Khuôn mẫu phụ nữ kiểu mới của phu nhân ông Abe

Shinzo Abe NHẬT BẢN
09:20 - 13/07/2022
Sau hơn 3 thập kỷ hôn nhân với cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và 9 năm trên cương vị phu nhân người đứng đầu chính phủ, bà Akie Abe đã chứng minh rằng mình là một người phụ nữ khác biệt hoàn toàn so với khuôn mẫu vợ của các chính trị gia thông thường. 

Năm 1987, bà Akie Matsuzaki kết hôn với ông Shinzo Abe, khi đó vẫn còn là một trợ lý chính trị gia trẻ với sự nghiệp đang lên. Bà đã đi theo lối mòn của những người vợ ở Nhật Bản là từ bỏ sự nghiệp tại công ty quảng cáo lớn nhất nước để lui về làm hậu phương hỗ trợ cho chồng.

Tuy nhiên, bà sớm thoát khỏi khuôn mẫu gò bó và cho thấy bà không chỉ đơn giản là người vợ nơi hậu phương, mà còn giống như một cộng sự luôn kề cận bên người chồng chính trị gia trên chính trường.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và vợ Akie Abe, 2017. Ảnh: Nikkei Asia

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và vợ Akie Abe, 2017. Ảnh: Nikkei Asia

Theo CNN, tại Nhật Bản, bà Akie nổi tiếng với những quan điểm thẳng thắn và tiến bộ. Không giống như những người tiền nhiệm, bà không chịu ở trong cái bóng của chồng mình. Thay vào đó, bà đã tích cực xây dựng cho mình một vị trí trong cộng đồng theo phong cách giống với các Đệ nhất Phu nhân Mỹ.

Hôm 8/7, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã bị ám sát trong lúc phát biểu trước cửa một nhà ga ở thành phố Nara, miền tây đất nước. Ngay sau đó, bà đã lên một chuyến tàu kéo dài nhiều giờ để đến bên chồng ở Bệnh viện Đại học Y Nara.

Bà Akie Abe ngồi trong xe tang đưa thi hài chồng tới chùa Zojoji, tối 11/7. Ảnh: Reuters

Bà Akie Abe ngồi trong xe tang đưa thi hài chồng tới chùa Zojoji, tối 11/7. Ảnh: Reuters

Ngày hôm sau, bà đưa di hài ông Abe về Tokyo bằng ô tô. Hôm 12/7, bà chủ trì tang lễ cho chồng trong một buổi lễ riêng tại chùa Zojoji ở Tokyo và đưa ông tới đài hỏa táng. Bà vẫn giữ một phong thái điềm đạm và nghiêm nghị khi xuất hiện trước công chúng.

“Đảng đối lập tại gia” của cựu Thủ tướng Abe

Ông Tobias Harris, thành viên cấp cao về châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét: “Bà Akie Abe, với tư cách là phu nhân thủ tướng, chắc chắn khác biệt với những người tiền nhiệm”. Theo ông, quan điểm ủng hộ các mục tiêu tiến bộ, phong cách làm việc tự do cùng phong thái tự tin, vui vẻ đã khiến bà Akie được công chúng Nhật Bản yêu mến.

Ông Abe và bà Akie đến Cung điện Hoàng gia Tokyo nhân dịp lễ lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito, 2019. Ảnh: AFP
Ông Abe và bà Akie đến Cung điện Hoàng gia Tokyo nhân dịp lễ lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito, 2019. Ảnh: AFP

Trong giới truyền thông Nhật Bản, bà có biệt danh là "đảng đối lập tại gia" của ông Shinzo Abe.

Với tính cách thẳng thắn, không ngại thể hiện suy nghĩ cá nhân, bà đã công khai bày tỏ quan điểm đối lập về các chính sách do chồng mình đề xuất, từ việc ông Abe thúc đẩy năng lượng hạt nhân cho đến thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vào năm 2016, bà đã gặp gỡ những người biểu tình ở Okinawa, những người phản đối mở rộng căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ, mà ông Shinzo Abe ủng hộ.

“Tôi muốn tiếp thu và truyền đạt những quan điểm không thể đến được với chồng tôi hay vòng tròn thân cận của ông ấy. Điều đó hơi giống một đảng đối lập”, bà nói với Bloomberg vào năm 2016.

Bà Akia tham gia cuộc diễu hành Tokyo Rainbow Pride, 4/2014. Ảnh: AFP

Bà Akia tham gia cuộc diễu hành Tokyo Rainbow Pride, 4/2014. Ảnh: AFP

Bà Akie là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của cộng đồng LGBT. Bà từng tham gia cuộc diễu hành Tokyo Rainbow Pride dành cho người đồng tính ở Tokyo vào năm 2014.

Mặc dù thường xuyên có quan điểm trái ngược nhau, nhưng vợ chồng cựu Thủ tướng vẫn duy trì tình yêu sâu đậm. Bà Akie cũng không ngại để công chúng biết điều này. Hai người thường nắm tay nhau khi bước xuống máy bay trong các chuyến công du nước ngoài như một cách thể hiện tình cảm công khai hiếm thấy trong giới chính trị Nhật Bản.

