KBSV hạ dự báo tăng trưởng tại Techcombank do vấn đề room tín dụng

NGÂN HÀNG Việt nAM
09:44 - 02/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm chuyên gia KBSV đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng tín dụng của Techcombank về 17,4%, do xu hướng cắt giảm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại nhà băng để tập trung cho vay và lo ngại room tín dụng khó được nới cao thêm.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam xuống còn 17,4% thay vì mức 22,6% trong báo cáo trước đó.

Nguyên nhân do Techcombank sẽ cắt giảm hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để tập trung cho vay, đồng thời phản ánh lo ngại room tín dụng sẽ không được nới thêm nhiều do Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát lạm phát.

Duy trì nợ xấu thấp nhất ngành

Tại báo cáo tài chính quý II của Techcombank ghi nhận, ngân hàng đang duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức 0,6% với chất lượng tài sản được cải thiện.

Trong đó, dư nợ nhóm 3 giảm mạnh 20,5% so với quý trước, trong khi dư nợ nhóm 5 tăng 18,3%. Dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý II giảm mạnh 68,7% so với quý trước, xuống còn 500 tỷ đồng chiếm 0,1% tổng dư nợ.

Các chuyên gia KBSV nhận định, chi phí dự phòng tại nhà băng trong 6 tháng cuối năm sẽ không tăng quá mạnh mặc dù Thông tư 14 đã hết hiệu lực từ cuối quý II nhưng khả năng trả nợ của nhóm khách hàng được tái cơ cấu đã quay trở lại.

Trong quý II, chi phí dự phòng rủi ro tại Techcombank là khoảng 417 tỷ đồng, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ. Các chuyên gia cũng dự báo chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ đạt 1.418 tỷ đồng, giảm 46,8% so với cùng kỳ do đã đẩy mạnh trích lập dự phòng cho phần nợ tái cơ cấu trong năm 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 14.106 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ và thực hiện được 52% kế hoạch năm. Các chuyên gia KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cả năm đạt 22.352 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) trong hai quý đầu năm tại ngân hàng tăng 5,2 điểm % lên mức 78,4% do nguồn vốn huy động tăng trưởng thấp. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân giảm nhẹ về mức 32%, vẫn thấp hơn mức quy định 37% cho giai đoạn 2021 - 2022 theo Thông tư 22.

Quy định về tỷ lệ này sẽ giảm xuống 34% cho giai đoạn 2022 – 2023 và 30% trong giai đoạn 2023 – 2024, vì vậy đó ngân hàng cần có kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn vốn trung và dài hạn.

Tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà có thể chiếm 82% trong năm nay

Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank đạt 392.000 tỷ đồng, tăng trưởng khả quan ở mức 12,8% so với đầu năm với khối khách hàng bán lẻ tiếp tục là động lực chính trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

Trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 205.000 tỷ đồng, cho vay SME đạt 69.000 tỷ VND (tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ). Việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ khiến dư nợ nhóm khách hàng bán buôn giảm 4,1% so với đầu năm, đạt 117 tỷ VND, góp phần làm giảm rủi ro tập trung và đa dạng hóa danh mục tín dụng của ngân hàng.

Về cơ cấu cho vay cá nhân, tỷ trọng cho vay mua nhà có thế chấp tăng lên mức 82% với quy mô dư nợ tăng 31,2% so với đầu năm, đạt 167.000 tỷ đồng.

Cơ cấu ngành nghề cho vay của Techcombank không có sự thay đổi quá lớn khi cho vay bất động sản, xây dựng và VLXD đạt 266.000 tỷ VND, tăng 11,1% so với đầu năm, chiếm 68% tổng dư nợ; nhóm FCMG, bán lẻ, logistics và Viễn thông lần lượt duy trì tỷ lệ 17% và 6% trên tổng dư nợ.

Tiếp nối các khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021, vào ngày 26 tháng 6 năm 2022, Techcombank hoàn tất huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD.

Cho đến nay, đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.

Khoản huy động này sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Techcombank, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngân hàng cũng đẩy mạnh sử dụng các công cụ phái sinh để quản lý rủi ro tỷ giá và lãi suất cho các khoản vay hợp vốn này.

Tin liên quan

Đọc tiếp