Indonesia sẽ nối lại nguồn cung dầu ăn cho thế giới từ 23/5

Dầu cọ Indonesia
11:26 - 20/05/2022
Nông dân Indonesia biểu tình phản đối lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Ảnh: Reuters
Nông dân Indonesia biểu tình phản đối lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài 3 tuần kể từ 23/5 sắp tới, sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều nông dân và gây ra nguy cơ suy giảm doanh thu xuất khẩu.

Theo Nikkei Asia, từ cuối năm 2021, quốc gia xuất khẩu dầu cọ thực vật hàng đầu thế giới là Indonesia đã gặp phải nghịch lý giá dầu ăn tăng cao và khan hiếm. Chính phủ do đó đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ tạm thời để giảm giá dầu ăn trong nước và ổn định lại thị trường, sau khi các biện pháp trước đó bao gồm yêu cầu các công ty đảm bảo nghĩa vụ cung ứng nội địa và áp thuế xuất khẩu cao hơn đều thất bại.

Kể từ khi chính phủ Indonesia chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ để ổn định thị trường nội địa, người nông dân trồng cọ ở nhiều khu vực trên khắp đất nước đã tổ chức biểu tình phản đối. Nguyên nhân được đưa ra là do Indonesia chỉ sử dụng chưa tới 1/3 sản lượng cho nhu cầu trong nước trong khi xuất khẩu tất cả phần còn lại.

Thêm vào đó, đồng rupiah của nước này cũng đã giảm trong những tuần gần đây do ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Mặt khác, các chuyên gia lại lo ngại về sự sụt giảm thu nhập do giảm xuất khẩu khi dầu cọ là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Indonesia sau than đá.

Hôm 19/5, ông Widodo cho biết sản lượng nguyên liệu dầu cọ để sản xuất ra dầu ăn trong nước đã đạt 211.000 tấn cho 1 tháng, cao hơn mức đề ra là 194.000 tấn. Thêm vào đó, giá dầu ăn số lượng lớn trên toàn quốc đã giảm trung bình 15% xuống khoảng 1,2 USD / lít từ mức gần 1,36 USD trước khi lệnh cấm được áp dụng ngày 28/4.

Vì vậy, với điều kiện nguồn cung và giá dầu ăn hiện tại, Tổng thống Widodo quyết định rằng việc xuất khẩu dầu ăn sẽ được nối lại hôm 23/5. Trong bài phát biểu trực tiếp trên Youtube, ông Widodo cũng bổ sung rằng quyết định này còn cân nhắc tới cả 17 triệu người lao động trong lĩnh vực dầu cọ bao gồm nông dân, công nhân và lực lượng lao động hỗ trợ khác.

Ngoài ra, để bảo vệ thị trường nội địa, công tác giám sát ngành dầu cọ của chính phủ vẫn sẽ tiếp tục để đảm bảo cung cấp đủ dầu ăn trong nước. Cảnh sát cũng sẽ tiếp tục điều tra và xử phạt nghiêm minh những người bị cáo buộc tích trữ và những người lợi dụng tình hình giá cao để thu lợi nhuận bất hợp pháp.

Indonesia là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ và dầu thực vật lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá dầu ăn của nước này từ cuối năm 2021 đã tăng gấp đôi. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng tới sản lượng ở một nhà sản xuất hàng đầu khác là Malaysia và nhu cầu bắt đầu tăng trở lại, dầu ăn đã trở thành một mặt hàng hiếm với giá cả đắt đỏ tại chính quốc gia này.

Thêm vào đó, việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2 cũng đã góp phần đẩy giá dầu ăn trên toàn thế giới và tại Indonesia tăng mạnh. Việc Nga và Ukraine – 2 quốc gia chiếm tới 70% lượng dầu hướng dương – ngừng xuất khẩu cũng đã khiến nhu cầu cho các mặt hàng dầu ăn thay thế như dầu cọ và dầu đậu nành tăng đột biến. Sự thiếu hụt dầu ăn trên toàn cầu đã làm gia tăng lạm phát và góp phần gây ra tình trạng mất an ninh lương thực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.