Kiev bị không kích giữa lúc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ghé thăm

chiến sự Nga – Ukraine
09:06 - 29/04/2022
Hỏa hoạn xảy ra sau một vụ không kích bằng tên lửa tại Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Reuters
Hỏa hoạn xảy ra sau một vụ không kích bằng tên lửa tại Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ukraine cáo buộc lực lượng Nga bắn hai quả tên lửa vào Kiev hôm 28/4, giữa lúc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang ở thăm nước này.

Reuters đưa tin, giới chức Ukraine cáo buộc lực lượng Nga phóng tên lửa vào quận Shevchenko ở thủ đô Kiev vào 8h15 ngày 28/4 (0h15 giờ Việt Nam). Trong đó, có một tên lửa đã đánh trúng tòa chung cư 25 tầng, khiến ít nhất 10 người bị thương và 2 tầng của tòa nhà bị phá hủy.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko xác nhận với báo giới về vụ tấn công bằng tên lửa. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều lên tiếng cáo buộc Nga đã sử dụng tên lửa trong cuộc tấn công vào Kiev.

Tuy nhiên, hiện phía Nga hiện chưa bình luận về thông tin mà Ukraine cáo buộc.

Các lực lượng cứu hỏa Ukraine đến hiện trường để dập lửa. Nguồn: Daily Mail

Vụ không kích diễn ra chưa đầy 1 giờ sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống UKraine Zelensky tổ chức họp báo chung, tại vị trí cách mục tiêu bị tấn công khoảng 3,5 km.

Một phần trong cuộc thảo luận giữa ông Guterres với Tổng thống UKraine tập trung vào việc sơ tán binh sĩ và dân thường Ukraine đang mắc kẹt tại nhà máy thép ở Mariupol, phía đông nam nước này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Reuters

"Có một cuộc tấn công vào Kiev. Nó khiến tôi bị sốc, không phải vì tôi ở đây mà vì Kiev là một thành phố thiêng liêng đối với người Ukraine, cũng như người Nga", Tổng thư ký Antonio Guterres nói với đài truyền hình Bồ Đào Nha RTP khi được hỏi về các vụ nổ.

Người phát ngôn của phái đoàn Liên Hợp Quốc xác nhận tất cả thành viên cơ quan này tới Ukraine "đều an toàn". Trong khi đó, ông Guterres thừa nhận rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không đi đủ xa trong những nỗ lực nhằm "ngăn chặn và chấm dứt" cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Khói bốc lên sau khi tên lửa rơi trúng một quận ở Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Getty Images

Khói bốc lên sau khi tên lửa rơi trúng một quận ở Kiev, Ukraine, ngày 28/4. Ảnh: Getty Images

Trước đó, người phát ngôn chính thức của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cảnh báo rằng việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev sẽ gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu. “Xu hướng viện trợ vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng vào Ukraine được coi là những hành động đe dọa an ninh của khu vực này", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/4 cũng tuyên bố nước Nga sẽ có phản ứng “nhanh như chớp” đối với sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine.

Trong ngày 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov chỉ trích việc "phương Tây đang công khai kêu gọi Kiev tấn công lãnh thổ Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí nhận được từ NATO". Bà đưa ra cảnh báo tới các nước phương Tây rằng họ nên “ngừng kiểm tra sự kiên nhẫn” của Moscow.

Phát ngôn của bà Maria Zakharov nhằm đáp trả việc Thứ trưởng lực lượng vũ trang Anh James Heappey tuyên bố ủng hộ quân đội Ukraine thực hiện các cuộc không kích trên lãnh thổ Nga. Ông Heappey nhấn mạnh "không có vấn đề" nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Anh viện trợ và việc Kiev nhắm các mục tiêu ở biên giới Nga là “hoàn toàn hợp pháp”.

Tổng thống Joe Biden đề xuất quốc hội chi 33 tỷ USD viện trợ cho Ukraine: AFP đưa tin ngày 28/4, trong thư gửi quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị phê chuẩn gói viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD dành cho Ukraine. Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, gói viện trợ này sẽ được giải ngân trong 5 tháng, bao gồm các khoản an ninh quân sự, an ninh mạng, trang thiết bị quân sự, hoạt động tình báo, hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh lương thực.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi mở các hành lang sơ tán ở thành phố Mariupol: Ông nói rằng thành phố này đang trong một cuộc khủng hoảng và yêu cầu các bên có cuộc đàm phán về việc sơ tán người dân khỏi nhà máy thép Azovstal.

Trước đó, người đứng đầu Liên Hợp quốc đã đến thăm thị trấn Borodianka và “bày tỏ sự buồn bã khi nhìn thấy các tòa nhà bị phá hủy ở đó”, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Farhan Haq cho biết. "Ông ấy nói rằng chiến tranh là một điều phi lý nhất trong thế kỷ 21".

"Phần Lan và Thụy Điển có thể nhanh chóng gia nhập NATO": CNBC đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ “được NATO mở rộng vòng tay chào đón” nếu hai nước này quyết định nộp đơn gia nhập.

Trong những tuần gần đây, Phần Lan và Thụy Điển cho biết họ sẽ cân nhắc việc tham gia liên minh quân sự NATO trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Ukraine. Nga từ lâu đã cảnh báo chống lại bất kỳ sự mở rộng nào trong tương lai của NATO, cáo buộc liên minh này là “một công cụ hướng tới đối đầu”.

Nga - Ukraine trao đổi tù binh: CNN đưa tin, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 28/4 cho biết, 45 người Ukraine đã được trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh mới nhất với Nga. Tuy nhiên ông không cung cấp chi tiết về việc có bao nhiêu tù nhân Nga được trả tự do trong cuộc trao đổi. Nga vẫn chưa xác nhận sự việc này.

Người tị nạn Ukraine: Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), gần 5,4 triệu người Ukraine đã di tản khỏi đất nước và 7,7 triệu người phải sơ tán đến các khu vực khác trong lãnh thổ nước này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.