Kiến nghị giảm thuế doanh nghiệp để ứng phó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
10:39 - 19/03/2022
Đến năm 2025 và 2030 nhu cầu thức ăn tinh của cả nước sẽ là khoảng 37 và 44 triệu tấn và tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: TTXVN.
Đến năm 2025 và 2030 nhu cầu thức ăn tinh của cả nước sẽ là khoảng 37 và 44 triệu tấn và tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất và được Cục Chăn nuôi dự kiến giá nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ tiếp tục tăng đến hết năm 2022, do vậy các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về thuế, phí trong bối cảnh hiện nay.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều nguyên liệu nhập khẩu

Thông tin về tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi”, ngày 18/3, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi đang rất khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục đẩy giá thành lên cao nhưng giá bán lại liên tục giảm.

Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Ngành chăn nuôi cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn).

“Để đáp ứng mục tiêu phát triển chăn nuôi tại Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 và 2030 nhu cầu thức ăn tinh của cả nước sẽ là khoảng 37 và 44 triệu tấn. Như vậy, nguồn nguyên liệu thức ăn tinh trong nước sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo”, ông Sinh nhận định.

Lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi chỉ ra, giai đoạn từ năm 2015 - 2020 giá nguyên liệu thức ăn trong nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần, tuy nhiên giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-10, đặc biệt tăng mạnh trong đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung từ căng thẳng Nga – Ukraine.

So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đ/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đ/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300đ/kg (tăng 23,1%), lúa 9.850 đ/kg (tăng 49,5%). Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 (giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8: ngô khoảng 11.000 đ/kg, Khô dầu đậu tương trên 17.000 đ/kg).

Kiến nghị giảm thuế phí cho doanh nghiệp đến năm 2025

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80 - 85% giá thành thức ăn chăn nuôi.

“Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 - 22%, mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ”, ông Dương Tất Thắng cho hay.

Trước những khó khăn của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến hết năm 2022, ông Tống Xuân Chinh đã đưa ra kiến nghị với Quốc hội cho giảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng hoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.

Đây cũng là kiến nghị của đại diện Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hoà Phát. Vị này cho biết, trong nhiều báo cáo liên quan vấn đề chăn nuôi đều nói đến năng suất chăn nuôi Việt Nam so với thế giới còn thấp và giá thành cao. Do đó nên thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi và cơ chế để năng suất các doanh nghiệp theo thời gian càng tăng lên.

Ảnh tác giả

“Thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã hạ rồi. Nhưng với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao thế này, đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người nuôi. Doanh nghiệp lúc này đang rất khó khăn”.

Đại diện Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hoà Phát

Bên cạnh việc giảm thuế phí cho doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là rất quan trọng cần sớm được đẩy mạnh.

Là một trong những doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc về chi phí logistics, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn De Heus cho biết, trong quá trình biến động giá cả thức ăn chăn nuôi, chi phí logistics cao cũng là một trong những yếu tố tăng thêm phần bất ổn, do vậy ông Hiếu mong muốn Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch vùng thức ăn chăn nuôi địa phương.

Ảnh tác giả

“DeHues sẵn sàng xây dựng các kho trữ, nhà máy sơ chế để xây dựng chuỗi thức ăn chăn nuôi do vậy rất mong Bộ NN&PTNT đưa ra quy hoạch rõ vùng nào có thể thực hiện để doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch phối hợp”.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn De Heus

Chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước là giải pháp căn cơ nhất

Đồng tình với định hướng lâu dài ổn định giá thức ăn chăn nuôi là cần chủ động nguồn nguyên liệu, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai đã đề nghị ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho nuôi ruồi lính đen.

Nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn protein sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, thay cho đạm cá vì đạm cá giá thành cao hơn. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10000 tấn protein/ha.

Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loại ruồi này. Các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa cổ phần cũng đang nghiên cứu đưa ruồi lính đen vào làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cho nuôi loại ruồi này.

“Chúng tôi được biết Cục chăn nuôi cũng đã có ý này và đang xin ý kiến các địa phương. Các nước đang đẩy mạnh nuôi "ruồi lính đen". Nếu ta chậm là ta mất cơ hội và tụt hậu”, ông Sinh nói.

Còn theo ông Phạm Ngọc Ấn, đại diện Công ty cổ phần BaF Việt Nam, doanh nghiệp này đang phát triển nhanh về con giống công nghệ và thời gian tới sẽ đẩy mạnh sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nhưng băn khoăn của doanh nghiệp là giải pháp về vùng nguyên liệu. Việc xử lý sau thu hoạch còn nhiều e ngại đặc biệt là với thức ăn cho gia cầm. Ông Ấn lấy ví dụ, loại bắp đậu có chất lượng tốt cho gà nhưng lại chưa được trồng nhiều mà vẫn phải nhập liệu trong khi đó loại này chiếm 50% giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khiến giá gà bán ra cũng tăng theo.

Để hướng tới mục tiêu trước năm 2025 đạt sản lượng 5,5 triệu tấn thịt xẻ tương ứng 75 triệu tấn thịt hơi, thịt lợn đạt 63 – 65% trong tổng các loại thịt, thịt gia cầm 26 – 28%, trứng 18 - 19 tỷ quả, sữa 1,8 triệu tấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh những giải pháp căn cơ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

“Trước mỗi khó khăn thách thức, hệ sinh thái Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân khi liên kết lại sẽ tạo thành sức mạnh đoàn kết vượt khó khăn. Rất mong các doanh nghiệp khi đã nhập thức ăn từ thời gian trước cho một thời gian dài thì không vội tăng giá thời điểm này. Những kế hoạch của từng cá thể trong hệ sinh thái khi được triển khai đồng bộ thành chuỗi liên kết sẽ giúp ngành chăn nuôi thực hiện tốt mục tiêu năm 2022”.

Trong đó, đề nghị Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương có ý kiến về quy hoạch đất đai cho chăn nuôi khi dự thảo Luật Đất đai. Và đề nghị ngân hàng tăng cao dư nợ vì chu kì sản xuất của chăn nuôi khác với ngành khác nếu không tăng sẽ rất khó phục hồi sản xuất.

“Về khoa học công nghệ nghiên cứu thức ăn dinh dưỡng đảm bảo tự chủ thức ăn chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời với việc nghiên cứu, việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào cũng cần được cập nhật thường xuyên để tránh tụt hậu”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp