IMF nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 7%, cao nhất ASEAN-6

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
13:39 - 08/09/2022
Mua bán trong một trung tâm siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Quách Sơn
Mua bán trong một trung tâm siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên mức cao nhất trong nhóm ASEAN-6, nhưng IMF cũng lưu ý, sự phục hồi của Việt Nam có thể gặp phải những khó khăn do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.

Trong đánh giá mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tổ chức này cho rằng Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng chậm lại ở những nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Lạm phát tương đối thấp của Việt Nam cũng là một ngoại lệ trong khu vực.

Nửa đầu năm 2022, Việt Nam chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, khi các hạn chế của đại dịch được nới lỏng, sau khi áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng quyết liệt. Các chính sách hỗ trợ như duy trì lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kết hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã giúp tăng sản lượng ngành chế tạo, phục hồi hoạt động bán lẻ và du lịch.

Theo đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, tăng 1 điểm % so với dự báo được đưa ra 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6.

IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 của Việt Nam 0,5 điểm % xuống còn 6,7%. Nhưng đây vẫn là con số khởi sắc so với triển vọng mờ nhạt ở những nơi khác và sẽ là mức tăng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, khi tổ chức này ước tính tăng trưởng cho châu Á sẽ giảm xuống 4,2% và 4,6% cho năm 2022 và năm 2023.

Sự phục hồi của Việt Nam cũng gặp khó do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc

Theo phân tích của IMF, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu nằm ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực toàn cầu, vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và gạo - lương thực chính ở Việt Nam - vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng rất nhẹ.

Tuy nhiên, theo IMF, lạm phát có thể tăng lên khi hoạt động kinh tế trở lại với tốc độ tối đa. Chi phí vận chuyển cao hơn và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn, gây thêm áp lực lạm phát.

IMF cũng nhận thấy sự phục hồi của Việt Nam có thể gặp phải những khó khăn do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm sau, trong bối cảnh tác động của xung đột Nga - Ukraine, sự suy thoái ở Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến. Sự suy giảm này có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, Việt Nam đang siết chặt các quy định tài chính khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc này làm tăng chi phí tài chính và có thể gây ra hiện tượng dòng vốn đảo ngược.

"Những bất ổn của thương mại toàn cầu và thị trường tài chính có thể gây tác động tiêu cực đến sự phục hồi, đặc biệt là trong trường hợp một số ngành mất khả năng tiếp cận hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng gián đoạn. Điều đó có thể làm hạn chế đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất và công nghệ", IMF nhìn nhận.

Theo đó, IMF khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện những thay đổi kịp thời: Chính sách tài khóa cần đi đầu trong việc hỗ trợ phục hồi, nhưng được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát triển.

Ngân hàng Trung ương nên tập trung vào rủi ro lạm phát gia tăng và khẳng định sẵn sàng hành động khi cần thiết và vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát.

Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.

Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức

Tại ấn bản Bổ sung Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố ngày 21/7, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong ADO tháng 4 năm 2022.

Theo ADB, tăng trưởng Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát là không thay đổi so với dự báo của ADB hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

Ngân hàng HSBC cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây, đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%. Theo HSBC, sản xuất, tiêu dùng nội địa phục hồi là điểm sáng giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi đó, Ngân hàng UOB (Singapore) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%. Với mức dự báo này, UOB trở thành tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng cao nhất cho nền kinh tế Việt Nam năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp