Khơi thông nguồn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp xanh

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
22:05 - 13/04/2022
Khơi thông nguồn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp xanh
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ là xu hướng chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. Điều này đặt cả các doanh nghiệp nông nghiệp và các nhà quản lý chính sách nông nghiệp trước sức ép phải thay đổi cách nghĩ và cách làm. 

Đối diện với nhiệm vụ phải đưa ngành nông nghiệp chuyển đổi sang phương thức kinh doanh xanh, bền vững hơn để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiến mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Khơi thông nguồn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ tại Diễn đàn sáng 13/4 về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết: "Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ”.

Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện tại, nông nghiệp đang là trụ cột quan trọng, đảm bảo sinh kế cho 60% dân số khu vực nông thôn và đóng góp khoảng 15% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nêu ra một số thách thức lớn đối với ngành hiện nay như yêu cầu về giảm phát thải, về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp và chú trọng vào nông hộ nhỏ.

"Để có thể tham gia vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta cần phải có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Điều này sẽ đòi hỏi những cải cách chính sách quản lý sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, đặc biệt là đối với hai lĩnh vực có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.

Diễn đàn về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh

Diễn đàn về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển hệ thống thực phẩm và nông nghiệp xanh

Ngành nông nghiệp, nông thôn không chỉ là một trong những khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu mà cũng còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kế. Con số kiểm kê chính thức từ năm 2016 cho thấy, sản xuất nông nghiệp chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Do đó, Bộ NN&PTNT đang triển khai Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm kế hoạch “Giảm phát thải khí metan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.

Ảnh tác giả

“Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Khuyến cáo của các đối tác quốc tế

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng những giải pháp giảm thiểu carbon sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng phương thức kinh doanh xanh hơn, sạch hơn.

Theo IFC, nếu xem xét toàn bộ hành trình “từ nông trại đến bàn ăn”, nghĩa là bao gồm sản xuất trồng trọt, chế biến thực phẩm, phân phối và tiêu thụ thì ngành sản xuất thực phẩm tiêu thụ 30% tổng mức năng lượng toàn cầu. Do đó, ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm là trọng tâm của nỗ lực khử carbon trên toàn cầu.

Ông Alfonso Garcia Mora đưa ra lời khuyên rằng ngành thực phẩm và nông nghiệp của Việt Nam nên phát triển theo hướng ngày càng vận dụng kiến thức chuyên môn và gia tăng giá trị hơn là theo hướng thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.

Ảnh tác giả

“IFC và Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp trong việc triển khai chương trình mới và thực hiện các khuyến khích việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường, cải cách để triển khai các giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế”.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Theo ông Alfonso Garcia Mora, đối với nền nông nghiệp Việt Nam nơi các nông trại quy mô nhỏ chiếm ưu thế, việc hợp tác giữa các hợp tác xã, các công ty đầu ngành và các nông trại quy mô nhỏ để gia tăng quy mô nền sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ bền vững sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi.

Ý kiến của các doanh nghiệp nông nghiệp: Vẫn còn những khoảng trống

Một trong những doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn bày tỏ mong muốn được hỗ trợ nâng cao năng lực hạch toán carbon, đại diện của Olam Rice chia sẻ, công ty đã thúc đẩy nông dân giảm 10% phân bón đầu vào và từ đó giúp họ tăng thu nhập và tăng giá trị xuất khẩu.

“Nhưng vẫn có những khoảng trống trong sản xuất lúa gạo như việc, làm cách nào để người nông dân có thể được đào tạo và được áp dụng khoa học công nghệ bền vững... liên quan đến tín chỉ carbon cần có các biện pháp đo lường cụ thể để có kế hoạch cắt giảm chi tiết”, đại diện tổ chức này phát biểu.

Olam Rice đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể đóng góp giảm 15% phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng mà công ty tham gia với các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trên chặng đường hướng đến mục tiêu giảm thải carbon, Olam cũng gặp những khó khăn đến từ sự hoài nghi của người nông dân.

