Kinh nghiệm quốc tế và bài học lớn cho sản xuất thông minh tại Việt Nam

CHÍNH SÁCH Việt nAM
22:53 - 09/11/2021
Kinh nghiệm quốc tế và bài học lớn cho sản xuất thông minh tại Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Trong tầm nhìn dài hạn 2030 và xa hơn, Việt Nam có thể phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh thông qua học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực.

Chiều 09/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các bộ, ban ngành tiếp tục triển khai Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021, chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong kỷ nguyên số.

Phiên Hội thảo về Sản xuất thông minh có sự góp mặt của nhiều diễn giả nổi tiếng từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC)... cùng các cơ quan Chính phủ, giới hoạch định chính sách và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Sự kiện nằm trong chuỗi 10 hội thảo chuyên đề được tổ chức trong tháng 11 bởi Ban Kinh tế Trung ương, gắn với triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 2030, tầm nhìn 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Dustin Daugherty, Giám đốc Phát triển Kinh doanh & thị trường từ WTC đã có bài trình bày nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế triển khai sản xuất thông minh và gợi ý cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng kinh nghiệm quốc tế có thể mang lại cho Việt Nam nhiều bài học lớn để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao tầm nhìn 2030 và xa hơn.

Từ mạng lưới "Manufacturing USA" của Mỹ...

Từ những năm 2010, sản xuất thông minh đã bắt đầu cất cánh trên toàn cầu với sự tiên phong của các quốc gia như Mỹ, châu Âu… Ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới mạnh tay chi tiêu cho các sáng kiến sản xuất thông minh để đẩy mạnh hiệu quả sản xuất của nền kinh tế, từ lĩnh vực tự động hóa, dữ liệu lớn cho đến quy trình chế tạo, công nghệ cảm biến…

Mức đầu tư của một số chính phủ toàn cầu cho các sáng kiến sản xuất thông minh

Mức đầu tư của một số chính phủ toàn cầu cho các sáng kiến sản xuất thông minh

Kể từ sau Thế chiến II, Mỹ đã vươn lên thống lĩnh kinh tế toàn cầu với ngành sản xuất công nghiệp phát triển vượt bậc, dần chuyển từ xu hướng sản xuất tập trung, chi phí rẻ sang sản xuất công nghệ cao với lao động trình độ cao. Cho đến nay, nhiều đánh giá khác nhau đều xếp hạng Mỹ là nền kinh tế tiên phong toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo.

Theo TS. Dustin Daugherty, sự ra đời của chiến lược “Manufacturing USA” là một dấu ấn lớn thúc đẩy thành công của Mỹ trong xây dựng ngành sản xuất thông minh.

Manufacturing USA là một mạng lưới quốc gia được tạo ra để đảm bảo vị trí thống lĩnh toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến thông qua hợp tác công tư quy mô lớn về công nghệ, chuỗi cung ứng, phát triển lực lượng lao động.

Mạng lưới bao gồm 16 viện Nghiên cứu đổi mới về lĩnh vực sản xuất thông minh được tài trợ bởi Bộ Thương mại hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ, với nhiệm vụ dẫn dắt kết nối các thành viên từ doanh nghiệp sản xuất mọi quy mô đến các trường đại học, tổ chức công.. phối hợp thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển công nghiệp tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất thông minh.

“Manufacturing USA được tạo ra để khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, xây dựng, xây dựng môi trường trong nước hấp dẫn cho đầu tư sản xuất tiên tiến, tạo hệ sinh thái viện nghiên cứu - trường đào tạo - doanh nghiệp tại từng địa phương với các ngành trọng điểm khác nhau, cải thiện công tác giáo dục và đào tạo phục vụ các ngành công nghiệp 4.0 và thúc đẩy thương mại hóa song song với sản xuất công nghệ cao”, TS. Dustin Daugherty.

Theo TS. Dustin Daugherty, ý tưởng của Chính phủ Mỹ khi xây dựng mạng lưới Manufacturing USA là thúc đẩy sản xuất tiên tiến tại Mỹ để bổ sung cơ sở hạ tầng đổi mới hiện có. Trong đó, phương pháp tiếp cận hướng tới khuyến khích vai trò lãnh đạo của chính phủ, vai trò quản lý của chính quyền các bang và vai trò hợp tác của các viện nghiên cứu trong công tác đổi mới.

Hình thức hợp tác công tư (PPP) đã tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho sự tương tác vai trò giữa chính phủ, tư nhân và viện chuyên ngành trong khai thác tài nguyên, thúc đẩy đổi mới ở quy mô địa phương.

Thành tựu của bang California trong ngành công nghệ cao chính là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của mạng lưới Manufacturing USA. Với thung lũng Silicon nổi tiếng, bang California được mệnh danh là cái nôi của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ triển vọng bậc nhất toàn cầu và là “ngôi nhà” của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Một minh chứng khác là sự phát triển thần kỳ của Utah, một bang nhỏ của nước Mỹ với dân số chỉ 3,34 triệu người tính đến năm 2021. Những năm 1950, thế giới hầu như không biết đến bang Utah bởi nền kinh tế bang này khi đó còn nhỏ và lạc hậu, chủ yếu vận hành trên nền tảng nông nghiệp, sản phẩm thô và sơ chế. Nhưng đến năm 2021, Utah đã vươn lên thành một trong những bang đóng góp quan trọng nhất vào nền kinh tế Mỹ với khả năng phát triển sản xuất năng động, đa dạng.

