Indonesia loại dầu cọ thô khỏi lệnh cấm xuất khẩu

Dầu cọ Indonesia
17:09 - 26/04/2022
Nông dân Indonesia chuyển những trái cọ đã thu hoạch lên xe tải vận chuyển tại một đồn điền ở Pekanbaru. Ảnh: AFP
Nông dân Indonesia chuyển những trái cọ đã thu hoạch lên xe tải vận chuyển tại một đồn điền ở Pekanbaru. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Nông nghiệp Indonesia trong văn bản ngày 25/4 cho biết, nước này sẽ loại bỏ dầu cọ thô ra khỏi lệnh cấm xuất khẩu theo kế hoạch từ trước, thay vào đó họ chỉ cấm xuất cảng các loại dầu cọ tinh luyện.

Nikkei Asia đưa tin, trong công văn chính thức từ Tổng cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, lệnh cấm xuất khẩu sẽ được áp dụng đối với dầu RBD (dầu cọ tinh luyện, tẩy trắng và khử mùi), được định nghĩa là "nguyên liệu cho dầu ăn". Còn loại dầu cọ thô không được đề cập trong công văn này.

Dầu cọ thô chiết xuất từ thịt (cùi) của quả cọ, trong khi dầu RBD được tinh chế từ dầu cọ thô và được sử dụng cho các loại thực phẩm bao gồm dầu ăn. Dầu cọ là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia. Giá dầu cọ đã tăng vọt kể từ cuối năm ngoái và còn tăng thêm trong bối cảnh nguồn cung dầu ăn bị gián đoạn do chiến sự ở Ukraine.

Biến động giá dầu cọ thô của Indonesia. Nguồn: QUICK-FactSet/Nikkei Asia

Biến động giá dầu cọ thô của Indonesia. Nguồn: QUICK-FactSet/Nikkei Asia

Tuần trước, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, kể từ ngày 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu CPO (dầu cọ thô) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định. Sau quyết định của ông Widodo, giá chỉ số trên sàn giao dịch phái sinh của Bursa Malaysia đã tăng khoảng 6%, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.

Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 3 cho thấy giá các loại thực phẩm từ ngũ cốc đến đường đều gia tăng đáng kể, đẩy giá trung bình toàn cầu tăng 12,6% so với tháng 2.

Nhà kinh tế học Bhima Yudhistira tại Trung tâm Nghiên cứu Luật và Kinh tế có trụ sở tại Jakarta (Indonsia), cho biết: “Chính sách này còn thiếu sự chuẩn bị và chưa được truyền đạt tốt. Nếu dầu cọ thô không bị cấm xuất khẩu sau khi thông báo như vậy, thì các nhà sản xuất có thể bắt kịp nhu cầu xuất khẩu. Họ sẽ không cần chế biến dầu cọ thô thành dầu RBD (dầu cọ tinh luyện). Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không giải quyết được tình trạng khan hiếm dầu ăn và giá cả cao".

Dầu cọ thô không có tên trong công văn lệnh cấm của Bộ Nông nghiệp Indonesia. Ảnh: The Economic Times
Dầu cọ thô không có tên trong công văn lệnh cấm của Bộ Nông nghiệp Indonesia. Ảnh: The Economic Times

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ được chính phủ Indonesia đưa ra trong bối cảnh thị trường dầu ăn toàn cầu đang chịu những ảnh hưởng lớn cho chiến sự giữa Nga và Ukraine. Do Biển Đen chiếm 76% lượng xuất khẩu dầu hướng dương trên thế giới, các hoạt động vận chuyển thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khu vực này đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, xảy ra tình trạng thiếu dầu ăn.

Sau khi nguồn cung dầu hướng dương từ Nga và Ukraine gặp vấn đề, nhiều quốc gia đã phải chuyển sang dùng dầu cọ. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu dầu cọ thứ 2 thế giới là Malaysia cũng không ở trong tình trạng tốt như mong đợi. Tác động từ đại dịch khiến nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, do đó dẫn tới thiếu hụt sản lượng. Vì vậy, việc kéo gần khoảng cách xuất khẩu với Indonesia là không khả thi với tình huống hiện tại.

Giờ đây khi nguồn cung dầu cọ thắt chặt, người tiêu dùng chỉ còn trông chờ vào nguồn cung dầu đậu nành. Tuy nhiên, chúng cũng bị ảnh hưởng do các vụ mùa đậu nành và hạt cải gần đây tại Argentina, Brazil và Canada đều gặp vấn đề. Các cơ sở chế biến dầu đậu nành và dầu hạt cải cho nhiên liệu sinh học dự kiến sẽ lần lượt được khai trương tại Mỹ và Canada trong những năm tới, nhưng việc tăng cường sản xuất trong tương lai gần là rất khó khăn.

Nhiều khả năng Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục xem xét và điều chỉnh lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ khi nước này có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60%. Ngoài ra, các công ty chế biến dầu sẽ cắt giảm sản xuất, phúc lợi của nông dân trồng cọ bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu không được các nhà máy chế biến thu mua, dẫn tới bất ổn xã hội. Việc cấm xuất khẩu cũng gây tổn thất cho nhóm hàng xuất khẩu này với giá trị tổn thất lên tới 3 tỷ USD/tháng (theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu và luật pháp Indonesia).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.