Khối tài sản riêng của Nữ hoàng Anh ra sao sau khi bà qua đời

Hoàng gia ảnh
09:18 - 17/09/2022
Nữ hoàng Anh sở hữu khối tài sản riêng trị giá 500 triệu USD. Ảnh: Getty Images
Nữ hoàng Anh sở hữu khối tài sản riêng trị giá 500 triệu USD. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ngày 8/9 vừa qua tại lâu đài Balmoral, một khu bất động sản của bà tại Scotland. Theo Forbes, lâu đài này nằm trong khối tài sản cá nhân trị giá khoảng 500 triệu USD của Nữ hoàng sau 70 năm trị vị Vương quốc Anh.

Theo Fortune, phần lớn khối tài sản của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được trao lại cho Vua Charles III sau khi bà qua đời. Mặc dù điều đó có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, tài sản của Nữ hoàng và những gì sẽ xảy ra với chúng sau khi bà qua đời phức tạp hơn bình thường.

Trên thực tế, phần lớn tài sản được cho là thuộc sở hữu của Nữ hoàng thực sự thuộc về Công ty Hoàng gia (Monarchy PLC) – một đế chế trị giá 28 tỷ USD mà các thành viên Hoàng gia Anh như Vua George VI (cha của Nữ hoàng) hay Hoàng thân Philip (chồng của Nữ hoàng) từng gọi là "doanh nghiệp gia đình".

Các thành viên Hoàng gia Anh. Ảnh: CNBC

Các thành viên Hoàng gia Anh. Ảnh: CNBC

Thu nhập của Nữ hoàng Anh đến từ đâu?

Thu nhập của Nữ hoàng thông qua một quỹ ngân sách được gọi là Trợ cấp Hoàng gia (Sovereign Grant), được trả hàng năm cho các thành viên Hoàng gia Anh.

Quỹ này bắt nguồn một thỏa thuận dưới thời Vua George III về việc từ bỏ khoản thu nhập của mình từ Nghị viện Anh để nhận một khoản trợ cấp cố định hàng năm cho bản thân và các thế hệ tương lai trong gia đình hoàng gia. Khoản tiền này ban đầu được gọi là Tiền nghị viện cấp cho nhà vua Anh (Civil List), sau đó đổi thành Trợ cấp Hoàng gia (Sovereign Grant) từ năm 2012.

Cung điện Buckingham trị giá 4,9 tỷ USD. Ảnh: AP

Cung điện Buckingham trị giá 4,9 tỷ USD. Ảnh: AP

Số tiền trợ cấp này được ấn định là hơn 86 triệu Bảng Anh (gần 100 triệu USD) vào năm 2021 và 2022. Khoản tiền trên được phân bổ cho việc đi lại, bảo trì tài sản và chi phí vận hành hay bảo trì Điện Buckingham - dinh thự của Nữ hoàng.

Tuy nhiên, tài sản của Nữ hoàng không chỉ đến từ khoản trợ cấp hàng năm.

Monarchy PLC – Đế chế trị giá 28 tỷ USD

Tập đoàn Hoàng gia (Monarchy PLC) là một nhóm gồm các thành viên cấp cao và gương mặt đại diện của Hoàng tộc Windsor, dòng tộc trị vì mà Nữ hoàng là người đứng đầu và khi bà qua đời thì vua Charles III kế vị. Họ cùng nhau vận hành một thực thể gọi là đế chế kinh doanh toàn cầu, bơm hàng trăm triệu USD vào nền kinh tế Anh mỗi năm thông qua các sự kiện truyền hình và du lịch.

Nữ hoàng và 7 thành viên hoàng gia khác là thành viên của Tập đoàn, gồm Thái tử Charles (hiện là Vua Charles III) và Vương hậu Camilla, vợ chồng Thái tử William; Công chúa Anne, con gái Nữ hoàng và Hoàng tử Edward, con trai út của Nữ hoàng và vợ ông, Sophie, Nữ bá tước xứ Wessex.

Tính đến năm 2021, Tập đoàn Hoàng gia nắm giữ khoảng 28 tỷ USD bất động sản, theo Forbes.

Ngoài ra, các thành viên không thu lợi nhuận cá nhân từ các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoàng gia. Thay vào đó, mục đích của tập đoàn này là thúc đẩy nền kinh tế Anh thông qua hiệu ứng truyền thông và Royal Warrant (bảo đảm hoàng gia) - một loại chứng chỉ được phong tặng cho những thương nhân chuyên cung cấp hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho Hoàng gia.

Crown Estate là tập hợp các bất động sản và vùng đất thuộc về chế độ quân chủ Anh do Nữ hoàng Elizabeth II nắm giữ. Tuy nhiên, nó không phải tài sản riêng của bà, mà được điều hành bởi một hội đồng công cộng bán độc lập. Hồi tháng 6, Crown Estate đã công bố lợi nhuận 312,7 triệu USD cho năm tài chính 2021-2022, cao hơn 43 triệu USD so với năm trước đó.

Thu nhập từ Trợ cấp Hoàng gia cũng đến từ lợi nhuận mà Crown Estate mang lại, ban đầu là 15%. Khoản tiền đã tăng lên 25% trong giai đoạn 2017 – 2018 để hỗ trợ việc tân trang Cung điện Buckingham và dự kiến sẽ giảm xuống 15% vào năm 2028.

Quỹ trợ cấp cũng được dùng để chi trả cho các chi phí chính thức như trả lương nhân viên, an ninh, đi lại, dọn phòng hay bảo trì. Tuy nhiên, các chi phí cá nhân của Nữ hoàng cũng như gia đình bà được chi trả thông qua một quỹ trợ cấp riêng mang tên Privy Purse.

Khối tài sản riêng của Nữ hoàng

Theo Business Insider Forbes, Nữ hoàng Elizabeth II có khoảng 500 triệu USD tài sản cá nhân, phần lớn đến từ các khoản đầu tư, các bộ sưu tập nghệ thuật, trang sức và bất động sản, bao gồm dinh thự Sandringham và Lâu đài Balmoral.

Lâu đài Balmoral ở Scotland, một trong những tài sản riêng của Nữ hoàng Anh, rộng hơn 20.000 ha, giá trị ước tính khoảng 130 triệu USD. Ảnh: Getty Images
Lâu đài Balmoral ở Scotland, một trong những tài sản riêng của Nữ hoàng Anh, rộng hơn 20.000 ha, giá trị ước tính khoảng 130 triệu USD. Ảnh: Getty Images

Nữ hoàng cũng được thừa kế gần 70 triệu USD từ Thái hậu Elizabeth khi bà qua đời năm 2002, gồm các khoản đầu tư vào tranh, bộ sưu tập tem, đồ sành sứ, đồ trang sức, ngựa và bộ sưu tập trứng Faberge quý hiếm. Những bức tranh trong bộ sưu tập bao gồm các tác phẩm của Monet, Nash và Carl Fabergé.

Bây giờ, khi Nữ hoàng đã qua đời, phần lớn tài sản cá nhân của bà sẽ được vua Charles III trực tiếp kế thừa. Có một điều khoản pháp lý đặc biệt ở Vương quốc Anh, ra đời năm 1993, cho phép Nữ hoàng được miễn trừ, không phải trả thuế thừa kế với di sản mẹ mình để lại. Điều khoản này cũng sẽ được áp dụng cho Vua Charles III.

Tuy nhiên, Vua Charles III sẽ không trực tiếp thừa kế Công ty Hoàng gia – đế chế 28 tỷ USD, mà chỉ nhận được những tài sản cá nhân được chỉ định cụ thể cho ông.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.