Khan hiếm rau diếp khiến KFC ở Australia dùng cải bắp trong burger

Rau quả Australia
16:59 - 07/06/2022
Tình trạng rau diếp khan hiếm khiến KFC ở Australia phải dùng cải bắp để thay thế. Ảnh: EPA-EFE
Tình trạng rau diếp khan hiếm khiến KFC ở Australia phải dùng cải bắp để thay thế. Ảnh: EPA-EFE
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung rau diếp khiến giá cả mặt hàng này đắt đỏ tại Australia, buộc gã khổng lồ thức ăn nhanh KFC phải thay thế bằng bắp cải trong nhân bánh mì kẹp. 

Theo Bloomberg, công ty đồ ăn nhanh KFC tại Australia mới đây đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ dùng bắp cải để thay thế rau diếp trong thực đơn tại các cửa hàng, với lý do chuỗi cung ứng rau diếp bị đứt đoạn sau đợt lũ lụt lớn ở miền đông nước này hồi đầu năm nay.

Người tiêu dùng Australia đang phải chịu mức giá rau diếp - nguyên liệu chính trong món salad - ở mức cao kỷ lục. Một người dân đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc giá các loại thực phẩm tăng vọt, khi phải trả khoảng 12 AUD (8,6 USD)/đầu rau diếp, 25 AUD (18 USD)/quả dưa hấu.

Giá rau diếp cùng các loại thực phẩm tại Australia tăng vọt. Ảnh: Independent

Giá rau diếp cùng các loại thực phẩm tại Australia tăng vọt. Ảnh: Independent

Từ rau diếp cho đến thịt gà, năm 2022 là năm thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng của KFC tại Australia. Đây ít nhất là lần thứ 2 trong năm nay công ty này buộc phải loại bỏ một số nguyên liệu trong các món ăn. Trước đó, hồi tháng 1, gã kinh doanh đồ ăn nhanh này đã phải cắt giảm một số món do tình trạng khan hiếm nguồn cung thịt gà.

Theo Bộ Nông nghiệp và Kinh tế tài nguyên Australia (ABARES), nguyên nhân chính của cú sốc nông sản hiện nay là do các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ lụt. Bên cạnh đó, quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu lao động dai dẳng, cũng như khả năng tiếp cận với các máy móc nhập khẩu quan trọng.

ABARES cũng dự báo: "Trong điều kiện bình thường, giá trái cây và rau quả có xu hướng phục hồi tương đối nhanh và sớm bình ổn trở lại khi việc sản xuất ở các khu vực khác đủ để bù đắp lỗ hổng nguồn cung"

"Tuy nhiên, trong năm 2022-2023, hầu như tất cả các khía cạnh của chuỗi cung ứng đều phải đối mặt với áp lực lạm phát", cơ quan này nói thêm.

Điều này đặt Australia, vốn có lợi thế là một nước xuất khẩu nông sản lớn, chỉ xếp ngang hàng với phần còn lại của thế giới khi chi phí lương thực tăng vọt. Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong nông nghiệp (phân bón và dầu diesel) tăng vọt. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đang ở gần mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, giá trái cây và rau quả ở Australia đã tăng mạnh trong quý đầu tiên năm nay, lần lượt là 4,9% và 6,6%.

Tin liên quan

Đọc tiếp