Khủng hoảng tại Sri Lanka: Từ bất ổn kinh tế đến bạo loạn lật đổ

KINH TẾ Sri Lanka
15:40 - 13/07/2022
Hàng nghìn người Sri Lanka tham gia biểu tình. Ảnh: Twitter @Trudeaus_Ego
Hàng nghìn người Sri Lanka tham gia biểu tình. Ảnh: Twitter @Trudeaus_Ego
0:00 / 0:00
0:00
Sri Lanka, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã thổi bùng làn sóng bạo loạn, biểu tình, lật đổ tổng thống và dẫn đến sự ra đi của hàng loạt quan chức chính phủ.

Dưới đây là diễn biến toàn cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sri Lanka thời gian qua:

Ngày 1/4: Tình trạng khẩn cấp: Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp tạm thời, cho phép triển khai quân đội hỗ trợ cảnh sát đảm bảo trật tự sau một loạt các cuộc biểu tình vì kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Ngày 3/4: Nội các từ chức: Gần như toàn bộ nội các của Sri Lanka đã đệ đơn từ chức trong cuộc họp nội các vào đêm muộn, khiến anh em nhà Tổng thống Gotabaya Rajapaska và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa bị cô lập. Đến ngày hôm sau, Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka cùng 26 bộ trưởng khác đã đồng loạt từ chức.

Ngày 5/4: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa mất đa số ủng hộ: Những khó khăn của chính quyền Tổng thống Gotabaya càng trở nên chồng chất hơn khi Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry – hôm 5/4 cũng từ chức, chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này. Tổng thống Gotabaya cùng ngày đã mất đa số ủng hộ trong quốc hội, trong khi các thành viên nghị viện thúc giục ông từ chức.

Người dân Sri Lanka rơi vào cảnh thiếu thốn các hàng hóa thiết yếu như lương thực, nhiên liệu, thuốc men. Ảnh: Reuters

Người dân Sri Lanka rơi vào cảnh thiếu thốn các hàng hóa thiết yếu như lương thực, nhiên liệu, thuốc men. Ảnh: Reuters

Ngày 10/4: Tình trạng thiếu thuốc men: Hiệp hội Y học Sri Lanka thông báo tất cả bệnh viện ở nước này gần như không còn thuốc, không thể tiếp cận nguồn thiết bị y tế nhập khẩu. Cơ quan này cảnh báo tình trạng này có thể khiến nhiều người dân thiệt mạng hơn so với thời kỳ dịch Covid-19.

Ngày 12/4: Vỡ nợ nước ngoài: Chính phủ Sri Lanka tuyên bố không còn khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh đây là “phương án cuối cùng” sau khi quốc gia này cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu hàng thiết yếu.

Sự phẫn nộ của người dân đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại Sri Lanka. Ảnh: AP

Sự phẫn nộ của người dân đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại Sri Lanka. Ảnh: AP

Ngày 19/4: Ghi nhận thương vong đầu tiên do biểu tình: Cảnh sát Sri Lanka đã nổ súng vào đoàn người biểu tình vì giá nhiên liệu đắt đỏ, khiến 1 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

Ngày 9/5: Đụng độ leo thang: Một cuộc đụng độ đã xảy ra giữa những người ủng hộ chính phủ và những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cảnh sát Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn tại thủ đô Colombo.

Thủ tướng Mahinda Rajapaksa cùng ngày đệ đơn từ chức và phải được quân đội giải cứu sau khi hàng nghìn người biểu tình bao vây dinh thự của ông. Người đảm nhận cương vị Thủ tướng Sri Lanka tiếp theo là ông Ranil Wickremesinghe, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và rời khỏi đất nước sau khi bạo loạn xảy ra. Ảnh: AP

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và rời khỏi đất nước sau khi bạo loạn xảy ra. Ảnh: AP

Ngày 10/5: Binh sĩ được phép bắn bất kỳ ai gây gây bạo động: Bộ Quốc phòng Sri Lanka tuyên bố quân đội “được lệnh xử bắn ngay lập tức bất kỳ ai cướp bóc tài sản hoặc gây nguy hại đến tính mạng người khác".

Ngày 10/6: “Tình trạng khẩn cấp nhân đạo”: Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng Sri Lanka đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng triệu người cần viện trợ. Hơn 3/4 dân số nước này phải cắt giảm lượng thức ăn do tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Ngày 27/6: Ngừng bán nhiên liệu: Chính phủ Sri Lanka thông báo tạm ngừng bán mọi loại nhiên liệu trong hai tuần, trừ nhiên liệu phục vụ các dịch vụ thiết yếu do dự trữ quốc gia chỉ còn chưa đầy 1 ngày sử dụng.

