JICA nêu 3 thay đổi lớn của nhân lực công nghiệp Việt Nam

LAO ĐỘNG Công nghiệp
08:10 - 31/08/2022
Nhân lực công nghiệp Việt Nam được đào tạo chất lượng cao.
Nhân lực công nghiệp Việt Nam được đào tạo chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân lực công nghiệp Việt Nam được các chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá đã thoát khỏi nguồn nhân công giá rẻ, có sự đào tạo chất lượng, tuy nhiên vẫn còn thiếu nguồn lực tài chính và chậm số hóa.

Từ chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 10 năm của Chính phủ Việt Nam kết thúc vào năm 2020, từ tháng 9/2021, văn phòng JICA Việt Nam đã triển khai khảo sát “Nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam”.

Báo cáo được hoàn thiện và công bố vào tháng 8/2022 nhằm chỉ ra những thay đổi mới nhất về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghiệp của Việt Nam. Kết quả khảo sát của JICA cho thấy 3 xu hướng chính mà nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam đang chuyển biến.

Đầu tiên, lao động nghiệp Việt Nam đã thoát khỏi nguồn nhân công giá rẻ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do ảnh hưởng của xã hội già hóa và chi phí lao động tăng cao, Việt Nam sẽ sớm đánh mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ.

Ngoài ra, năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp nhưng khi quá trình số hóa ngày càng được thúc đẩy thì việc cần phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao và có khả năng sáng tạo để xây dựng năng lực cạnh tranh là rất cần thiết.

Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội bền vững trong vài thập kỷ tới, và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh đến việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao (kỹ thuật số, nhân sự quản lý, phúc lợi và chăm sóc điều dưỡng).

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam đã hình thành các kỹ năng mềm cần có như kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng học tập chủ động. Theo JICA, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều cần nhân sự có các kỹ năng mềm như làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh các kỹ năng vốn cần thiết như kỹ năng kỹ thuật, kiến thức chuyên môn và ngôn ngữ, yêu cầu đối với nhân sự trong tương lai còn có khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng và kiến thức công nghệ thông tin, khả năng học tập chủ động, kỹ năng sáng tạo.

Ngoài ra, các vấn đề chung mà các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam phải đối mặt bao gồm chi phí lao động tăng, thiếu hụt nguồn cung nhân lực và đặc biệt là thiếu cán bộ quản lý cấp trung.

Tuy nhiên, lao động công nghiệp Việt Nam vẫn còn trở ngại do thiếu nguồn lực tài chính, chậm trễ trong số hóa, khác biệt về kỳ vọng công việc của thực tập sinh kỹ năng.

Khảo sát của JICA chỉ ra, các vấn đề trong giáo dục đại học được đưa ra bao gồm thiếu nguồn lực tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thiếu tích hợp các tiêu chuẩn kỹ năng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn chứng chỉ để cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên thiếu năng lực, chậm số hóa.

Còn các vấn đề đối với các trường đào tạo nghề bao gồm thiếu khung tổng quát đảm bảo chất lượng quốc gia để làm kim chỉ nam cho các tiêu chuẩn giáo dục, thiếu cơ sở vật chất và khả năng đáp ứng với số hóa, chênh lệch giữa khu vực công tư, thiếu đào tạo định hướng nghề nghiệp.

Tỷ lệ thực tập sinh kỹ năng trở về nước phát huy được kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản chỉ khoảng 26,7%, tương đối thấp so với các nước khác.

Khuyến khích ưu tiên hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các thành phố lớn

Báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam được thực hiện thông qua phỏng vấn và khảo sát diện rộng với hơn 1.000 tổ chức trên khắp Việt Nam (chính phủ Việt Nam, các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các công ty Nhật Bản và Việt Nam).

Mục tiêu nhằm nắm bắt và phân tích thực trạng chiến lược và kế hoạch phát triển, khảo sát và phân tích nhu cầu nhân lực của các trường đại học, các doanh nghiệp Nhật Bản, nhu cầu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trung và dài hạn, đồng thời xem xét định hướng hợp tác của JICA trong lĩnh vực này trong tương lai.

Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu, JICA đưa ra các đề xuất về các lĩnh vực ưu tiên trong tương lai trong mảng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, JICA cho rằng cần củng cố hệ thống đào tạo giáo dục đại học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh trong tương lai có liên kết với các dự án giáo dục đại học hiện tại.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần chú trọng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy mô của nhân sự chăm sóc, điều dưỡng có tay nghề, hỗ trợ toàn diện cho thực tập sinh kỹ năng trở về nước, hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và các trường đào tạo nghề, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghiệp môi trường, nông nghiệp.

Ngoài ra, các khu vực ưu tiên được khuyến khích hỗ trợ bao gồm TP HCM cho ngành y tế và điều dưỡng; Cần Thơ và TP HCM cho ngành công nghiệp môi trường; Đà Nẵng và TP HCM cho công nghệ thông tin; TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cho ngành công trình dân dụng.

JICA đào tạo hoạt động an toàn STOP6, ngày 29/6, tại doanh nghiệp sản xuất khuôn đúc nhựa.

JICA đào tạo hoạt động an toàn STOP6, ngày 29/6, tại doanh nghiệp sản xuất khuôn đúc nhựa.

Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7/2022, các chuyên gia Nhật Bản của JICA đã thực hiện đào tạo tại chỗ (on-the-job training - OJT) về “Hoạt động an toàn STOP6” và “Quản lý phương châm” cho sáu doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 90 nhân viên.

Đây là những đối tượng được nhận hỗ trợ OJT về quản lý sản xuất trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Kỹ thuật của JICA về thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và phát triển ngành công nghiệp, thường được gọi tắt là Dự án SME.

Thông qua các buổi đào tạo tại chỗ, các chuyên gia Nhật Bản đã truyền tải tới các doanh nghiệp những kiến thức mới, hữu ích mà họ có thể áp dụng được. Dự kiến, hoạt động OJT như thế này sẽ được tiếp tục triển khai theo nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Dự án thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp do JICA hợp tác với Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện. Dự án kéo dài trong 3 năm kể từ tháng 10/2020.

Tin liên quan

Đọc tiếp