Chúng chủ yếu tới từ kịch bản chiến sự Nga – Ukraine leo thang, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng mạnh hoặc lãi suất cao sẽ gây ra khủng hoảng tài chính ở các quốc gia nợ nần chồng chất.

Triển vọng toàn cầu vẫn luôn bị bao phủ bởi sự không chắc chắn kể từ đầu năm 2020 khi đại dịch bùng nổ. Một cuộc suy thoái ngắn hồi đầu năm 2020, sự phục hồi kinh tế tới từ các gói viện trợ của chính phủ trong thời kỳ đại dịch, lạm phát gia tăng mạnh rồi tới chiến sự Nga – Ukraine khiến thương mại thế giới về năng lượng và lương thực bị gián đoạn đều là các sự kiện khiến các nhà dự báo bối rối trong việc đi tới con số cuối cùng.

Đó là nguyên nhân vì sao các tổ chức đưa ra các dự báo trái ngược với nhau. 3 tuần trước, Ngân hàng Thế giới đưa ra triển vọng kinh tế toàn cầu u ám hơn. Tổ chức này đã cắt giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng quốc tế trong năm nay xuống còn 1,7%, đồng thời cảnh báo thế giới có thể đang ngày càng gần một cuộc suy thoái.

Để kinh tế có thể tăng trưởng bền vững, IMF đưa ra gợi ý các chính phủ cùng tổ chức ban ngành liên quan tích cực hỗ trợ các chính sách trong việc ứng phó lạm phát, kiểm soát các cuộc khủng hoảng y tế, giải quyết vấn đề nợ gia tăng, đảm bảo sự ổn định tài chính, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và chú trọng chuyển đổi xanh nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp