IMF: Nền kinh tế Nga vận hành tốt hơn kỳ vọng bất chấp 7.000 lệnh cấm vận

KINH TẾ NGA
15:37 - 27/07/2022
IMF nhận định tăng trưởng kinh tế Nga tốt hơn kỳ vọng bất chấp cấm vận. Ảnh: Getty Images
IMF nhận định tăng trưởng kinh tế Nga tốt hơn kỳ vọng bất chấp cấm vận. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 26/7, nền kinh tế Nga đang vượt qua cơn bão cấm vận tốt hơn dự kiến bất chấp hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhờ hưởng lợi ích từ giá năng lượng tăng cao.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, các quốc gia phương Tây đã áp đặt hơn 7.000 lệnh cấm vận kinh tế lên Nga. Theo các nhà lãnh đạo, các biện pháp này là nhằm cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, bóp nghẹt nền kinh tế Nga và từ đó khiến nước này không còn đủ khả năng tài chính để tài trợ cho chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” hôm 26/7 của tổ chức này, tăng trưởng GDP của Nga được dự đoán nâng lên 2,5 điểm phần trăm dù nền kinh tế nói chung vẫn sụt giảm 6%. AFP trích lời nhà kinh tế cấp cao Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết các lệnh cấm vận vẫn sẽ tạo ra một cuộc suy thoái đáng chú ý tại nước này trong năm 2022.

Theo ông, có nhiều lý do khiến nền kinh tế Nga vận hành tốt hơn kỳ vọng. Một trong các lý do chính là nhờ việc Ngân hàng Trung ương Nga cùng các nhà hoạch định chính sách của nước này thành công ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính ngay khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Mặt khác, giá năng lượng tăng mạnh cũng đang giúp nước này đạt được nguồn thu khổng lồ.

Vốn ở ngưỡng dưới 80 USD/thùng, giá dầu Brent tăng vọt lên gần 129 USD vào tháng 3 trước khi giảm xuống quanh ngưỡng 105 USD hôm 26/7. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu gần đây đang đạt mức đỉnh.

Vì vậy, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn gồm Mỹ và Trung Quốc đang chậm lại, báo cáo lại cho biết nền kinh tế Nga trong quý II đã sụt giảm ít hơn so với dự kiến trước đó với xuất khẩu dầu thô và phi năng lượng đều gia tăng tích cực. Thêm vào đó, “nhu cầu nội địa của Nga cũng đang cho thấy một số khả năng phục hồi” do sự hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên trong năm 2023, IMF cho rằng các tác động tích lũy của lệnh cấm vận sẽ bắt đầu thể hiện rõ hơn và khiến Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: AP Photo/Dmitry Lovetsky

Tuy nhiên trong năm 2023, IMF cho rằng các tác động tích lũy của lệnh cấm vận sẽ bắt đầu thể hiện rõ hơn và khiến Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: AP Photo/Dmitry Lovetsky

Tuy nhiên theo ông Gourinchas, tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2023 lại hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, IMF cho biết đang hạ mức tăng trưởng của Nga xuống thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4 ở ngưỡng 3,5%. Cùng các hình phạt mới được công bố, tác động tích lũy của hơn 7000 lệnh cấm vận sẽ bắt đầu thể hiện và gia tăng theo thời gian.

Một nghiên cứu mới của các học giả Yale gồm Jeffrey Sonnenfeld cũng đồng ý rằng các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế nước này. Sự ra đi của hơn 1.000 công ty quốc tế khỏi thị trường Nga cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cụ thể, 40% GDP của Nga hiện đã biến mất do các công ty nước ngoài rời khỏi Nga và hầu như không có công ty nào trong số đó có kế hoạch sớm quay trở lại. Sự ra đi này cũng tương tự với số vốn đầu tư nước ngoài của khoảng 30 năm đã bốc hơi hoàn toàn. Thêm vào đó, sản xuất nội địa của Nga cũng đi vào bế tắc trong khi việc nhập khẩu hàng hóa gần như sụp đổ phần lớn.

Các tác giả này vì vậy nhận định Nga không có con đường nào thoát khỏi khủng hoảng cho tới khi các nước phương Tây và đồng minh nới lỏng các áp lực trừng phạt.

Đọc tiếp