“Bí quyết thành công nằm ở đâu? Từ rất lâu, Utah đã xác định quy mô dân số nhỏ khó cạnh tranh với các bang khác trong những ngành công nghiệp cần nhiều lao động, do đó họ đẩy mạnh các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ vũ trụ công nghệ hàng không… Từ xuất phát điểm ban đầu, họ trả lời câu hỏi “chúng ta giỏi ở đâu”, rồi thử nghiệm với một số lượng nhỏ các ngành chiến lược trước khi phát triển nền tảng công nghệ vững chắc thông qua khả năng đổi mới mạnh mẽ của các trường đại học, viện nghiên cứu”, TS. Dustin Daugherty cho hay.

“Với mạng lưới Manufacturing USA, Utah đã tạo ra hệ sinh thái công - tư phối hợp chặt chẽ, qua đó khích lệ mọi bên liên quan xây dựng môi trường sản xuất thân thiện, ưu tiên thúc đẩy các ngành có tính tự động hóa cao và hàm lượng sở hữu trí tuệ cao”, ông Daugherty cho biết.

Thông qua đầu tư vào khả năng sản xuất thông minh và tạo ra vườn ươm màu mỡ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, Utah đã tự định vị mình như một bang sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0. Hiện Utah được đánh giá là bang có nền kinh tế số 1 của Mỹ (theo USNews), bang có tốc độ tăng trưởng GDP tốt nhất sau đại dịch, bang thân thiện nhất với doanh nhân và doanh nghiệp (theo Forbes), bang có nền kinh tế đa dạng nhất nước Mỹ, bang có triển vọng kinh tế tốt nhất nước Mỹ (theo The Heritage Foundation) và một trong những địa điểm tốt nhất để khởi nghiệp (theo .Inc).

...đến chiến lược công nghiệp 4.0 của Singapore

Trong trường hợp của Singapore, phân tích của TS. Dustin Daugherty cho thấy chiến lược công nghiệp 4.0 của Singapore dựa trên 3 mũi nhọn: Thu hút các khoản đầu tư xuyên biên giới; phát triển nội lực của doanh nghiệp địa phương theo hướng chuyển dịch sang sản xuất thông minh; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm của đổi mới ở khu vực châu Á (Ảnh: Internet)

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm của đổi mới ở khu vực châu Á (Ảnh: Internet)

Với mục tiêu trở thành trung tâm của đổi mới ở khu vực châu Á thông qua tăng cường các tài sản sở hữu trí tuệ cốt lõi, khả năng nghiên cứu và phát triển cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới, Chính phủ Singapore đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất thông minh. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2024, quá trình chuyển dịch sản xuất thông minh sẽ giúp Singapore tạo thêm 22.000 việc làm mới với mức lương bình quân tăng hơn 50% và doanh thu từ năng suất tăng khoảng 26 tỷ USD.

“Chính phủ Singapore tham vọng xây dựng quốc gia trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu. Bài học từ đại dịch COVID-19 đã nêu bật sự cấp thiết phải xây dựng một nền kinh tế đa dạng, độc lập với khả năng chống chịu và phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, việc xây dựng một khu vực sản xuất tiên tiến, thông minh, hướng đến nền kinh tế công nghiệp 4.0 cũng giúp Singapore lên đỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, cách ly khỏi các quốc gia đối thủ, những nước đang xây dựng năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa trên nguồn nhân công giá rẻ”, TS. Dustin Daugherty nói.

Và bài học lớn cho Việt Nam: xây dựng hệ sinh thái sản xuất thông minh trên nền tảng phối hợp công tư

Trong tầm nhìn dài hạn 2030 và xa hơn, Việt Nam có thể phát triển hệ sinh thái sản xuất thông minh thông qua học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực.

TS. Dustin Daugherty cho rằng để hướng tới chuyển dịch sản xuất, Việt Nam phải trả lời 4 câu hỏi lớn: Làm thế nào để đất nước phát triển chuỗi giá trị sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất thông minh? Làm thế nào để duy trì lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ khi chi phí lao động ngày một tăng và khả năng cạnh tranh từ nguồn lao động giá rẻ ngày một giảm? Làm thế nào để triển khai sản xuất thông minh một cách hiệu quả và vai trò của Chính phủ, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu cũng như khu vực tư nhân là gì?

Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

4 CÂU HỎI LỚN CHO VIỆT NAM

  • Làm thế nào để đất nước phát triển chuỗi giá trị sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất thông minh?
  • Làm thế nào để duy trì lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ khi chi phí lao động ngày một tăng và khả năng cạnh tranh từ nguồn lao động giá rẻ ngày một giảm?
  • Làm thế nào để triển khai sản xuất thông minh một cách hiệu quả?
  • Vai trò của Chính phủ, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu cũng như khu vực tư nhân là gì?

Theo ông Daugherty, có nhiều tấm gương quốc tế thành công trong phát triển sản xuất thông minh, nhưng trường hợp của Mỹ và Singapore có thể cung cấp những “chỉ dẫn” chung.

Một là phát huy vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong việc cung cấp chính sách và khuôn khổ pháp lý và vai trò phối hợp của khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và đào tạo.

Hai là thúc đẩy chuyên môn hóa từng địa phương, từng ngành nghề để xây dựng lợi thế cạnh tranh chuyên biệt, đặc thù.

Ba là tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho FDI và chuyên gia nước ngoài, xây dựng được cơ chế chuyển giao công nghệ “đôi bên cùng có lợi”.

Cuối cùng, phối hợp hiệu quả và hợp lý giữa đầu tư vào vốn công nghệ và vốn nhân lực.

Việt Nam đang từng bước đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong quá trình xây dựng một khu vực sản xuất tiên tiến có giá trị gia tăng cao. Việc kết hợp hiệu quả kinh nghiệm quốc tế với thực tiễn sản xuất trong nước có thể thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thông minh, bền vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ

TS. Dustin Daugherty

Tin liên quan

Đọc tiếp