Khối ngoại dứt chuỗi mua ròng, cổ phiếu của Phát Đạt lại tăng trần

Phát Đạt VN INDEX
16:09 - 22/12/2022
Nhóm bất động sản và xây dựng giao dịch tích cực.
Nhóm bất động sản và xây dựng giao dịch tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Sự thận trọng vẫn đang chiếm lĩnh thị trường khiến thanh khoản giảm sút. Nhờ sự đứng vững của hai nhóm trụ cột là ngân hàng và bất động sản nên VN-Index vẫn có một phiên tăng điểm. Khối ngoại dứt chuỗi mua ròng.

Kết phiên, VN-Index tăng gần 4 điểm lên mốc 1.022,61 điểm. HNX-Index tăng 1,3 điểm lên mốc 205,79 điểm; UPCoM tăng 0,13 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.000 tỷ đồng khi bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, chấm dứt chuỗi ngày mua ròng miệt mài từ giữa tháng 11 đến nay.

Tuy nhiên, lực bán ròng chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận ở EIB với giá trị bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng theo phương thức thỏa thuận. Trong phiên hôm qua, cổ phiếu của Eximbank được mua ròng hơn 1.000 đồng, cũng theo thỏa thuận. Đây có thể là các giao dịch của các cổ đông lớn ngân hàng. Như vậy, nếu trừ đi giao dịch của EIB thì khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng.

Mã bị khối ngoại bán ròng mạnh thứ hai là DXG, giá trị chỉ gần 14 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất gần 69 tỷ đồng, tiếp sau là VHM 38 tỷ đồng, NVL 26 tỷ đồng, SSI 25 tỷ đồng, CTG 24 tỷ đồng, DGC 24 tỷ đồng…

VN30 diễn biến tích cực hơn VN-Index với mức tăng hơn 5 điểm. Đóng góp tích cực nhất là VPB với mức tăng 4,5%. Các bluechip ngân hàng khác cũng diễn biến khả quan như TPB +3,5%, BID +1%, MBB +1,7%, VIB +1,3%, VCB +0,8%...

Bên cạnh đó là sự đóng góp của các bluechip từ nhóm bất động sản. KDH và PDR tăng trần. Sau vài phiên điều chỉnh, PDR của Bất động sản Phát Đạt lại cạn cung và dư cầu. Cổ phiếu này kết phiên ở mức giá 12.800 đồng. Đây vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Ở vùng giá thấp, ông Lê Quang Phúc - Thành viên HĐQT Phát Đạt vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu PDR với mục đích đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương pháp khớp lệnh/thỏa thuận từ ngày 27/12/2022 đến ngày 25/1/2023 và dự kiến sẽ nâng sở hữu của ông Phúc tại PDR lên 3,56 triệu cổ phần, tương đương 0,53% vốn điều lệ công ty này. Ông Phúc là lãnh đạo thứ 3 của Phát Đạt đăng ký mua cổ phiếu trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Ngược lại, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt lại liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Mới đây nhất, ông Đạt bị Chứng khoán SSI bán giải chấp 3,519 triệu cổ phiếu bằng phương pháp khớp lệnh phiên 21/12, qua đó hạ sở hữu của ông Đạt xuống còn 288,5 triệu cổ phần, tương đương 42,95% vốn điều lệ.

Không chỉ PDR, NVL sau phiên nằm sàn hôm qua cũng đã trở lại sắc xanh, kết phiên ở vùng giá 15.500 đồng. VHM, VIC đều kết phiên ở chiều tăng giá dù biên độ thay đổi không lớn.

Dòng tiền vào các cổ phiếu lớn giúp nhóm ngân hàng và bất động sản trở thành trụ cột chính cho chỉ số. Nhóm ngân hàng tăng 1,1% vốn hóa. Ngoài bluechips, đa số các mã cũng đóng cửa với giá trị tăng hơn. Đáng chú ý là KLB tăng trần.

Cổ phiếu của Kiên Long Bank thời gian qua giao dịch khá giật cục, tức liên tục tăng giảm với biên độ lớn. Trong khi nhóm ngân hàng phục hồi tốt thì KLB lại có xu hướng đi xuống trong giai đoạn từ đầu tháng 12 đến nay, giảm 29% từ vùng giá 17.000 đồng xuống 12.000 đồng. Còn so với mức đỉnh 39.000 đồng hồi tháng 3/2022 thì này đã “bốc hơi” gần 70% giá trị.

Tại nhóm ngân hàng hôm nay, nhiều mã nhỏ khác cũng tăng tốt như ABB, BVB, LPB, PGB, OCB… Ngược lại, có 4 mã ở chiều giảm là EIB, SGB, STB, VAB.

Bên cạnh 2 nhóm trụ cột, VN-Index còn nhận được lực đỡ từ dòng tiền vào các nhóm dầu khí, nhựa hóa chất, xây dựng, bán lẻ, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chứng khoán. Biên độ dao động của các nhóm này đều không lớn. Trong khi đó, các nhóm ghi nhận tiền ra mạnh hơn vào là thủy sản, vật liệu xây dựng, vận tải kho bãi, nông nghiệp; nhưng tỷ lệ thay đổi cũng không đáng kể.

Về tín hiệu kỹ thuật, trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index hình thành mẫu hình nến gần giống Bullish Harami cho thấy tình hình không quá bi quan. Chỉ số đang chuẩn bị test lại đường SMA 50 ngày (1.013 điểm). Nếu ngưỡng này bị phá vỡ thì đà giảm dài hạn sẽ quay trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.