"Họ lo ngại giảm phân bón hay canh tác theo kiểu mới sẽ giảm năng suất cây trồng, nguy cơ thua lỗ. Do vậy, công ty cũng rất muốn được tiếp cận với những cơ chế, dự án hợp tác rộng mở hơn nữa để thuyết phục được người sản xuất và thay đổi tư duy của họ”, đại diện Olam đề xuất.

Cần cơ chế thúc đẩy khu vực tư nhân giảm phát thải ròng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Cần cơ chế thúc đẩy khu vực tư nhân giảm phát thải ròng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Với góc nhìn của một doanh nghiệp thuần Việt thuần sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Thúy, đại diện Pan Group cho biết, Pan Group và các công ty thành viên đều có ý thức trong việc giảm phát thải ròng, phát triển bền vững.

Nhưng trong quá trình thực hiện, Pan Group cũng gặp trở ngại về công cụ đo lường, đánh giá để có thể định vị hệ thống hiện nay của công ty đang đạt ở mức độ nào để có phương án cải thiện và mục tiêu sắp tới.

Phát sinh chất thải C02 ở Pan Group bao gồm 3 nguồn chính: Từ sử dụng năng lượng, nuôi thủy sản và sử dụng phân bón. Trong 3 nhân tố đó, Pan mới chỉ tính toán được ở lĩnh vực sử dụng năng lượng, còn trong lĩnh vực nuôi trồng thì chưa đủ kỹ thuật để đo lường chính xác.

Bà Thúy cho biết, Pan Group đã lắp đặt được những hệ thống năng lượng mặt trời ở các nhà máy gạo, hạt điều, bánh kẹo, nước mắm…, cải tiến nuôi trồng thủy sản để lượng thức ăn được tiêu thụ ở mức tối đa và tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường; giảm sử dụng hóa chất, phân bón trong trồng trọt đưa ra những sản phẩm có tính bảo vệ môi trường cao, thực hiện nhiều dự án trồng rừng nhỏ lẻ.

Ảnh tác giả

"Vấn đề thực hiện cần đến từ 3 cấp: Nhà nước - doanh nghiệp – nông dân. Dưới góc độ của doanh nghiệp, Pan Group rất cần các cơ chế và các nguồn lực hợp tác khác"

Bà Nguyễn Ngọc Thúy, đại diện Tập đoàn Pan Group

“Tuy nhiên những hoạt động này đều là những việc làm ‘tự thân’ của Pan Group mà chưa được tiếp cận nhiều với những chương trình lớn hay các quỹ thỏa thuận carbon trong nông nghiệp”, bà Nguyễn Ngọc Thúy, đại diện Tập đoàn Pan Group cho biết.

“Các chính sách của Chính phủ tương đối cập nhật với xu hướng quốc tế và cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 nhưng vấn đề thực hiện cần đến từ 3 cấp: Nhà nước - doanh nghiệp – nông dân. Dưới góc độ doanh nghiệp, Pan Group rất cần các cơ chế và các nguồn lực hợp tác khác”, bà Thúy bày tỏ nguyện vọng.

Cần có chính sách thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân

Bàn về vấn đề các chính sách và cơ chế thúc đẩy khu vực tư nhân giảm phát thải ròng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bà Lê Hoàng Anh, đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay ở những nước phát triển, khối vực tư nhân tham gia vào giảm thiểu carbon rất là lớn, đặc biệt được hỗ trợ bằng nhiều chính sách, chương trình khác nhau.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này còn nhiều hạn chế. Một số ít doanh nghiệp đã hướng tới chuyển đổi sản xuất bền vững, nông sản sạch, giảm thiểu carbon, đảm bảo uy tín trao đổi hàng hóa quốc tế của Việt Nam.

Các giải pháp giảm thiểu carbon của Việt Nam đang gắn nhiều với năng lượng chứ chưa gắn trực tiếp vào nông nghiệp. Đây là điều cần lưu ý trong việc thiết kế các chương trình, dự án hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và IFC.

“Bên cạnh đó, mức độ áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đồng bộ. Do đó, cần có các chương trình hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ, thúc đẩy khối tư nhân Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào việc giảm phát thải carbon trong nông nghiệp”, bà Hoàng Anh nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp