IMF chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ Anh

KINH TẾ ảnh
16:21 - 28/09/2022
IMF hôm 27/9 công khai chỉ trích rằng các chính sách kinh tế của chính phủ Anh là không sáng suốt. Ảnh: Business Review
IMF hôm 27/9 công khai chỉ trích rằng các chính sách kinh tế của chính phủ Anh là không sáng suốt. Ảnh: Business Review
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 27/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công khai chỉ trích chiến lược kinh tế mới của Anh sau một đợt trượt dốc trên thị trường trái phiếu, buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình.

Kể từ khi chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh từ 6/9, bà Liz Truss đã tuyên bố sẽ đưa nền kinh tế Anh thoát khỏi tình trạng trì trệ bằng việc cắt giảm thuế sâu và bãi bỏ nhiều quy định rườm rà.

Áp lực kinh tế do đó cũng đè nặng lên vai tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và kế hoạch kinh tế nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán tiền năng lượng trong khi tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nguyên nhân là do chính sách này sẽ đòi hỏi thêm 72 tỷ bảng Anh trong việc phát hành nợ chính phủ chỉ trong năm tài chính này, gây shock cho các nhà đầu tư.

Trong hoàn cảnh đó, các nhà kinh tế, nhà đầu tư và giám đốc điều hành hàng đầu cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư sẽ chỉ phục hồi nếu kế hoạch này bị loại bỏ. Theo Reuters, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 27/9 thậm chí còn chỉ trích rằng các đề xuất này chỉ khiến bất bình đẳng gia tăng và đặt ra câu hỏi về sự sáng suốt của các kế hoạch trên.

Một phát ngôn viên của IMF nhận định: "Do áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh, chúng tôi không khuyến nghị các gói tài khóa lớn và không có mục tiêu vào thời điểm này” do chính sách tài khóa cần đi đôi với chính sách tiền tệ.

Cũng theo tổ chức này, một khoản ngân sách đến hạn ngày 23/11 tới sẽ tạo cơ hội “cho chính phủ Anh xem xét các cách cung cấp hỗ trợ có mục tiêu hơn và đánh giá lại các biện pháp thuế, đặc biệt là những biện pháp có lợi cho người có thu nhập cao".

Phản ứng lại với nhận định này từ IMF, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập của Anh là Keir Starmer cho biết những lời chỉ trích từ IMF cho thấy chính phủ hiện tại của bà Truss đã tạo ra một “mớ hỗn độn” như thế nào đối với nền kinh tế. Trong bài phỏng vấn với đài LBC, ông nhận định tuyên bố của IMF cho thấy sự hỗn loạn này là do chính phủ tự gây ra và nó hoàn toàn không cần thiết phải như vậy.

Các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng chính phủ Anh cần xem xét lại hoặc đảo ngược các kế hoạch kinh tế này.

Các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng chính phủ Anh cần xem xét lại hoặc đảo ngược các kế hoạch kinh tế này.

Trái phiếu chính phủ Anh đã bị bán tháo với tốc độ dữ dội kể từ khi các kế hoạch tài khóa gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin vào khả năng xử lý nền kinh tế của chính phủ bà Liz Truss. Nhà kinh tế Mỹ Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết lãi suất tăng vọt đối với các khoản nợ lâu năm của Anh là một dấu hiệu cho thấy uy tín đã bị mất.

Người đứng đầu hãng hàng không Virgin Atlantic Shai Weiss cũng đã thúc giục chính phủ ổn định các vấn đề kinh tế và chấp nhận rằng động thái tài trợ việc cắt giảm thuế với khoản vay lớn của chính phủ đã khiến nước Anh đang ở vị thế yếu hơn. Theo ông, nếu chính sách hiện tại không có hiệu quả thì chính phủ nên đảo ngược nó và đây “không phải là một điều đáng xấu hổ”.

Nhằm trấn an các nhà đầu tư, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Anh tuyên bố chiều ngày 26/9 rằng mình sẽ không ngần ngại tăng lãi suất nếu cần. Nhà kinh tế cấp cao Huw Pill của BoE cho biết Ngân hàng Trung ương có khả năng đưa ra mức tăng lãi suất "đáng kể" khi họp vào tháng 11 tới. Bản Bộ trưởng Tài chính Anh Kwarteng cũng đã có những cuộc gặp mặt với các chủ ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản hàng đầu hôm 27/9 để khẳng định rằng chiến lược kinh tế hiện tại của chính phủ sẽ hiệu quả khi kết hợp với các cải cách bên cung.

Tuy nhiên, động thái này lại không tạo ra được hiệu ứng mong muốn trên thị trường và không lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư. Nhà kinh tế Allan Monks của J.P. Morgan cho biết: “Vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy nguồn gốc của vấn đề là chiến lược tài khóa của chính phủ - đang được xem xét lại”. Vì vậy để tránh kết quả tồi tệ hơn cho nền kinh tế, chính phủ sẽ phải thực hiện điều này trước tháng 11.

Đọc tiếp