Ngày 5/7: Sri Lanka ghi nhận lạm phát phi mã lên 54,6%: Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đã vỡ nợ và cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có này có thể kéo dài tới cuối năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tuyên bố tăng lãi suất trong lần công bố chính sách vào ngày 7/7 để kiềm chế giá cả. Quốc gia này cũng thông báo ngừng in tiền để đối phó lạm phát.

Cuộc biểu tình hôm 9/7 tại Sri Lanka. Nguồn: Twitter @ davenewworld_2

Ngày 9/7: Phủ Tổng thống Sri Lanka thất thủ: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa buộc phải rời khỏi dinh thự ở thủ đô Colombo với sự hỗ trợ của quân đội, ngay trước khi làn sóng người biểu tình tràn vào khu nhà ông.

Hàng nghìn người biểu tình tràn ra các con phố ở thủ đô Colombo, xông vào phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và phóng hỏa tư dinh của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, nhằm bày tỏ bất bình trước năng lực quản lý yếu kém, khiến đất nước tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.

Người biểu tình nô đùa tại bể bơi tòa nhà tổng thống Sri Lanka. Nguồn: Twitter @ Daily Mirror

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cùng ngày tuyên bố sẽ rời khỏi nhiệm sở khi nào chính phủ mới được thành lập, trong khi Tổng thống Gotabaya thông báo sẽ từ chức vào ngày 13/7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

Ngày 13/7: Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng vợ và vệ sĩ đã bay đến thành phố Male, thủ đô của Maldives, trên chiếc máy bay quân sự Antonov-32, vào ngày 13/7. Quyết định rời khỏi đất nước của ông được thực hiện chỉ vài ngày sau khi bạo loạn xảy ra tại dinh thự của ông.

Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka cùng ngày ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm giải quyết tình hình trong nước. Ngay lúc này, Sri Lanka đang chứng kiến khoảng trống quyền lực về chính trị, bất ổn về kinh tế và xã hội.

Nguồn cơn của cuộc bạo loạn tại Sri Lanka

Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch (du lịch và khai thác cảng biển chiếm 59,2% GDP), Sri Lanka đã lâm vào khủng hoảng khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, tác động của xung đột Nga – Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát gia tăng, đã khiến hệ thống tài chính của Sri Lanka gần như sụp đổ.

Tuy nhiên, mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính tại quốc gia Nam Á này vốn bắt nguồn từ sự sai lầm trong các quyết sách, từ việc vay hàng loạt để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, cho đến chính sách cắt giảm thuế khiến ngân sách chính phủ bị thâm hụt nghiêm trọng. Nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã giảm 2/3, buộc Colombo phải tiếp tục dựa vào các khoản vay ngoại tệ để chi tiêu.

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng vỡ nợ của Sri Lanka là chính sách sai lầm về nông nghiệp. Vốn là quốc gia tập trung vào các cây trồng xuất khẩu như trà, cà phê và cao su, nhưng vào tháng 4 năm ngoái, chính phủ nước này đã ban lệnh cấm nhập khẩu phân bón.

Người biểu tình nằm dài trong dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Người biểu tình nằm dài trong dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Mặc dù chính sách này nhanh chóng thất bại và bị hủy bỏ vào tháng 11, nhưng hậu quả là khiến nền nông nghiệp Sri Lanka suy thoái chưa từng thấy. Từ một nước có khả năng tự cung tự cấp gạo và lương thực, Sri Lanka nhanh chóng trở thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài.

Theo các chuyên gia, lạm phát tại quốc gia này có thể đạt kỷ lục 70% vào những tháng tới, khiến cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn và thiếu thốn hơn. Trong khi đó, sự giận dữ và bất mãn trong xã hội đã thổi bùng các cuộc biểu tình, bạo loạn và gây ra làn sóng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Ngay cả khi lật đổ chính phủ cũ, nhưng những người tiếp theo lên nắm quyền tại quốc gia này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hy vọng chính phủ Sri Lanka sẽ đạt được một giải pháp cho tình trạng bất ổn chính trị hiện nay để họ có thể nối lại đàm phán cứu trợ cho quốc gia này.

Tin liên quan

Đọc tiếp