Hai vợ chồng cựu Thủ tướng thường nắm tay nhau khi bước xuống máy bay. Ảnh: Asashi Shimbun

Hai vợ chồng cựu Thủ tướng thường nắm tay nhau khi bước xuống máy bay. Ảnh: Asashi Shimbun

Ông Abe cũng thường xuyên xuất hiện trong các bài đăng trên mạng Instagram của bà, tươi cười song hành cùng bà tại các sự kiện cộng đồng, đi dạo, chơi đùa cùng chú chó cưng, đọc báo trong xe hơi hay tạo dáng bên một bát mì Udon cà ri.

Vào ngày kỷ niệm 30 năm kết hôn, bà Akie đã đăng một bức ảnh đám cưới của họ trong trang phục kimono. 2 năm sau đó, họ đã tổ chức lễ kỷ niệm kết hôn với một chiếc bánh kem anh đào và rượu vang.

Bà Akie và ông Abe trong tiệc kỷ niệm 32 năm ngày cưới. Ảnh: Instagram @Akieabe
Bà Akie và ông Abe trong tiệc kỷ niệm 32 năm ngày cưới. Ảnh: Instagram @Akieabe

Bà là phu nhân đầu tiên của một chính trị gia Nhật Bản tích cực sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram. Bà thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc về cuộc sống của bà với hàng chục nghìn người theo dõi.

Cá tính riêng biệt

Là con gái của ông chủ tập đoàn sản xuất bánh kẹo, bà Akie sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có và quyền lực ở Tokyo. Bà từng theo học một trường Công giáo tư nhân và một trường dạy nghề chỉ dành cho phụ nữ. Bà cũng nói thông thạo tiếng Anh.

Sau khi tốt nghiệp, bà Akie làm việc tại công ty quảng cáo Dentsu của Nhật Bản. Ở tuổi 22, bà gặp ông Shinzo Abe, lớn hơn mình 7 tuổi và đang làm trợ lý chính trị gia. Hai người đã hẹn hò hơn hai năm trước khi kết hôn vào năm 1987.

Bà Abe Akie cùng Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump tại trường tiểu học Kyobashi Tsukiji ở Tokyo, 11/2017. Ảnh: AFP
Bà Abe Akie cùng Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump tại trường tiểu học Kyobashi Tsukiji ở Tokyo, 11/2017. Ảnh: AFP

Đôi vợ chồng bà Abe không có con. Bà từng chia sẻ với truyền thông Nhật Bản rằng họ tìm cách điều trị căn bệnh hiếm muộn trong những ngày đầu hôn nhân nhưng không có kết quả. Bà Akie không bằng lòng với việc bị giới hạn ở vai trò nội trợ gia đình. Bà đã từng làm phát thanh viên trên đài phát thanh vào những năm 1990. Và sau khi chồng bà từ chức Thủ tướng lần đầu tiên năm 2007, bà lên ý tưởng mở một nhà hàng rượu.

"Khi ông Abe chuẩn bị trở lại vị trí lãnh đạo vào năm 2012, thì cũng là lúc bà ấy đang bận rộn mở một nhà hàng. Đây là điều mà bà hằng mong muốn trong thời gian. Và khi ông Abe rời ghế thủ tướng, bà đã có cơ hội để thực hiện", ông Harris, tác giả cuốn sách "The Iconoclast: Shinzo Abe và New Japan", cho biết.

"Bà ấy đã thuyết phục ông Abe để mình tiếp tục công việc kinh doanh và bà ấy đã làm rất tốt", ông Harris nói.

Nhà hàng "UZU" - nghĩa là xoáy nước - đã được khai trương vào năm 2012 tại quận Kanda của Tokyo, chỉ vài tháng trước khi ông Shinzo Abe bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai. Bà thậm chí còn tự trồng gạo hữu cơ trên một cánh đồng ở quê chồng và phục vụ tại nhà hàng của mình.

Năm 2015, bà đã xuống đồng trồng lúa cùng với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản lúc đó là bà Caroline Kennedy. Trong những năm gần đây, trước khi trở lại với tư cách là phu nhân thủ tướng Nhật Bản, bà Akie đã quay lại trường đại học và lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu thiết kế xã hội tại Đại học Rikkyo.

Bà Akie luôn đồng hành cùng ông Abe, không chỉ là một người vợ mà còn là một cộng sự trên chính trường. Ảnh: Usa Detail zero

Bà Akie luôn đồng hành cùng ông Abe, không chỉ là một người vợ mà còn là một cộng sự trên chính trường. Ảnh: Usa Detail zero

"Đó là khoảng thời gian thất bại và khó khăn đối với chúng tôi. Sau một thời gian rút lui, ông ấy lại quyết định tập trung vào sự nghiệp chính trị. Còn tôi cảm thấy mình cũng cần phải bắt đầu cuộc sống của riêng mình", bà nói với Wall Street Journal vào năm 2013.

"Thực tế cho thấy, trong suốt sự nghiệp chính trị của ông Abe, bà ấy vẫn luôn là chính mình, không phải là một người vợ chỉ biết xuất hiện bên cạnh người chồng chính trị gia hay chỉ làm những điều mà xã hội Nhật Bản mong muốn bà làm", Harris đánh giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.