IMF khuyến nghị chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ phục hồi kinh tế

KINH TẾ Việt nAM
15:25 - 12/05/2022
IMF khuyến nghị chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ phục hồi kinh tế
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện IMF khuyến nghị, trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực.

Thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn

Tại Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua 4 tháng đầu năm 2022 nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Đặc biệt trong quý I/2022, Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, cũng là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022.

Tuy có nhiều tín hiệu khởi sắc, môi trường kinh doanh cũng được đánh giá là đang ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.

Ảnh tác giả

Môi trường kinh doanh quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức thì nhiều hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương.

Trên trường quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao, trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc cũng đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại.

Trong khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, là mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.

Lạm phát của Việt Nam có thể vượt ngưỡng 5%

Chia sẻ tại diễn đàn về bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này.

Gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 Việt Nam sẽ tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Trong khi đó, dựa trên yếu tố giá dầu thô tăng cao, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%...

Chính sách tài khóa nên đi đầu

Đồng quan điểm, chia sẻ tại hội nghị đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính.

Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.

Theo ông Francois Painchaud, rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Ảnh tác giả

Chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.

Ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào.

Trong ngắn hạn, IMF khuyến nghị việc thiết lập chính sách phải nhanh chóng và linh hoạt. Chính sách tài khóa cần được hỗ trợ để điều phối cho sự chuyển đổi của nền kinh tế.

"Hiện tại chính sách tiền tệ đang thể hiện khả năng hỗ trợ nhất định tuy nhiên bị giới hạn trong tương lai, rõ ràng ngân hàng Nhà nước cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ so với mục tiêu ban đầu. Do đó, chính sách tài khoá phải đi đầu, kết hợp với chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp trong tương lai", ông Painchaud nhấn mạnh.

Trong trung hạn, IMF khuyến nghị nên xây dựng lại vùng đệm tài khóa và huy động doanh thu, tăng cường an sinh xã hội, tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.

Khuyến nghị này hoàn toàn thống nhất với chủ trương của Chính phủ Việt Nam khi xây dựng chính sách tài khóa chiếm tới 83% tổng gói hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ và phát triển kinh tế- xã hội, với giá trị lên đến 291.000 tỷ đồng.

Dù công tác giải ngân chưa được như kỳ vọng nhưng không thể phủ nhận, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ và là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế.

Đọc tiếp