Khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

TRÁI PHIẾU Việt nAM
23:05 - 19/05/2022
Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững".
Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững".
0:00 / 0:00
0:00
“Đồng tình rằng phải có sự kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nhưng tiền đã vào trong túi doanh nghiệp thì không thể phân biệt ‘đồng này mua mắm, đồng này mua tương’”.

Đó là ý kiến của ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/5.

Doanh nghiệp cần áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế

Theo ông Hoè, sau vụ việc vi phạm về phát hành trái phiếu tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ.

Ông Hoè nêu quan điểm cần phải cân bằng giữa quản lý rủi ro và phát triển thị trường trong bối cảnh Việt Nam đã đặt mục tiêu nguồn vốn từ kênh huy động này đạt 20% GDP vào năm 2025.

Đề cập đến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có nói đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu, theo ông Hoè, cách tiếp cận này cần cân nhắc thêm bởi mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau.

Như ngành thương mại được tài trợ 70% còn 30% là vốn tự có, còn lĩnh vực công nghiệp là 50-50%. “Thực tế vừa qua, có doanh nghiệp bất động sản vay gấp 40 lần vốn chủ sở hữu, rõ ràng rủi ro rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, chứ không nên cào bằng như nhau”, ông Hòe nhấn mạnh.

Cũng theo ý kiến của Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược NHNN, việc kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của từng doanh nghiệp phát hành trái phiếu là khó khả thi. Vì tiền đã vào túi doanh nghiệp, rất khó để phân định việc chi tiêu rõ ràng từng khoản mục. Thay vào đó, cần có lộ trình để doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào đó là biết nguồn vốn của mình đi đâu.

Thị trường trái phiếu bùng nổ thời gian qua và đã có hiện tượng tiêu cực xảy ra, nguyên nhân lớn là do sự mập mờ trong quá trình phát hành. Nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay hoàn toàn thiếu thông tin về tổ chức phát hành bởi chỉ là người mua thứ cấp. Ở cấp sơ cấp, các đại lý phát hành như ngân hàng, công ty chứng khoán… còn mập mờ thông tin khiến người mua hiểu lầm. Vì vậy, cần quy định trách nhiệm cụ thể với các đại lý phát hành trái phiếu. Ông Phạm Xuân Hòe

Với tầm nhìn dài hạn cho thị trường trái phiếu, ông Hoè cho rằng phải có thị trường thứ cấp, được mua đi bán lại. Kèm theo đó, tất cả các công ty đã phát hành trái phiếu phải được yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và chịu trách nhiệm xếp hạng tín nhiệm liên tục.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp cần thiết để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững. Với những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện.

Theo các đại biểu, các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung cần theo hướng sát sao minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai là hoàn toàn đúng đắn, song vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn.

“Siết chặt” tín dụng thì nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ bị ách tắc

Đồng quan điểm với ông Hoè, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho rằng các quy định về việc sử dụng vốn của doanh nghiệp sau phát hành trái phiếu không nhất thiết phải cứng nhắc, đúng mục đích cụ thể vào dự án được đưa ra khi thực hiện phát hành, bởi tiến độ thực hiện một dự án có thể kéo dài từ 3-5 năm. Thay vào đó, doanh nghiệp phải thực hiện kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế; nhà đầu tư, cơ quan công quyền chỉ cần căn cứ vào đó là có thể nắm được cơ chế sử dụng vốn từ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước đang siết dần tín dụng ngân hàng vào bất động sản theo lộ trình đến cuối năm tới sẽ giảm còn 30% GDP. Từ 2017 đến nay, các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm nguồn vốn thay thế nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất mạnh. Tuy nhiên sau vụ việc sai phạm tại Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp đang cảm thấy sức ép rất lớn khi khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo ông Châu, đối với doanh nghiệp bất động sản, hai kênh huy động vốn rất quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi các ngân hàng bắt đầu hạn chế cho vay bất động sản thì phát hành trái phiếu nên là nguồn thay thế hiệu quả. Nhưng kênh này cũng bị quản chặt sau các lùm xùm sai phạm vừa qua, nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ gặp những ách tắc nhất định.

Đến hết tháng 3 năm nay, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP; trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tương đương 14,8% GDP.

Những tác động đến hoạt động M&A

Bàn về mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng nêu những kiến nghị rằng quy định còn một số bất cập. Hiện tại, Dự thảo 5 Nghị định sửa đổi 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Theo ông Tuấn, những quy định này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và ảnh hưởng hoạt động M&A (Mua bán sáp nhập); không phù hợp với nguyên tắc quản trị tập đoàn - công ty mẹ có uy tín đảm nhận việc phát hành trái phiếu sau cho công ty con (công ty dự án).

Ông Đậu Anh Tuấn tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Ông Đậu Anh Tuấn tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, những quy định như 3 điều kiện với tổ chức phát hành (kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dư nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu); nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán…cần được cân nhắc thêm. Các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ; từ đó chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn…

"HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐANG QUÁ SỨC"

Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn (45-50%). Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng. Vấn đề là cần điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.

Để lành mạnh hóa thị trường, TS Lực cho rằng, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. Đồng thời cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp: Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.

Ts Cấn Văn Lực
Ts Cấn Văn Lực

Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành; tăng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành (quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành…); hoàn thiện hạ tầng thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp, khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường…

Tin liên quan

Đọc tiếp