Khủng hoảng tại Ukraine đe dọa nguồn cung chip thế giới

Bán dẫn THẾ GIỚI
20:32 - 14/03/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà cung cấp khí neon hàng đầu của Ukraine – nguyên liệu quan trọng cho sản xuất chip - đã phải tạm dừng hoạt động do các đợt tấn công của Nga, tạo ra nguy cơ tăng giá và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn.

Khí neon là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất thép của Nga. Khí neon cũng được sử dụng trong phẫu thuật mắt bằng laser.

Theo Reuters và công ty nghiên cứu thị trường Techcet, khoảng 45% đến 54% sản lượng khí neon bán dẫn trên thế giới được sản xuất bởi 2 công ty Ukraine là Ingas và Cryoin. Thành phần này đóng vai trò rất quan trọng đối với tia laser được sử dụng để sản xuất chip. Theo Techcet, mức tiêu thụ neon toàn cầu để sản xuất chip đạt khoảng 540 tấn vào năm 2021.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu điện thoại di động, máy tính và ô tô mới đã dần tăng mạnh trở lại cùng sự hồi phục của nền kinh tế và du lịch. Cùng với sự thiếu hụt nguồn cung gây ra bởi việc giảm quy mô sản xuất chip của các công ty do đại dịch, tình hình chip trên toàn cầu đang rất nghiêm trọng. Việc tạm ngừng hoạt động của 2 công ty Ingas và Cryoin do các đợt tấn công của Nga càng tạo ra thêm sự thiếu hụt nghiêm trọng đối với sản lượng chip thế giới.

Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ingas chịu trách nhiệm sản xuất 15.000 đến 20.000 mét khối neon mỗi tháng cho khách hàng ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Đức. Theo ông Nikolay Avdzhy, giám đốc thương mại của công ty, trong số này có tới khoảng 75% sản lượng là để nhằm sản xuất chip.

Cryoin, mặt khác sản xuất khoảng 10.000 đến 15.000 mét khối neon mỗi tháng tại Odessa. Theo giám đốc phát triển kinh doanh của Cryoin bà Larissa Bondarenko, công ty sẽ không thể đáp ứng các đơn đặt hàng 13.000 mét khối neon trong tháng 3 trừ khi các cuộc đụng độ tại Ukraine kết thúc.

Bà cho biết công ty có thể chịu được thời gian ít nhất là 3 tháng khi nhà máy đóng cửa. Tuy nhiên, nếu thiết bị của nhà máy gặp hư hỏng, công ty sẽ gặp phải lực cản trong vấn đề tài chính để sửa chữa và do đó việc khởi động lại các hoạt động sẽ gần như không thể nhanh chóng. Hơn nữa, hiện tại công ty cũng không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu thô để làm sạch neon.

Thêm vào đó, bà Larissa Bondarenko, giám đốc phát triển kinh doanh của Cryoin, cho biết giá cả khí neon vốn đã tăng cao sau đại dịch, hiện tăng 500% so với tháng 12 trước đó. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, quốc gia này cũng đang sản xuất khí neon nhưng giá cả vẫn đang tăng đều đặn. Cụ thể, giá tại Trung Quốc đã tăng 4 lần từ mức 62,98 USD của tháng 10/2021 lên tới mức 251,90 USD hồi cuối tháng 2.

Theo Angelo Zino, một nhà phân tích tại CFRA, ước tính về lượng tồn kho neon mà các nhà sản xuất nắm giữ là rất khác nhau. Nhưng có một điều có thể chắc chắn ở đây chính là hoạt động sản xuất chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột kéo dài. Ông Zino nhận định nếu kho dự trữ cạn kiệt vào tháng 4, càng nhiều hạn chế sẽ xảy ra đối với chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất cũng có khả năng không thể sản xuất được các sản phẩm cuối cho nhiều khách hàng lớn.

Dù vậy, phát ngôn từ cơ quan kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) - quê hương của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC - vẫn cho thấy mặt tích cực của vấn đề. Theo cơ quan này, các công ty Đài Loan đều đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và thiết lập các “kho dự trữ an toàn” cho nguồn cung khí neon. Do đó, các công ty này vẫn có thể hoạt động bình thường mà không gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong chuỗi cung ứng.

Theo Lita Shon-Roy, chủ tịch Techcet, các nhà sản xuất chip nhỏ hơn chính là bên phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề hơn. Các nhà sản xuất chip lớn như Intel, Samsung và TSMC có sức mua lớn và số hàng tồn kho có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian dài từ 2 tháng trở lên. Tuy nhiên, nhiều công ty khác không có điều kiện để làm việc tương tự. Bà cũng bổ sung thêm tin đồn về các công ty đang cố gắng tích trữ hàng tồn kho đã bắt đầu lan truyền trong ngành và điều này sẽ chỉ làm phức tạp thêm vấn đề về nguồn cung".

Một giải pháp có thể giải quyết tình trạng này chính là các công ty trong lĩnh vực điện tử trên thế giới bắt đầu đầu tư sản xuất khí neon. Tuy nhiên, thách thức ở đây chính là thời gian để có thể chính thức sản xuất ra được khí neon sẽ mất từ 9 tháng tới 2 năm. Hơn nữa, các công ty có thể không sẵn sàng đầu tư vào quá trình này nếu sự suy giảm nguồn cung chỉ được coi là tạm thời.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.