Hầu hết các đại gia bất động sản đều đang nhắm đến sân golf để hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

Kinh doanh sân golf: Lợi nhuận nhắm đến không phải từ các golfer

DOANH NGHIỆP Việt nAM
16:45 - 22/03/2022
Golf là môn thể thao vốn dành cho dân chơi có tiền và được nhận định là lĩnh vực tiềm năng khi tầng lớp giàu có của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng, các dự án sân golf đang thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lại không vì lợi nhuận trên sân.

Sân gofl hút mạnh nhà đầu tư

Theo thống kê mới nhất từ R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, Việt Nam có gần 80 sân golf đã đi vào hoạt động và hơn 40 sân khác đang hoàn thiện. Sức hấp dẫn của lĩnh vực này vẫn chưa hết "hót" khi hàng loạt các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đề xuất dự án sân golf để hoàn thiện hệ sinh thái đẳng cấp của mình.

Có thể kể đến như Tập đoàn Hòa Phát đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang), tỉnh Hải Dương; T&T Group nghiên cứu đầu tư Tổ hợp du lịch, sân golf hơn 600ha ở Quảng Trị.

Công ty Cổ phần D&N Group đề xuất khảo sát và lập quy hoạch làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; MDA E&C - doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng sinh thái Glory; FLC dự kiến khởi công quần thể đô thị sân golf trên 400 ha tại Bạc Liêu trong tháng 4/2022…

Năm 2014, theo Quy hoạch sân golf Việt Nam điều chỉnh, đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf, được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương trên cả nước. Ngay cả các địa phương không có thế mạnh về du lịch như Tiền Giang, Kon Tum, Bắc Giang… cũng nhảy vào “cuộc đua” này. “Cuộc đua” đó gần đây càng sôi động hơn khi nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) cũng mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf; với việc các địa phương được phép lồng ghép quy hoạch sân golf vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Cũng theo luật này, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, đồng nghĩa với việc địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh.

Golf là bộ môn ưa thích của giới doanh nhân bởi vừa giải trí vừa giúp quan hệ đối tác.

Golf là bộ môn ưa thích của giới doanh nhân bởi vừa giải trí vừa giúp quan hệ đối tác.

Ngoài việc thuận lợi từ chính sách, golf còn là lĩnh vực tiềm năng khi tầng lớp giàu có của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank - Tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh - lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% giai đoạn từ nay đến năm 2026 (1.551 người). Công ty này định nghĩa người siêu giàu là cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả giá trị bất động sản cư trú chính.

Còn Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam ghi nhận cả nước hiện có 100.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm. Đó là chưa kể đến số lượng khách Hàn Quốc, Úc, Malaysia… đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf cũng tăng lên mạnh, trung bình tăng trưởng 20%/năm trước Covid-19.

Lợi nhuận không đến từ các golfer

Chưa có thống kê cụ thể cho con số lỗ - lãi của các sân golf hiện nay. Nhưng việc các sân golf bỏ không, vắng khách hoặc kinh doanh thua lỗ thì đã ghi nhận. Không nói đâu xa, Golf Long Thành – “tay chơi” lớn trong lĩnh vực này ghi nhận khoản lỗ gần 9 tỷ đồng trong năm 2020 dù doanh thu của hoạt động cốt lõi vẫn tăng trưởng hơn 5 lần cùng kỳ, lên 3.166 tỷ đồng.

Golf Long Thành là "sếu đầu đàn" của KN Investment Group, một doanh nghiệp tư nhân có vai vế trên thị trường với 4 lĩnh vực kinh doanh, đầu tư chính là bất động sản, sân golf, khoáng sản và năng lượng tái tạo. Người sáng lập KN Investment Group là ông Lê Văn Kiểm (sinh năm 1945, quê Thừa Thiên Huế) - thuộc lớp doanh nhân đi đầu thời kỳ mở cửa kinh tế những năm 1980.

