Indonesia phát triển cao lương thay thế cho lúa mỳ

Lương thực Indonesia
20:33 - 22/08/2022
Chính phủ Indonesia đang tìm tới cao lương như một loại ngũ cốc thay thế cho lúa mỳ và làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: AFP
Chính phủ Indonesia đang tìm tới cao lương như một loại ngũ cốc thay thế cho lúa mỳ và làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đẩy giá lúa mỳ lên cao và tạo áp lực lên món mỳ ăn liền yêu thích của người Indonesia, chính phủ nước này đang xem xét sản xuất nhiều cao lương hơn như một giải pháp thay thế.

Là một quốc gia nhiệt đới, Indonesia – quê hương của hơn 270 triệu người – không thể trồng lúa mì và vì vậy phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn lúa mì hàng năm. Tuy vậy, do thói quen ăn uống thay đổi của tầng lớp trung lưu ngày càng được mở rộng, sự phổ biến của các sản phẩm làm từ lúa mỳ như mỳ sợi, mỳ ống và bánh mỳ lại ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Indonesia đang tìm kiếm các loại ngũ cốc thực phẩm thay thế cho lúa mỳ như cao lương sau khi một số nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Kazakhstan tạm dừng xuất khẩu lúa mỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước của họ. Trong khi đó, chiến sự tại Ukraine càng làm tình hình nguồn cung gián đoạn nghiêm trọng hơn nữa. Tác động của chiến sự và lạm phát cũng khiến người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân Indonesia bị ảnh hưởng mạnh.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của Indonesia lên tới 13,27 tỷ phần ăn vào năm ngoái, đứng thứ hai sau Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ 44,33 tỷ phần ăn. Giá của thương hiệu mì gói Indomie - thương hiệu mì ăn liền phổ biến nhất ở Indonesia thuộc Indofood có mặt tại hơn 100 thị trường nước ngoài - đã tăng ít nhất 4% kể từ năm ngoái. Một gói hiện có giá 0,18 USD do thành phần lúa mỳ chiếm từ 20% cho tới 25% của mỗi gói mì ăn liền.

Ông Fransiscus Welirang, giám đốc nhà sản xuất Indofood, nói với Kompas TV hôm 12/8 rằng tập đoàn hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách tìm kiếm các nguyên liệu thực phẩm thô thay thế tại địa phương như cao lương. Ngoài việc làm thực phẩm, cao lương cũng có thể được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi

Theo The Straits Times trích dẫn bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, gần đây chính phủ nước này đang có kế hoạch thực hiện một dự án kéo dài nhiều năm để phát triển cao lương thay thế cho lúa mì. Hiện trên toàn quốc Indonesia, tổng cộng 4.355 ha ngũ cốc chịu hạn này đã được trồng ở 6 trong số 34 tỉnh thành trong tháng 6 với sản lượng dự kiến khoảng 15.200 tấn.

Tuy nhiên trong vòng năm nay, Indonesia đặt mục tiêu đưa con số này lên 15.000ha, đặc biệt tập trung vào khu vực Waingapu ở Đông Nusa Tenggara. Nguyên nhân khu vực này được chọn là do từ những năm 1970, cao lương vốn được trồng và tiêu thụ rộng rãi ở đây do có lượng mưa thấp. Tuy nhiên từ khi chính quyền Tổng thống Suharto quảng bá gạo như một loại cây lương thực chính, cao lương đã bị gạo vượt mặt trong 3 thập kỷ tiếp theo.

Do đó như một phần của kế hoạch dài hạn này, kể từ năm 2020, tỉnh Đông Nusa Tenggara đã trồng được 6.000 ha cao lương và đặt mục tiêu trồng thêm 3.200 ha nữa trong năm 2022 theo ông Lucky Koli, Giám đốc cơ quan nông nghiệp và an ninh lương thực của tỉnh. Trong bài phỏng vấn với tờ The Straits Times, ông cho biết tất cả sản lượng cao lương trong năm nay sẽ được dành riêng để làm hạt giống và tỉnh Đông Nusa Tenggara sẽ cung cấp hạt giống cao lương cho toàn bộ Indonesia vào năm 2023.

Đọc tiếp