IMF kỳ vọng Việt Nam dẫn đầu khu vực khi tăng trưởng 7,2% năm 2023

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
15:00 - 27/07/2022
IMF kỳ vọng Việt Nam dẫn đầu khu vực khi tăng trưởng 7,2% năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nước trong khu vực ASEAN. Nhưng tổ chức này duy trì quan điểm tích cực với Việt Nam, khi dự báo năm 2023 Việt Nam sẽ dẫn đầu nhóm 5 nền kinh tế khu vực với mức tăng trưởng 7,2%.

Trong báo cáo cập nhật mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới" ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực và có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.

Cụ thể, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Với Đông Nam Á, trong báo cáo lần này, IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2022 với một số nền kinh tế khu vực. Trong nhóm 5 nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất được IMF giữ nguyên dự báo như đã công bố hồi tháng 4, với kỳ vọng tăng trưởng năm nay ở mức 6%.

Philippines được nâng dự báo từ 6,5% lên 6,7%. 3 quốc gia còn lại đều bị hạ dự báo tăng trưởng. Trong đó, Indonesia được điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm, Malaysia và Thái Lan bị hạ mạnh hơn 0,5 điểm phần trăm.

Về dự báo tăng trưởng năm 2023, IMF cũng hạ dự báo với 4 nền kinh tế Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam vẫn giữ nguyên. Với dự báo của IMF, năm 2023 Việt Nam sẽ dẫn đầu nhóm 5 nền kinh tế với mức tăng trưởng 7,2%.

Trong đó, theo khuyến nghị mới đây của tổ chức này, trong những năm qua, Việt Nam đã phát triển khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô, bao gồm áp dụng các giới hạn đối với từng ngành nghề riêng biệt, cẩn trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho những lĩnh vực rủi ro, chẳng hạn trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. "Thắt chặt các chính sách an toàn vĩ mô sẽ đảm bảo việc điều chỉnh diễn ra một cách tuần tự", IMF lưu ý.

Thêm vào đó, IMF cho rằng các nhà chức trách cần thúc đẩy thị trường vốn nhưng vẫn quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những đợt phát hành riêng lẻ chiếm ưu thế hơn.

IMF khuyến nghị Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, phát triển các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và tăng cường yêu cầu công bố thông tin đối với những đợt phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ nâng cao tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Cuối cùng, IMF nhận định công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng trong những lĩnh vực như ngân hàng, thanh toán kỹ thuật số và cho vay ngang hàng. Tổ chức cho rằng cần khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định tài chính, bảo vệ người dùng và nhà đầu tư.

Về dự báo tăng trưởng Việt Nam, tại ấn bản Bổ sung Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố ngày 21/7, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong ADO tháng 4 năm 2022.

Theo ADB, tăng trưởng Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát là không thay đổi so với dự báo của ADB hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

Ngân hàng HSBC cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây, đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%. Theo HSBC, sản xuất, tiêu dùng nội địa phục hồi là điểm sáng giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi đó, Ngân hàng UOB (Singapore) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%. Với mức dự báo này, UOB trở thành tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng cao nhất cho nền kinh tế Việt Nam năm nay.

Đọc tiếp