Kiến nghị đầu tư trực thăng, robot chữa cháy tại Việt Nam

Chữa cháy Việt nAM
14:36 - 12/09/2022
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy sáng 12/9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị đưa các công cụ hiện đại như trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot tham gia chữa cháy để tăng tính cơ động.

Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy diễn ra sáng 12/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn ra với tần suất ngày càng cao, đặc biệt tại các khu dân cư, khu công nghiệp, chung cư, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ việc gần đây đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng cháy chữa cháy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh việc tăng mạnh về tần suất xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, thì mức độ nghiêm trọng của vụ việc trong thời gian gần đây cũng tăng cao. Trong đó có thể kể đến vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội ngày 1/8 làm 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh. Vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9 làm 32 người chết, vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9 và gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại Đồng Nai vào tối 11/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh những vụ việc nghiêm trọng trên là cảnh báo tính khẩn cấp và đặt ra yêu cầu về nhiệm vụ mới cho công tác phòng, ngừa, ứng phó các sự cố, tại nạn hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản.

Theo báo cáo tại Hội nghị của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, trong 5 năm qua toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Trong đó, 60% vụ cháy xảy ra ở thành thị. Các vụ cháy tập trung tại khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy). Một số vụ đã gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long bên cạnh việc một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa hoàn thiện công việc được giao trong công tác liên quan tới phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, thì công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập.

Theo đó, việc xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức. Chất lượng tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, khả năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. Việc đầu tư ngân sách hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long: 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, trong đó, 45% vụ cháy do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long: 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, trong đó, 45% vụ cháy do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, các địa phương cũng cho rằng cần đầu tư vào Thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Trong đó, đại diện tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành cho rằng, cần hiện đại hóa công tác phòng cháy chữa cháy tương xứng với quy mô phức tạp cũng như tốc độ phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng. Trong đó, không chỉ cần đầu tư bộ máy, mạng lưới, lực lượng hiện đại, phù hợp với tình hình phát triển của thực tế. Mà còn cần đầu tư vào công cụ và giải pháp.

Ông Phạm Văn Thành lấy ví dụ như cháy rừng hiện nay xảy ra rất thường xuyên, nhưng lực lượng ứng cứu tiếp cận rất khó, phải có thiết bị như trực thăng. Đồng thời, cần mạnh ứng dụng chuyển đổi số và số hóa, dự báo báo cháy vì tính kịp thời, hiệu quả trong phòng cháy chữa cháy chính là thời gian.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, đi từ thực tiễn vụ cháy quán karaoke gần đây, đối với công tác cứu hộ cứu nạn, cần khẩn trương, linh hoạt trong cơ cấu lực lượng, phương tiện để tiếp cận, khẩn trương đưa ra phương án cứu người còn sống.

Ông Võ Văn Minh cũng nêu lên một thực tế đối với các vụ cháy tại các cơ sở karaoke, đây là công trình có thiết kế xây dựng khép kín, nhà ống, nhiều vật liệu dễ cháy, và có nhiều khí độc. Những vụ việc này thường phải sử dụng các biện pháp phá dỡ tường xây để giảm khí độc và tiếp cận để cứu nạn nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh kiến nghị ngành công an cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh kiến nghị ngành công an cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng. Ảnh: VGP

Tuy nhiên dù đã đầu tư thiết bị nhưng việc tiếp cận hiện trường còn khó khăn, việc đục tường, khoan bê tông tốn rất nhiều thời gian, lên đến hàng giờ đồng hồ, lỡ mất cơ hội vàng để cứu nạn nhân. Vì vậy, ông Minh kiến nghị ngành công an cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, đặc biệt thiết bị tháo dỡ công trình trong thời gian ngắn nhất. Ví dụ như có thiết bị chuyên dụng khoan cắt bê tông trong vòng 3 phút, như vậy mới có khả năng thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị đầu tư các thiết bị chữa cháy hiện đại để tăng tính cơ động và hiệu quả như trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.

Ngoài ra, cần chú ý công tác diễn tập, đầy đủ để cả người dân và lực lượng phòng cháy chữa cháy có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để ứng phó với các tình huống xảy ra. Đồng thời, TP HCM cũng đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để có chính sách xứng đáng.

Tin liên quan

Đọc tiếp