Còn CTCP Sân Gôn BRG (Sân Gôn BRG, thành lập từ tháng 12/2009), là công ty con của CTCP Tập đoàn BRG (BRG Group), sở hữu hệ thống sân golf tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam cũng ghi nhận lợi nhuận èo uột. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này báo lãi chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí năm 2017 còn báo lỗ gần 17 triệu đồng. Trong 2 năm Covid-19, tình hình kinh doanh không được cập nhật nhưng với các đợt giãn cách và hạn chế du lịch thì các sân golf cũng khó có được kết quả tài chính khả quan.

Golf Long Thành ghi nhận doanh thu cao nhưng lợi nhuận quá khiêm tốn.
Golf Long Thành ghi nhận doanh thu cao nhưng lợi nhuận quá khiêm tốn.

Sở hữu hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên có quy mô khủng và tọa lạc tại vị trí đắc địa, song CTCP đầu tư Long Biên (LOBICO) cũng chịu cảnh thua lỗ lớn trong suốt nhiều năm. Liên tiếp từ năm 2011 đến 2014, LOBICO ghi nhận lỗ, trong đó năm 2011 lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, đến năm 2013 giảm xuống còn 4,4 tỷ đồng. LOBICO từng cho biết, công ty sẽ lỗ kế hoạch liên tục với mức cao trong vòng 4 năm, từ 2014 - 2017, với tổng mức lỗ lên đến 1.660 tỷ đồng, bình quân mỗi năm lỗ hơn 400 tỷ.

Nguyên nhân lỗ là do công ty chỉ thực hiện 2 dự án sân golf nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa có sản phẩm để bán, bên cạnh đó chi phí lãi tiền vay và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng lớn. Công ty dự kiến sẽ khai thác và có doanh thu từ cuối năm 2014 và bắt đầu có lãi 271 tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên từ đó đến nay, LOBICO chưa có cập nhật mới.

Trong quá khứ, Công ty cổ phần Rạng Đông sau khi tiếp nhận dự sân golf Phan Thiết 2 tuần (12/2013) đã xin chuyển đổi sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng... vì cho rằng kinh doanh sân golf không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí.

Nguồn thu cho các sân golf đến từ nhiều mảng, gồm phí hội viên, phí chơi một vòng golf, doanh thu từ bán dụng cụ, trang phục chơi golf, phí caddie, cũng như doanh thu từ mảng lưu trú, ăn uống phục vụ cho khách chơi... Trong số đó, phí hội viên (giá khoảng từ 100 triệu đồng mỗi năm) chính là nguồn thu quan trọng nhất cho các chủ đầu tư golf.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh sân golf thuần túy (phí chơi và phí dịch vụ) không hề đơn giản. Theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), một sân golf 18 lỗ, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm.

Trong khi đó, số lượng hội viên trung bình tại các sân golf Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 500 người. Rõ ràng, áp lực duy trì lợi nhuận cho các sân golf rất lớn do doanh thu hằng năm không đủ bù đắp nổi chi phí duy trì sân và đội ngũ nhân viên túc trực rất tốn kém.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga từng chia sẻ trên Wall Street Journal rằng, khi bắt tay vào đầu tư dự án sân golf, doanh nghiệp đã xác định dự án 100 triệu đô la sẽ không thể kiếm được lợi nhuận từ chính nó. Tác động có lẽ là thúc đẩy thêm lượng khách cho các khách sạn và căn hộ xung quanh sân golf này.

“Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới”, ông Mark Siegel, Giám đốc điều hành Công ty tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á – Golfasian từng nói. Theo vị này, du lịch kèm chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200-300 triệu đô la doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, đối với một chủ đầu tư bất động sản, golf có thể mang lại nhiều thứ hơn thế. Đó chính là giúp hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng từ khách sạn, biệt thự đến giải trí. Việc sở hữu một sân golf cũng đồng nghĩa với danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể.

Như vậy có thể thấy, việc sân golf đang thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư thực ra không vì lợi nhuận, mà là những lợi ích sau đó.

Đọc tiếp