Indonesia nguy cơ khan hiếm mỳ ăn liền vì chiến sự tại Ukraine

Thực phẩm Indonesia
14:59 - 22/04/2022
Mỳ tôm được bày bán tại một chợ tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia
Mỳ tôm được bày bán tại một chợ tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường mỳ ăn liền quy mô lớn hàng đầu thế giới của Indonesia với sự thống trị của hãng Indomie đang ở trong thế khó, do căng thẳng chưa dứt giữa Nga và Ukraine đe dọa tới nguồn cung lúa mỳ vốn là thành phần quan trọng nhất của sản phẩm này.

Theo Asia Times, từ mức thấp trong đại dịch, nhu cầu lúa mỳ của Indonesia đã tăng trở lại ngưỡng 10,7 triệu tấn vào năm ngoái với tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Con số này khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu lúa mỳ lớn thứ 3 thế giới sau Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2021, tiêu thụ lúa mỳ trên đầu người của Indonesia rơi vào mức 26.4kg và sẽ còn tăng lên 28,6kg khi dân số gia tăng trong tương lai.

Nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á cũng là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ 2 thế giới khi chiếm tới 12,6 tỷ trong tổng số 116,5 tỷ khẩu phần mỳ ăn liền toàn cầu. Trong năm 2021, dù tiêu thụ nội địa lớn, Indonesia thậm chí vẫn sản xuất đủ mỳ ăn liền để xuất khẩu sang các thị trường khác như Malaysia, Australia, Singapore, Mỹ và Timor Leste với doanh thu 270 triệu USD.

Trong số các thương hiệu, Indomie là hãng nổi tiếng nhất khi chiếm tới 72% thị phần địa phương. Hãng mỳ ăn liền này cũng vô cùng nổi bật trên thị trường quốc tế khi xuất hiện tại hơn 100 nước khác nhau, trong đó có cả Việt Nam.

Tuy nhiên, căng thẳng chưa có dấu hiệu kết thúc tại châu Âu có khả năng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành kinh doanh mỳ ăn liền tỷ USD của Indonesia. Hai nước Nga và Ukraine chiếm tới 1/3 lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu đang lâm vào chiến tranh, khiến mùa thu hoạch lúa mỳ đầu tháng 7 tới của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xung đột không chấm dứt sớm.

Đại sứ Ukraine tại Jakarta Vasyl Hamianin nhận định, nếu không thể thu hoạch vụ mùa 2022, việc thiếu nguồn cung từ Ukraine sẽ gây ra thảm họa đối với cả thế giới nói chung và các ảnh hưởng cụ thể tới Indonesia và thị trường mỳ ăn liền nói riêng của nước này.

Hiện ngành công nghiệp thực phẩm của Ukraine cũng đang chịu tác động nặng nề khi phần lớn cơ sở hạ tầng cùng các cảng biển của nước này bị phá hủy. Trên hết, các tàu chiến của Nga cũng đang phong tỏa khu vực Biển Đen – con đường đưa hơn 80% lượng lúa mỳ xuất khẩu của nước này ra thế giới.

Thu hoạch lúa mỳ tại Ukraine. Ảnh: Getty Images

Thu hoạch lúa mỳ tại Ukraine. Ảnh: Getty Images

Ngoài những khó khăn trong việc vận chuyển, Ukraine vẫn còn các khó khăn khác liên quan tới vấn đề nguồn cung hạt giống, phân bón và dầu diesel cho các thiết bị nông nghiệp.

Các nhà xay xát bột mỳ tại Indonesia do đó sẽ chỉ còn 1 khoảng thời gian ngắn nữa để tìm kiếm nguồn cung thay thế Ukraine. Đây là một thách thức lớn theo lời nhận xét của các chuyên gia phân tích thị trường. Trong năm 2021, Ukraine đã cung cấp cho Indonesia 3 triệu tấn lúa mỳ, tăng so với mức 2,9 triệu tấn của năm 2019 và 2020. Phần lớn trong số ngũ cốc nhập khẩu này tới từ các cảng Odessa, Pivdennyi, Mykolayiv và Chornomorsk hiện đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh.

Dù các tác động trực tiếp của căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ ít ảnh hưởng trực tiếp tới châu Á, các ảnh hưởng gián tiếp của nó sẽ lớn hơn nhiều. Nga và Ukraine không có quá nhiều các liên kết thương mại, đầu tư và tài chính với châu lục này nhưng các vấn đề an ninh lương thực phát sinh đã khiến Chính phủ Indonesia rút ra nhiều bài học. Bài học quan trọng nhất có lẽ là tầm quan trọng của khả năng tự chủ lương thực cũng như các rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một mặt hàng ngũ cốc chủ lực duy nhất.

Nga cũng từng xuất khẩu 1,2 triệu tấn ngũ cốc sang Indonesia năm 2018. Tuy nhiên con số này giảm xuống chỉ còn 500.000 tấn vào năm 2019 và ngừng hẳn sau đó. Nếu Jakarta không thể tìm được các nguồn cung thay thế, nước này có khả năng cao sẽ lựa chọn lại nguồn cung của Nga, cũng giống như cách công ty dầu khí nhà nước Indonesia là Pertamina đang cân nhắc khả năng nhập khẩu dầu giảm giá của Nga.

Đọc tiếp