Kế hoạch ứng phó với 3 tình huống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam

đậu mùa khỉ Việt nAM
20:14 - 02/08/2022
Kế hoạch ứng phó với 3 tình huống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh kế hoạch ứng phó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các địa phương có sự chuẩn bị cho các biện pháp chống dịch, như việc phát hiện, cách ly sớm dựa trên lâm sàng, xét nghiệm, tránh lây lan và chuẩn bị vật tư, thuốc men, thuốc điều trị...

Trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới với số ca mắc tăng nhanh và ngày càng thâm nhập sâu vào khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm phổ biến đầy đủ kiến thức để giúp hệ thống y tế không bị bỡ ngỡ trước bệnh dịch mới, chiều 1/8, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn toàn quốc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị cúm A.

3 tình huống ứng phó bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam

Tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch theo 3 mức độ cụ thể.

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam

Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn của dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng chống dịch.

Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ cho tuyến dưới; tổ chức diễn tập phòng chống dịch; điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.

Tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam

Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở; thường trực chống dịch 24/24h.

Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hoá chất, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch lan rộng; tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế về công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng

Mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; thường trực chống dịch 24/24h; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết;

Phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm, giám sát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Ảnh: moh.gov.vn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Ảnh: moh.gov.vn

Việt Nam vẫn nằm trong khu vực có nguy cơ thấp tới trung bình

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định xu hướng gia tăng ca bệnh đậu mùa khỉ là chắc chắn. Đặc biệt sau khi WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp, các quốc gia sẽ tăng cường giám sát và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán xác định, ca bệnh sẽ tăng lên.

WHO đánh giá tổng thể nguy cơ dịch đậu mùa khỉ trên toàn thế giới ở mức trung bình. Ngoại trừ khu vực châu Âu ở mức cao, các khu vực khác ở mức trung bình. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương gồm cả Việt Nam chỉ ở mức nguy cơ thấp đến trung bình. Đánh giá này dựa trên 3 tiêu chí: độ nặng của bệnh, nguy cơ bệnh xâm nhập và nguy cơ lây truyền trong khu vực.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là việc xuất hiện các ca bệnh có triệu chứng không điển hình. Hiện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả đã được chứng minh cho bệnh nhân đậu mùa khỉ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương.

Các chuyên gia của WHO và Bộ Y tế lưu ý 3 nhóm đối tượng cần theo dõi sát để nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng, gồm trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch.

Còn theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội y học Việt Nam, hiện này 2 nhóm người nguy cơ mắc cao nhất là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán đậu mùa khỉ.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm, cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam; đồng thời kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch cửa khẩu. Như vậy, những hành khách đi từ quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện các ca nghi nhiễm, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán.

Hiện nay mức độ dịch ở Việt Nam vẫn còn thấp, việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc nên chưa áp dụng biện pháp này. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Kính cho rằng cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên vì những ca bệnh này sẽ được đưa vào cách ly tại cơ sở y tế.

Để chuẩn bị cho tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cần sớm đề xuất nhu cầu để chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị; Cục Quản lý Dược tiếp tục tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị đậu mùa khỉ theo khuyến cáo và bảo đảm các nguồn cung ứng các thuốc điều trị nói chung, thuốc điều trị biến chứng... tránh tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế như thời gian qua.

Hiện nay, số ca mắc đậu mùa khỉ đang tăng mạnh trên toàn thế giới, chỉ trong vòng 7 ngày qua, đã có hơn 4.000 ca mắc được ghi nhận, và tổng số ca mắc đến nay là hơn 22.000 ca. Trong đó, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc, Trung Quốc/Đài Loan… đã ghi nhận 62 ca bệnh.

Đặc biệt, các ca bệnh đã xuất hiện ở các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và mới đây nhất là Philippines.

Tin liên quan

Đọc tiếp