Khoảng 4.000 đến 6.000 tỷ USD giá trị cơ hội thị trường từ kinh doanh bền vững

VCSF 2021 KINH DOANH
20:08 - 09/12/2021
Tổng thư ký VCCI: Các doanh nghiệp hãy chuyển đổi tư duy một cách hệ thống và xem xét đường dài về chiến lược.
Tổng thư ký VCCI: Các doanh nghiệp hãy chuyển đổi tư duy một cách hệ thống và xem xét đường dài về chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021), sáng 09/12.

"Hơn ai hết, doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất về “trong nguy có cơ” và đâu là cơ hội từ phát triển kinh doanh bền vững. Để chớp lấy cơ hội này, việc cần làm nhất đối với các doanh nghiệp là chuyển đổi tư duy hệ thống”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Dẫn nội dung báo cáo của Hội đồng kinh doanh và phát triển bền vững Liên Hợp quốc với thông điệp “kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn”, ông Vinh cho biết đối với kinh tế tuần hoàn, hàng năm có khoảng 4.000 – 6.000 tỷ USD giá trị cơ hội thị trường và đi cùng với đó là hàng triệu công ăn việc làm mới và hàng nghìn mô hình kinh doanh mới sẽ được tạo ra. Như vậy, cơ hội kinh doanh bền vững là cơ hội tạo ra giá trị mới cho xã hội.

Tổng thư ký VCCI cho biết, những doanh nghiệp đạt top 10 bộ CSI doanh nghiệp bền vững 2021 là những doanh nghiệp thực hiện tốt thông lệ kinh doanh có trách nhiệm, quan tâm đến người lao động, đến quyền trẻ em và duy trì những mối quan hệ hài hòa.

"Đồng thời đây cũng chính là những doanh nghiệp có khả năng chống chịu cao nhất trong thời gian khủng hoảng COVID-19", ông Vinh nói.

Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021), sáng 9/12
Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021), sáng 9/12

Chia sẻ về những chương trình, dự án liên quan đến tài chính “xanh” và đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những nguồn vốn này, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính, Điều phối viên Chương trình Tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, xu hướng phát triển bền vững đang nổi lên trên toàn cầu.

Trong một báo cáo gần đây của Liên minh đầu tư bền vững toàn cầu đã nói đến nguồn đầu tư bền vững thế giới đạt mốc 54 tỷ USD. Việc phát triển các mô hình kinh tế “xanh” đã nhiều hơn 35 lần so với trước đây.

Ảnh tác giả

"WB có nhiều sáng kiến, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực tài chính 'xanh' và có thể tăng cường hơn nữa cho Việt Nam bằng việc giới thiệu các tiêu chuẩn quốc tế và gợi mở những cơ hội phát triển".

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Điều phối Chương trình Tài chính của WB tại Việt Nam

Theo ông Ketut Ariadi Kusuma, trong tương lai, các doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội sẽ có tính chống chịu, nguồn lực và khả năng tăng trưởng tốt hơn những doanh nghiệp còn lại.

Việc quản trị kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp sẽ tạo ra cơ hội thu hút vốn, hút nguồn lực tốt hơn và WB cũng luôn hướng tới câu hỏi “làm sao để tăng cường đầu tư bền vững đối với những doanh nghiệp quan tâm đến phát triển xã hội, bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.

“Chính phủ có thể tăng cường hiệu ứng lan tỏa xu hướng phát triển bền vững bằng cách xây dựng các khu công nghiệp "xanh", xem xét các công cụ trái phiếu 'xanh', tín dụng 'xanh', xây dựng các báo cáo bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút hơn về mặt tài chính, công bố thông tin và là công cụ đo lường hiệu quả hơn”, chuyên gia tài chính cao cấp của WB khuyến nghị.

Kinh doanh bền vững là công cụ đưa các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình tại diễn đàn, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé đã đưa ra những cam kết cụ thể: trung hòa carbon, 100% dùng bao bì nhựa giấy vào năm 2025, 100% dùng năng lượng tái tạo trong sản xuất và những cam kết hỗ trợ cho người lao động và cho cộng đồng xã hội.

Ảnh tác giả

"Nestlé sẽ hợp tác cùng các tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên hướng tới nền xây dựng nền tảng cà phê bền vững".

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam

“Cũng như các ngành nghề khác, COVID-19 khiến công ty chúng tôi bị khủng hoảng lực lượng lao động và các vấn đề an toàn sản xuất. Nhưng chúng tôi đã tìm ra giải pháp tập trung vào các giá trị mới, ưu tiên quan tâm an ninh an toàn cho người lao động, đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng, trong đó phát triển bền vững luôn là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi”, ông Binu Jacob chia sẻ.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) cũng có những chia sẻ về khả năng phục hồi của doanh nghiệp nhờ kinh doanh bền vững.

Bà Ngọc cho biết, ngành hàng không bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh, trong thời gian gần như không hoạt động nhưng SASCO vẫn chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần và vật chất người lao động. Đồng thời, SASCO cũng tham gia hỗ trợ và phục vụ bữa ăn cho hơn 1 triệu bữa ăn cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại các bệnh viện theo chương trình của UBND TP.HCM, hỗ trợ các cháu mồ côi do COVID-19…

Ảnh tác giả

“Việc theo đuổi từ sớm mô hình kinh doanh bền vững đã đưa SASCO vượt qua được thời gian khó khăn vừa qua, nhận được sự tín nhiệm của khách hàng và cộng đồng. Từ đó, có thể nâng cao quyết tâm phục hồi vững vàng và phát triển bền vững trong tương lai”.

Bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc SASCO

Là một doanh nghiệp sớm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững từ năm 1992, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khẳng định, PNJ đã sớm chú trọng đến các chỉ số đo lường, tìm cách giảm chất thải ảnh hưởng đến môi trường, có chiến lược phát triển lâu dài cho đội ngũ công nhân, hướng tới khách hàng trong lợi ích xã hội, quan tâm đến trẻ em mồ côi… đi đầu trong các hoạt động xã hội, ủng hộ thiên tai, dịch COVID-19.

Ảnh tác giả

“Thực chất, chủ động và tầm nhìn dài hạn là ba từ cốt lõi trong chiến lược kinh doanh bền vững của PNJ”.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ

Trong 4 tháng không hoạt động, PNJ vẫn đảm bảo đời sống lao động, không cắt lương, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và gia đình họ… Kết quả là nguồn vốn xã hội và tín nhiệm của cộng đồng xã hội cho PNJ đã tăng lên. Đây chính là động lực để chúng tôi vượt qua khủng hoảng”, bà Dung chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp