Indonesia nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Nga và Ukraine

chiến sự Nga – Ukraine
14:42 - 01/07/2022
Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Coconuts Jakarta
Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Coconuts Jakarta
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức với vai trò khách mời, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến đi tới Nga và Ukraine nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa hai nước này. 

Theo AP, kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Tổng thống Joko Widodo luôn duy trì quan điểm trung lập. Ông hy vọng với những nỗ lực của mình, Moscow và Kiev sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn và cuối cùng có thể dẫn đến các cuộc đàm phán trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước.

Tổng thống Widodo mong muốn đạt được những gì?

Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết, ông muốn khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu đối thoại về việc chấm dứt cuộc chiến hiện nay – một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực và tăng giá cả hàng hóa trên toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Indonesia muốn khuyến khích Tổng thống Nga sớm đối thoại hòa bình và chấm dứt cuộc xung đột. Ảnh: AFP

Nhà lãnh đạo Indonesia muốn khuyến khích Tổng thống Nga sớm đối thoại hòa bình và chấm dứt cuộc xung đột. Ảnh: AFP

“Nhiệm vụ của tôi là xây dựng hòa bình. Chiến tranh cũng như ảnh hưởng của nó đối với chuỗi cung ứng lương thực cần phải được chấm dứt. Tôi sẽ mời Tổng thống Putin mở một cuộc đối thoại càng sớm càng tốt và thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh. Chuyến thăm này không chỉ quan trọng đối với người dân Indonesia mà còn đối với những quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp, nhằm ngăn người dân tại các nước đó không rơi vào cảnh đói nghèo trầm cùng cực”, Tổng thống Widodo nhấn mạnh.

Tại sao cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề của Indonesia?

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết điều quan trọng là khơi thông tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và xuất khẩu thực phẩm, phân bón của Nga để chấm dứt tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hạ nhiệt giá hàng hóa.

Trong khi đó, giá dầu ăn tăng cao đang khiến Chính phủ Indonesia phải tạm thời cấm xuất khẩu các sản phẩm từ dầu cọ hồi tháng 5. Nước này buộc phải nối lại xuất khẩu dầu cọ thô một tháng sau đó. Indonesia và Malaysia là hai nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm 85% sản lượng toàn cầu.

Tổng thống Widodo gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky tại thủ đô Kiev, ngày 29/6. Ảnh: AP

Tổng thống Widodo gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky tại thủ đô Kiev, ngày 29/6. Ảnh: AP

Tổng thống Widodo cho biết Indonesia đưa ra đề nghị xây dựng hòa bình đối với cả Ukraine và Nga. Động thái này được coi là nỗ lực nhằm kết nối Diễn đàn G20 - vốn đang bị chia rẽ bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Trước đó, Mỹ và các đồng minh trong nhóm G7 đã tìm cách trừng phạt Moscow bằng nhiều cách nhất có thể, bao gồm cả việc “đe dọa tẩy chay” Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức năm nay ở Bali của Indonesia, trừ khi Tổng thống Putin bị loại khỏi danh sách.

Tuy nhiên, Tổng thống Widodo khẳng định quốc gia này đã mời hai nhà lãnh đạo Putin và Zelensky tham dự hội nghị, với hy vọng điều này sẽ xoa dịu những người ủng hộ hai nước, đồng thời hạn chế sự chú ý vào các nội dung khác thay vì chương trình nghị sự của diễn đàn.

Tiềm năng của chuyến thăm

Tổng thống Indonesia Joko Widodo là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên tới thăm Nga và Ukraine kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi cuối tháng 2.

Những nỗ lực của ông Widodo diễn ra nhiều tuần sau khi Nga “bật đèn xanh” rằng họ xem xét đề xuất của Italy về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine về cơ bản đang bế tắc. Lần gần đây nhất là cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3, nhưng không mang lại kết quả cụ thể.

Mặc dù vậy, ông Gilang Kembara, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Indonesia, tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng Tổng thống Putin sẽ lắng nghe người đồng cấp Widodo để tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

“Cơ hội để đạt được điều này là rất mong manh. Indonesia không có nhiều kinh nghiệm với vai trò một nhà kiến tạo hòa bình bên ngoài khu vực Đông Nam Á”, ông Kembara nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.